'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Phát biểu về cách mạng công nghiệp 4.0 tại Đại học Công nghiệp Hà Nội sáng nay (26/2) Tổng giám đốc Viettel Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh mỗi cuộc cách mạng sẽ tạo điều kiện cho một số quốc gia bứt phá vươn lên thành nước phát triển.
"Nếu phải tìm một từ tổng quát nhất để mô tả về cách mạng công nghiệp 4.0, tôi sẽ dùng từ ‘làm ngược’: làm ngược những gì chúng ta đang làm, suy nghĩ ngược những gì chúng ta đang suy nghĩ.
"Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang mở ra một cơ hội về sự ngược nhưng mang lại kết quả bất ngờ, mang lại cơ hội cho sự đột phá và cơ hội cho người đi sau. Điều này rất quan trọng, bởi chỉ khi xảy ra những điểm đứt gãy thì những quốc gia nghèo khó như chúng ta mới có cơ hội khá lên. Tuy nhiên, người đi sau phải có mong muốn không giống người đi trước, vì nếu đi sau mà lại đi theo người đi trước thì mãi mãi chúng ta là người đi sau. Vị thế của đất nước ta, thứ hạng của chúng ta không thể thay đổi", ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, các công cụ của cách mạng công nghiệp 4.0 chủ yếu hỗ trợ cho các việc làm khác. "Cách mạng 4.0 gắn liền với từ dilapidated, tức là phá hủy, như chúng ta vẫn nói đó là sự sáng tạo mang tính phá hủy.
"Những người có quá khứ rất hoành tráng, các quốc gia có quá khứ hoành tráng như có nền tảng 1.0, 2.0, 3.0 thì sẽ không có đủ can đảm phá hủy. Chỉ có những ai đang không có gì, hay có rất ít thứ trong tay thì mới có cơ hội để phá hủy", ông Hùng nhấn mạnh.
Nhắc lại câu chuyện của 10 năm trước, khi Viettel chỉ có số vốn 2,3 tỷ đồng, ông Hùng cho hay ông đã từng "than thở" với một giáo sư người Malaysia rằng Viettel không có gì để phát triển cả. Vị giáo sư đã cười và nói rằng anh đang có mọi thứ để thắng vì anh chẳng có gì cả.
"Những người có nhiều thì sẽ sợ mất mát nhiều và vì thế, họ không có gì để thắng cả. Triết lý ấy đã khai sáng cho Viettel và Viettel mãi biết ơn câu nói đấy. Đến giờ chúng tôi vẫn đang tiếp tục câu nói đấy. Tức là khi đạt đến thành công thì chúng tôi lại tiến về số 0 mới, vì chỉ số 0 mới có sức sáng tạo, chứ số 1 ít có sáng tạo lắm", ông Hùng chia sẻ.
Nói rõ hơn về triết lý "làm ngược" trong thời đại 4.0, vị Tổng giám đốc Viettel dẫn các ví dụ:
Trước đây chúng ta thường học trước rồi mới làm, nhưng bây giờ cần làm trước, trải nghiệm trước, sau đó mới học.
Trước đây chúng ta không biết thì học nhưng bây giờ chúng ta phải tự học, tự học đến 90 – 95% rồi mới hỏi thầy.
Trước đây giáo viên là thầy nhưng bây giờ thầy là huấn luyện viên. Huấn luyện viên để học trò làm là chính và học trò bao giờ cũng giỏi hơn thầy.
Trước đây chúng ta làm nghiên cứu trong thế giới thực, trong phòng thí nghiệm, rất tốn kém và tốn nhiều thời gian, bây giờ ta có thể biến thế giới thực thành thế giới ảo nên ta có thể thực hiện quá trình nghiên cứu trong một môi trường ảo, môi tường mô phỏng, vừa không tốn kém lại tiết kiệm thời gian.
Trước đây chúng ta dạy sinh viên rất sâu về các chuyên ngành nhưng bây giờ sinh viên lại cần học đa ngành vì cơ hội bây giờ lại nằm ở liên kết các ngành.
Trước đây ta học trong trường là chính nhưng giờ càng mở càng tốt; mở rộng liên kết đào tạo giữa các trường trong và ngoài nước, liên kết với doanh nghiệp.
Trước đây chỉ cần ngôn ngữ người với người nhưng giờ ta cần biết ngôn ngữ người với máy, vì sau này chúng ta ra lệnh cho máy là chính.
Trước đây ta coi cách giải quyết vấn đề là trọng tâm, bây giờ học cách tìm ra vấn đề mới là quan trong nhất.
Trước đây ta học để làm cái đã học và làm cái người đã làm, còn bây giờ ta học để làm cái chưa ai làm.
Trước đây ta học sự tiệm cận, học để tiến hóa, để tốt lên từng ngày, bây giờ ta học để đột phá.
Trước đây "thực" là quan trọng và dạy là cái "thực" là chính, bây giờ mọi thứ đã được "ảo hóa" vậy nên "ảo" cũng quan trọng không kém.
Trước đây nghe và học thuộc là quan trọng, bây giờ tư duy phản biện là quan trọng.
Trước đây dạy cho sinh viên học "what", học "how", bây giờ chữ "why" mới là quan trọng vì học được chữ này mới có thể thay đổi thực tế.
Trước đây cạnh tranh là chúng ta sẽ làm giống người khác và làm tốt hơn, bây giờ cạnh tranh là sự khác biệt, là làm khác người khác.
Trước đây người thay đổi thế giới là người nói, người khai sáng, bây giờ người thay đổi thế giới rất có thể là người đặt ra một câu hỏi.
"Cách đây 5 năm, tôi có ngồi với Tổng tham mưu trưởng quân đội Singapore, tôi hỏi Singapore có gì mới không. Vị này nói trong một talkshow trên truyền hình với tổng thống Singapore, có sinh viên đã hỏi Singapore là thành phố hay quốc gia? Nếu xem Singapore là quốc gia thì cửa tăng trưởng gần như đã hết vì họ đã nằm trên đỉnh chóp của toàn cầu. Nhưng nếu xem Singapore là thành phố thì GDP/đầu người mới chỉ đứng thứ 63 trên thế giới. Vì thế câu hỏi này đã đặt ra một giai đoạn phát triển mới cho đất nước Singapore. Đó, một câu hỏi thôi đã mở ra cả giai đoạn phát triển cho đất nước", ông Hùng dẫn chứng.
Ông Hùng khẳng định Viettel đã vận hành cơ bản dựa trên các tiêu chí này. "Cuộc sống luôn náo nhiệt, luôn phát triển đã dạy cho chúng ta biết rằng ‘Điều duy nhất không thay đổi chính là sự thay đổi’.
"Do đó chúng ta luôn phải cố gắng để thành công. Để tiếp tục tồn tại, phải luôn đặt ra mục tiêu cao hơn, khó hơn, phá vỡ giới hạn của chính mình. Đặt ra cho mình những mục tiêu cao nhất, những mục tiêu mà đa số nghĩ là không thể. Bởi chỉ những cái không thể mới có thể tạo ra những con người và tổ chức xuất sắc", CEO Viettel kết luận.
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.