Ông Trần Bắc Hà trong hoài niệm của chuyên gia kinh tế Fulbright
VNF (ghi) -
20/11/2017 07:34 (GMT+7)
(VNF) - Nhân ngày 20/11, ông Huỳnh Thế Du, giảng viên chính sách công tại Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, đã có những chia sẻ rất đáng chú ý về ông Trần Bắc Hà, cựu chủ tịch Ngân hàng BIDV.
Bài viết của ông Huỳnh Thế Du, được ông chia sẻ trên tài khoản facebook cá nhân, cho hay ông muốn "tri ân tất cả những người thầy chính thức và không chính thức", trong đó có ông Trần Bắc Hà, người đã giúp ông tạo dựng hai nền tảng quan trọng của mình là sự quyết tâm và kỹ năng viết.
Ông Huỳnh Thế Du viết:
"Hai lần đi thi ấn tượng nhất trong đời tôi là thi tuyển vào BIDV Bình Định năm 1996 và thi vào Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright năm 2001. Cách thi hoàn toàn khác với những gì tôi tưởng tượng.
Ông Trần Bắc Hà là người đầu tiên tuyển dụng tôi. Chín năm làm việc dưới quyền của ông ấy ở BIDV, nhưng chỉ có hơn ba năm là thực chất chứ khi ông đã lên Trung ương thì dưới quyền vì ông ấy là lãnh đạo toàn ngành.
Kể từ khi ông lên Trung ương, tôi không còn cơ hội được làm việc trực tiếp với ông ngoài việc tham gia vào một số cuộc họp có mặt ông hay vài lần gặp lại ông kể từ khi tôi rời BIDV.
Ông Trần Bắc Hà (thứ hai từ trái sang). Nguồn ảnh: FB Mai Đình Đoài
Thực ra, ba năm ở BIDV Bình Định tôi chỉ là một nhân viên quèn, hiếm khi được làm việc trực tiếp với ông ấy. Do vậy, nói được làm việc dưới quyền của ông ấy có lẽ phần nhiều là tôi nhận vơ.
Hồi mới ra trường khả năng viết của tôi rất bình thường. Tuy nhiên, kỹ năng này đã được cải thiện đáng kể sau khi ông ấy khuyên tôi nên thường xuyên đọc các xã luận trên Báo Nhân Dân để học hỏi cách viết chuẩn mực và gãy gọn.
Tôi học được quyết tâm đạt được những mục tiêu đề ra là qua quan sát những gì ông ấy làm. Tôi nghiệm ra rằng, những bài học hay và dễ thấm nhất là nhìn vào hành động thực tiễn của người khác.
Những điều thị phi về ông Trần Bắc Hà rất nhiều do tính cách và quyền lực của ông ấy. Tuy nhiên, điều mà dư luận ít biết nhưng những ai ở BIDV nói riêng và biết ông ấy nói chung đều thấy rằng có rất nhiều người có khả năng và chính trực làm việc cho/với ông ấy.
Quan điểm của tôi là với những người mà mình đã hàm ơn, những nơi mà mình đã gắn bó thì chỉ có hai lựa chọn: hoặc là nói những điều tốt, những điều tích cực; hoặc là im lặng.
Đơn giản là tôi không muốn tự vả vào mặt mình theo cách khi còn làm việc ở một nơi nào đó hoặc cho ai đó thì hết lòng ca ngợi hay này kia, nhưng khi thôi rồi thì… hoặc dậu đổ bìm leo.
Tôi hiểu rằng, xã hội luôn biến đổi, vật có thể đổi, sao có thể dời, nhưng những giá trị căn bản của nhân, lễ, trí, tín, nghĩa luôn bất di bất dịch. Do vậy, làm gì cũng phải dựa trên những điều này.
Trong mỗi một cá nhân, luôn tồn tại hai phần CON và NGƯỜI dù ít hay nhiều. Để xã hội tốt lên là làm sao giảm bớt phần CON, tăng phần NGƯỜI; chứ nhân danh một cái gì đó để thỏa mãn phần CON thấp hèn thì mọi chuyện chỉ có tệ thêm mà thôi.
Nói ra những điều trên đơn giản là tôi chỉ vì tôi và vì những giá trị mà mình theo đuổi. Mỗi người có quan điểm và cách nhìn đối với những vấn đề xảy ra trong xã hội và tôi chọn theo cách của tôi".
Ông Huỳnh Thế Du là giảng viên chính sách công tại Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright. Lĩnh vực nghiên và giảng dạy chính của ông gồm: kinh tế đô thị, phát triển cơ sở hạ tầng và tài chính ngân hàng. Ông từng làm việc tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam trong giai đoạn 1996-2005.
Ông nhận bằng thạc sỹ quản lý công tại Trường Harvard Kennedy năm 2010 và bằng tiến sỹ tại Trường Kiến Trúc Harvard năm 2013. Luận văn tiến sỹ của ông có tiêu đề "Chuyển đổi ở Thành phố Hồ Chí Minh: Những vấn đề trong Quản lý tăng trưởng".
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone