'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Nửa đầu năm 2021, Việt Nam ghi nhận kết quả kinh tế - xã hội tương đối tốt với GDP tăng trưởng 5,64%, lạm phát thấp, xuất nhập khẩu tăng trưởng mạnh… Tuy vậy, đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 trở nên nghiêm trọng hơn vào cuối quý II – đầu quý III đã đặt ra những thách thức lớn cho Chính phủ và nền kinh tế quốc dân trong những tháng cuối năm 2021.
Để có một góc nhìn chuyên sâu về bức tranh kinh tế vĩ mô 6 tháng qua và dự báo thời gian tới, Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Phạm Thế Anh – Trưởng Bộ môn Kinh tế vĩ mô, Đại học Kinh tế Quốc dân:
- GDP quý I tăng trưởng 4,48%, quý II tăng trưởng 6,61%, tính chung 6 tháng tăng trưởng 5,64%, ông đánh giá như thế nào về kết quả này?
PGS.TS Phạm Thế Anh: Dù chưa đạt được mục tiêu của Chính phủ, song tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm là một kết quả tích cực, nhất là khi nước ta đối diện với sự bùng phát của dịch bệnh.
Nhìn sâu vào các ngành, có thể thấy động lực tăng trưởng đến từ sản xuất công nghiệp, tăng trưởng 8,91%, gần bằng mức trước dịch, riêng công nghiệp chế biến – chế tạo tăng 11,42%, rất ấn tượng. Khu vực nông – lâm – ngư nghiệp cũng có mức tăng trưởng khá, đạt 3,82%. Điều này là do điều kiện tự nhiên thuận lợi, sản xuất được mùa, lại thêm nhu cầu hàng hóa thiết yếu (lương thực, thực phẩm) tăng cao trong hoàn cảnh dịch bệnh. Điểm trầm là khu vực dịch vụ, chỉ tăng 3,96%, đây vẫn là khu vực tiếp tục chịu tác động nặng của dịch bệnh, như những gì đã diễn ra trong năm 2020.
- Dịch bệnh năm 2021 khác biệt với năm 2020 không chỉ ở số ca nhiễm mà còn ở đối tượng bị tác động. Nếu năm 2020, dịch bệnh chủ yếu gây thiệt hại cho khu vực dịch vụ thì năm 2021 dịch bệnh đã tấn công vào các cơ sở sản xuất công nghiệp. Có lẽ chúng ta khó lòng chứng kiến tốc độ tăng trưởng của sản xuất công nghiệp trong thời gian tới?
Trước hết thì ta thấy ngành dịch vụ năm nay vẫn chịu tác động lớn của dịch bệnh. Hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú, nghệ thuật, ăn uống, vui chơi giải trí… đều hết sức khó khăn. Sự khó khăn này kéo dài từ năm ngoái sang năm nay mà không thấy có dấu hiệu hồi phục, thậm chí tình hình còn nghiêm trọng hơn.
Đáng lo hơn là sản xuất công nghiệp năm nay cũng bị tác động khi nhiều cơ sở có ca nhiễm Covid-19, dẫn tới phải đóng cửa, dừng sản xuất hoặc sản xuất rất chật vật. Tình trạng này càng đáng lo hơn vì nó xảy ra tại các “thủ phủ” công nghiệp như: Bắc Giang, Bắc Ninh, TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai…
Dữ liệu thống kê 6 tháng đầu năm cho thấy công nghiệp vẫn tăng trưởng tốt là do dịch bệnh diễn ra ở các cơ sở công nghiệp mới chỉ nghiêm trọng từ cuối quý II trở đi. Bên cạnh đó, việc phong tỏa các cơ sở sản xuất công nghiệp không tạo ra đứt gãy ngay về chuỗi cung ứng nên không phản ánh tức thời vào kết quả GDP. Nhưng từ quý III, hậu quả sẽ lộ diện rất rõ, tăng trưởng không thể đạt được như quý II.
- Đối với điều hành tài khóa và tiền tệ trong 6 tháng qua, ông có nhận xét như thế nào?
Tài khóa không có gì thay đổi so với các năm trước, duy điểm đáng lo ngại là tỷ lệ giải ngân đầu tư công rất chậm, có lẽ do những gì dễ làm thì đã làm xong cả rồi còn những điểm vướng mắc vẫn chưa được giải quyết. So với các nước khác, Chính phủ cũng khá dè dặt với các gói hỗ trợ tài khóa hay an sinh.
Về tiền tệ, nhìn chung công tác điều hành khá tốt, song có một điều mà Ngân hàng Nhà nước cần thận trọng hơn là kiểm soát cung tiền. Tăng trưởng tín dụng ở mức khá, nhưng điểm chưa đạt là khoảng cách giữa lãi cho vay và lãi huy động chưa được thu hẹp như mong đợi. Thực tế, người dân, doanh nghiệp vẫn phải chịu lãi vay rất cao, trung bình trên 10%.
- Hồi đầu quý II, khá nhiều người tỏ ra lo ngại về lạm phát, song tính chung 6 tháng, lạm phát lại khá thấp. Ông nhìn nhận về lạm phát thời gian tới thế nào?
Nếu chúng ta chỉ nhìn vào con số thôi thì không có vấn đề gì đáng ngại, nhưng có mấy vấn đề cần lưu ý. Một là sự gia tăng của giá nguyên-nhiên liệu đầu vào. Trong vòng một năm qua, giá nguyên vật liệu sản xuất công nghiệp đã tăng rất mạnh, tới 70%; giá nguyên vật liệu nông nghiệp thô tăng khoảng 40%; giá nhiên liệu tăng khoảng gấp đôi. Giá thành sản xuất cao, không sớm thì muộn, sẽ khiến giá cả hàng hóa tiêu dùng tăng cao.
Hai là chi phí logistics. Giá nhiên liệu tăng cùng với việc nhiều tỉnh thành đưa ra quy định khắt khe về vận tải đã khiến chi phí logistics đội lên trông thấy. Ngoài ra, chi phí thuê đất cũng đang tăng lên.
Nguy cơ tăng giá sẽ trở nên rõ rệt hơn sau khi dịch bệnh qua đi, một phần là do nhu cầu hồi phục. Ngoài ra, sự đứt gãy trong lưu thông hàng hóa, nông dân được mùa nhưng không tiêu thụ được sản phẩm vì các biện pháp phòng chống bệnh dịch khắt khe có thể khiến họ thu hẹp sản xuất trong thời gian tới, khiến giá thực phẩm có thể tăng cao.
Do đó, nếu nhìn con số lạm phát ở thời điểm hiện tại sẽ không thấy vấn đề nhưng sức ép đang lớn dần lên. Chính sách tiền tệ trong thời gian tới có thể đối mặt với tình thế lưỡng nan, cần hết sức thận trọng, không dễ dàng để hạ lãi suất, tăng cung tiền, tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ được đâu.
Nói thêm về tín dụng, tăng trưởng tín dụng 6 tháng cao đấy nhưng đừng quên rủi ro nợ xấu cũng khá lớn. Việc doanh nghiệp phải đóng cửa hàng loạt (7 tháng có khoảng 80.000 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, làm thủ tục giải thể và hoàn tất giải thể) cũng đồng nghĩa với nợ xấu thực tế đang tăng lên mặc dù chúng tạm thời có thể chưa được phản ánh trong bảng cân đối kế toán của các ngân hàng do quy định giữ nguyên nhóm nợ của cơ quan quản lý.
- Với các phân tích nói trên, ông dự báo triển vọng tăng trưởng GDP năm nay sẽ đạt được bao nhiêu?
Mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% chắc là không đạt được rồi. Tính toán của chúng tôi cho thấy khả năng cao nhất, Việt Nam có thể đạt được tăng trưởng GDP 4,5% - 5,1%. Kịch bản này dựa trên giả thiết dịch bệnh được kiểm soát vào cuối quý III để hoạt động kinh tế trở lại trong quý IV.
Tình hình hiện nay đang cho thấy những dấu hiệu tích cực về tiêm chủng vắc xin, mở ra triển vọng khôi phục sản xuất tại các tỉnh phía Nam trong quý IV. Tuy nhiên, một khó khăn khác mà khu vực này có thể phải đối mặt trong thời gian tới khi khôi phục sản xuất là việc thiếu nguồn cung lao động nếu như tình trạng di cư ngược về quê của người lao động tiếp tục diễn ra. Có thể sẽ mất thời gian và chi phí để kêu gọi các lao động này quay trở lại thành phố nếu như họ chưa chắc chắn về khả năng kiểm soát bệnh dịch.
- Nói riêng câu chuyện thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa 7 tháng năm 2021 vẫn tăng trưởng rất tốt, song Việt Nam lại nhập siêu 2,7 tỷ USD. Ông nhận định triển vọng xuất nhập khẩu năm nay thế nào và liệu Việt Nam có thể có năm thứ 6 xuất siêu liên tiếp không?
Xuất khẩu là câu chuyện không phụ thuộc vào ý chí của Việt Nam mà phụ thuộc vào các đối tác. Với diễn biến hiện nay, kinh tế Mỹ đang tăng trưởng tốt nhờ kiểm soát được dịch bệnh và gói kích thích tài khóa khổng lồ. Việt Nam đang được hưởng lợi từ điều này, xuất khẩu sang Mỹ tăng gần 50% trong nửa đầu năm nay. Châu Âu cũng đang khống chế tương đối tốt dịch bệnh, mở cửa dần dần, khiến FTA với châu Âu đang dần phát huy hiệu quả. Các thị trường lớn khác cũng tương đối ổn.
Tóm lại, tôi cho rằng xuất khẩu vẫn sẽ tăng trưởng cao trong năm nay. Tuy nhiên cấu trúc kinh tế của Việt Nam chưa có sự thay đổi: xuất nhiều thì nhập cũng nhiều. 7 tháng qua, Việt Nam nhập siêu khoảng 2,7 tỷ USD. Song điều này cũng không quá lo ngại khi đa phần Việt Nam nhập khẩu nguyên vật liệu để sản xuất. Trong kịch bản lạc quan, chúng tôi cho rằng Việt Nam vẫn có thể có xuất siêu trong năm 2021.
- Ông có khuyến nghị gì về chính sách kinh tế trong những tháng cuối năm?
Chính sách kinh tế rõ ràng phải gắn liền với chính sách phòng chống dịch bệnh. Hiện nay, điều cần kíp nhất là đẩy nhanh và có chiến lược tiêm chủng vắc xin phù hợp. Theo quan điểm của chúng tôi, dịch đang bùng phát phía Nam thì Chính phủ phải dồn vắc xin vào đó, không nên dàn trải cho các địa phương. Song song với đó, Chính phủ phải khắc phục ngay tình trạng chống dịch cực đoan, làm đứt gãy chuỗi cung ứng.
Về tài khóa, Chính phủ nên tập trung giải ngân mảng y tế và gói hỗ trợ người lao động mất việc làm, nhất là trong khu vực phi chính thức. Phải hỗ trợ nhằm giữ chân người lao động, tránh tình trạng đứt gãy sản xuất, thiếu hụt lao động sau này khi người lao động đang dần bỏ về quê. Ngoài ra, Chính phủ thúc đẩy mạnh các dự án đầu tư công, vì 6 tháng qua giải ngân khá chậm, điều này có ý nghĩa không chỉ với tăng trưởng năm nay mà còn với các năm sau đó.
Về tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước phải kiểm soát chặt chẽ cung tiền. Như trên đã nói, sức ép lạm phát chi phí đẩy rất cao, nếu kết hợp với cung tiền tăng cao thì không kiểm soát được, sẽ gây ra lạm phát phi mã. Tỉ lệ cung tiền/GDP của Việt Nam những năm qua rất cao, hiện nay là vào khoảng 200%, gây rủi ro trong dài hạn. Ngoài ra, chính sách tiền tệ phải theo hướng điều tiết được lãi cho vay, nếu không sẽ gần như không hỗ trợ được doanh nghiệp và người dân…
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.