Phát triển TP. HCM thành 'trung tâm tài chính quốc tế'

Trần Lê - 13/11/2021 13:03 (GMT+7)

(VNF) - Theo Nghị quyết về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025 vừa được thông qua, TP. HCM sẽ được thúc đẩy phát triển trở thành trung tâm tài chính quốc tế.

VNF
Ảnh minh họa.

Nghị quyết về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025 được Quốc hội thông qua vào sáng 13/11 với 460/473 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.

Nghị quyết thông qua các mục tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia. Đó là bảo đảm nhu cầu sử dụng đất để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025;

Phân bổ hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực đất đai cho các ngành, lĩnh vực và các địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu;

Tạo nền tảng để đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao;

Ảnh: Kết quả bỏ phiếu thông qua Nghị quyết về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia 

Bố trí quỹ đất đáp ứng yêu cầu phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, bảo đảm kết nối không gian phát triển liên ngành, liên vùng, các hành lang kinh tế và các vùng động lực phát triển của quốc gia;

Giữ ổn định 3,5 triệu ha đất trồng lúa; bảo đảm tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42-43%;

Khai hoang, phục hóa, lấn biển, đưa diện tích đất chưa sử dụng vào sử dụng; hạn chế tình trạng suy thoái đất; cải tạo, phục hồi diện tích đất bị thoái hóa gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Nghị quyết cũng quyết nghị những nội dung cụ thể về định hướng, tầm nhìn quy hoạch sử dụng đất quốc gia đến năm 2050.

Đáng lưu ý, định hướng không gian sử dụng đất theo vùng lãnh thổ cũng đã được xác định rõ tại nghị quyết này.

Vùng Đông Nam Bộ, theo nghị quyết, được xác định là “Nâng cao khả năng kết nối hạ tầng vùng, tạo động lực liên kết, lan tỏa thúc đẩy hợp tác và phát triển với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ;

Thúc đẩy phát triển TP. HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế; phát triển chuỗi công nghiệp - đô thị Mộc Bài - TP. HCM - Cảng Cái Mép - Thị Vải gắn với hành lang kinh tế xuyên Á; tập trung phát triển cảng biển Cái Mép - Thị Vải trở thành cảng biển container trung chuyển quốc tế; xây dựng thành phố sân bay cửa ngõ quốc tế Long Thành;

Phát triển nông nghiệp hàng hóa, sinh thái đạt hiệu quả cao về xã hội và môi trường; bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ ven biển, rừng ngập mặn;

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tập trung sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hiện đại, quy mô lớn; nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp hiệu quả cao; công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, thuỷ sản; phát triển chuỗi giá trị về nông nghiệp đối với 3 sản phẩm chủ lực của vùng về thủy sản, trái cây và lúa gạo; vùng trọng điểm về trồng lúa tại khu vực Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên; vùng trồng cây ăn quả ven sông Tiền, sông Hậu và khu vực cù lao; vùng nuôi trồng thủy sản tại khu vực ven biển từ Tiền Giang đến Hà Tiên;

Đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, xây dựng mạng lưới đô thị vùng tạo động lực cho phát triển, tăng cường liên kết với TP. HCM và vùng Đông Nam Bộ. Xây dựng, phát triển mạng lưới giao thông đường bộ, đường thủy, kết nối nội vùng và liên vùng, bổ trợ và không xung đột với hệ thống thuỷ lợi, đê điều;

Phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Bảo đảm việc sử dụng đất linh hoạt, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, xây dựng các công trình chống sạt lở, xâm nhập mặn, bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.