Tiêu điểm

Phó Chủ tịch TP. HCM Võ Văn Hoan: 'Cần Giờ sẽ là thành phố du lịch sinh thái, không cần phải lên quận'

(VNF) - “Vì Cần Giờ có những thuận lợi riêng nên sẽ phát triển thành thành phố du lịch và sinh thái mà không phải lên quận”, Phó chủ tịch UBND TP. HCM Võ Văn Hoan cho biết.

Phó Chủ tịch TP. HCM Võ Văn Hoan: 'Cần Giờ  sẽ là thành phố du lịch sinh thái, không cần phải lên quận'

TP. HCM định hướng huyện Cần Giờ thành thành phố du lịch, sinh thái.

Phát biểu tại Hội thảo “TP. HCM - Tầm nhìn kinh tế biển kết nối chuỗi đô thị quốc tế”, do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp cùng UBND TP. HCM, ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND cho hay trong thời gian qua, ngành kinh tế biển có tốc độ phát triển kinh ngạc như dầu khí, tài nguyên biển, du lịch biển, vận tải biển…

Trong bối cảnh trong nước và quốc tế hiện nay, TP. HCM và vùng TP. HCM cần định vị lại vị thế cạnh tranh của mình, định hướng thành trung tâm dịch vụ có sức cạnh tranh quốc tế, hướng đến các mô hình kinh tế mới như kinh tế biển xanh tương quan với tăng trưởng xanh, các ngành có giá trị gia tăng cao.

Cũng theo Phó chủ tịch UBND TP. HCM Võ Văn Hoan, phát triển về hướng biển là mong muốn và ý chí của các thế hệ lãnh đạo và người dân TP. HCM. Do đó, xác định định hướng chiến lược để TP. HCM có kinh tế biển và chuỗi đô thị biển phát triển, kết nối với quốc tế và khu vực đã trở thành yêu cầu cấp thiết của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố.

“Vì Cần Giờ có những thuận lợi riêng nên sẽ phát triển thành thành phố du lịch và sinh thái mà không phải lên quận”, ông Hoan cho biết.

“Các huyện hiện nay muốn phát triển và đầu tư rất khó khăn, đường phải làm rộng hơn, người dân phải có đầy đủ điều kiện sống như một công dân ở đô thị, và những điều kiện khác về hạ tầng cấp nước, thoát nước, môi trường… Huyện Cần Giờ có lợi thế là đủ điều kiện cơ sở hạ tầng để đi nhanh, đi sớm hơn nữa”, ông Hoan nói.

Tại hội thảo, nhiều nhà khoa học, chuyên gia cho rằng kinh tế biển- đô thị biển là động lực phát triển mới của TP. HCM. Tuy nhiên các nhà khoa học cũng khuyến cáo, khi phát triển theo hướng này TP sẽ đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là vấn đề môi trường, kết nối hạ tầng. Do vậy, việc liên kết với các địa phương để cùng phát triển, tạo thành kinh tế tuần hoàn mà TP. HCM là hạt nhân vô cùng cần thiết.

PGS.TS Lưu Thế Anh, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường - Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng chuỗi đô thị biển Vũng Tàu - Cần Giờ - Gò Công tại vịnh Cần Giờ đã tạo "mặt tiền" để chủ động đón nhận các cơ hội phát triển kinh tế biển giá trị gia tăng cao và giao dịch hàng hải quốc tế. Từ đó, TP. HCM có bàn đạp để trở thành một thành phố "cửa ngõ" kết nối mạnh hơn nữa với khu vực và quốc tế.

TP. HCM khi đó không chỉ đóng vai trò quan trọng đối với phát triển của vùng kinh tế phía Nam mà còn là mấu chốt trong các chiến lược quốc tế, như hành lang kinh tế Ấn Độ - Mekong, chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, sáng kiến Vành đai - Con đường. Bắt nguồn từ điểm "hub" (trung tâm) về hàng hải, TP. HCM sẽ trở thành điểm "hub" về hàng không, đường bộ và đường sắt.

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cũng ủng hộ TP. HCM lấy biển Cần Giờ để khai thác kinh tế biển nhưng cần có định hướng cụ thể để không ảnh hưởng đến môi trường và phát triển bền vững. Trong đó, cần tiếp cận theo hướng liên kết vùng, hình thành một hệ sinh thái biển cộng sinh, nương nhờ vào nhau để hoạt động.

Tin mới lên