Ngân hàng

Phó Thống đốc: 'Xem xét kéo dài Thông tư 02 đến hết năm 2024 để hỗ trợ doanh nghiệp'

(VNF) - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú đã điểm lại những khó khăn hiện hữu trong nền kinh tế 2 tháng đầu năm 2024. Đồng thời, đại diện NHNN cũng đã đề ra những định hướng điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian tới.

Phó Thống đốc: 'Xem xét kéo dài Thông tư 02 đến hết năm 2024 để hỗ trợ doanh nghiệp'

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú.

Theo thống kê của NHNN tại Hội nghị về chính sách tiền tệ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng, đến cuối năm 2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 13,78% so với cuối năm 2022. Do yếu tố mùa vụ của dịp Tết Nguyên đán cùng với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa cao, đến ngày 29/02/2024, tín dụng nền kinh tế giảm 0,72% so với cuối năm 2023. Tuy nhiên, tốc độ giảm của tháng 2 đã chậm lại (-0,05%) so với tháng 1 (-0,6%).

NHNN cho biết, mức giảm hiện nay ở hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế. Có 2 lĩnh vực tăng trưởng trong 2 tháng đầu năm, đó là tín dụng lĩnh vực bất động sản, tăng 0,23% so với cuối năm 2023, tín dụng đối với lĩnh vực chứng khoán, tăng 2,56% so với cuối năm 2023.

Lý giải về nguyên nhân tăng trưởng tín dụng âm trong 2 tháng đầu năm, NHNN cho biết, những yếu tố khách quan như kinh tế thế giới diễn biến khó lường, áp lực lạm phát và mặt bằng lãi suất thế giới ở mức cao, đồng USD, giá vàng thế giới diễn biến phức tạp; chênh lệch lãi suất USD - VND,... tác động tiêu cực lên sự ổn định của tỷ giá VND/USD trong nước, nhất là khi lãi suất VND dự kiến tiếp tục giảm.

Ở trong nước, nhu cầu vốn tín dụng thường tăng cao vào dịp cuối năm và thời điểm trước Tết nguyên đán dẫn tới 2 tháng đầu năm khó tăng trưởng nhanh quy mô tín dụng.

Toàn cảnh hội nghị diễn ra vào sáng 14/3.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú thừa nhận, cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế ở mức thấp trong đầu năm 2024. Nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoặc ngừng hoạt động do sức ép lạm phát, giá cả vật liệu tăng; thiếu đơn hàng; nhiều yếu tố đầu vào, chi phí sản xuất kinh doanh cao nên không có nhu cầu vay vốn; người dân tăng dự phòng và giảm vay chi tiêu; tín dụng BĐS chiếm khoảng 21% tín dụng chung, tín dụng BĐS tăng/giảm cao thường khiến tín dụng toàn hệ thống tăng/giảm.

Một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn; nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa do quy mô vốn nhỏ, năng lực hạn chế, thiếu phương án kinh doanh khả thi, các giải pháp tăng tiếp cận tín dụng thông qua Quỹ Bảo lãnh tín dụng, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa,... chưa phát huy được nhiều hiệu quả.

Đại diện NHNN cũng chỉ ra những thách thức khác như khó khăn trong triển khai một số chương trình, chính sách tín dụng như Chương trình 120.000 tỷ đồng còn nhiều vướng mắc; khả năng huy động vốn trung, dài hạn của tổ chức tín dụng còn thấp so với nhu cầu vốn trung dài hạn của nền kinh tế; huy động vốn qua cổ phiếu, trái phiếu, vốn FDI tăng thấp, những khó khăn trên thị trường thị trường trái phiếu, BĐS chưa được giải quyết căn cơ, triệt để...

Nguồn vốn phục vụ tăng trưởng tiếp tục tập trung vào tín dụng ngân hàng, tỷ lệ Tín dụng/GDP tăng cao (cuối năm 2023 khoảng 133%, tăng so với mức khoảng 125% cuối năm 2022), tiềm ẩn rủi ro an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ.

Để tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phía NHNN cho biết sẽ bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước, tập trung thực hiện các giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn. Đáng chú ý, NHNN sẽ nghiên cứu, xem xét kéo dài thời gian thực hiện Thông tư 02 (quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn) đến hết năm 2024 cũng như phối hợp với các bộ ban ngành liên quan triển khai các giải pháp cần thiết để tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng đối với doanh nghiệp trong thời gian tới.

Tin mới lên