Phó tổng 9x của PAN Food: 'Mỗi nhà quản lý trẻ đều có thể biến tuổi trẻ của mình thành tài sản'

Tùng Lâm - 04/02/2021 08:56 (GMT+7)

(VNF) - Phó tổng giám đốc PAN Food Nguyễn Thái Hạnh Linh cho rằng mỗi nhà quản lý trẻ đều có thể biến tuổi trẻ thành tài sản và đóng góp tốt nhất cho tổ chức, cho cộng đồng, cho xã hội bằng chính sức trẻ, lợi thế tuổi trẻ của mình.

VNF
Phó tổng 9x của PAN Food: 'Mỗi nhà quản lý trẻ đều có thể biến tuổi trẻ của mình thành tài sản'

Vai trò của các bạn trẻ trong quản trị doanh nghiệp, phát triển kinh tế, cải tiến xã hội... ngày càng rõ rệt trong những năm gần đây và chắc chắn sẽ ngày càng quan trọng trong thập niên tới. Việc liên tục kiến tạo các thế hệ trẻ có tâm và có tài là nền tảng cho sự đi lên bền vững của Việt Nam trong tương lai.

Liên quan đến chủ đề này, VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với chị Nguyễn Thái Hạnh Linh, Phó tổng giám đốc của Công ty Cổ phần Thực phẩm PAN (PAN Food) về con đường sự nghiệp cũng như khát vọng của nhà quản lý trẻ này trong thập niên mới 2021 - 2030.

Chị Nguyễn Thái Hạnh Linh sinh năm 1991 tại Hải Phòng. Bên cạnh cương vị là Phó tổng giám đốc PAN Food, chị còn đang kiêm nhiệm chức Giám đốc Tài chính PAN Food, Trưởng đại diện văn phòng tại TP. HCM của Công ty Cổ phần Tập đoàn PAN (HoSE: PAN) và là Thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Chế biến Hàng xuất khẩu Long An (HoSE: LAF).

PAN Food hiện là công ty mẹ của nhiều thương hiệu nổi tiếng như Bibica, Lafooco, Nước mắm 584 Nha Trang..., đồng thời là thành viên của Tập đoàn PAN.

-  Cơ duyên nào khiến Linh gia nhập PAN Food từ rất sớm?

Phó tổng giám đốc PAN Food Nguyễn Thái Hạnh Linh: Nói về cơ duyên, công việc full-time đầu tiên của tôi ở Việt Nam là hỗ trợ quản lý danh mục đầu tư cho quỹ SSIAM, trong đó có khoản đầu tư vào Tập đoàn PAN.

Khi đó, Tập đoàn PAN đang thay đổi chiến lược và mô hình kinh doanh, hướng đến sứ mệnh nâng tầm nông nghiệp và thực phẩm Việt Nam. Khi được điều chuyển sang Tập đoàn PAN để thực hiện kế hoạch phát triển mới này, tôi khá lung lay bởi đây là một dự án hoàn toàn mới, mọi thứ phải làm từ đầu.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là PAN theo đuổi giấc mơ nâng tầm nông nghiệp và thực phẩm Việt Nam, và tôi tìm thấy sự tương đồng bởi tôi cũng mơ một giấc mơ như vậy: góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên thế giới.

Tôi nhận thấy đây là cơ hội rất quý báu, đáng để mình thử sức. Sau một thời gian, tôi được trao cơ hội tham gia vào dự án thành lập PAN Food – nền tảng thực phẩm của Tập đoàn PAN – và quản lý tài chính cho PAN Food tới nay.

­- Được trao cơ hội, Linh có cảm thấy áp lực không?

Chắc chắn là rất áp lực. Tôi được phân công vào vị trí phụ trách tài chính cho PAN Food năm 24 tuổi, tương đối trẻ dù nếu tính “tuổi PAN” thì cũng khá có thâm niên.

Khi sếp quyết định giao cho tôi nhiệm vụ mới, ban đầu tôi rất sợ. Nhưng sếp nói với tôi: “Nếu em không thử thì làm sao biết mình làm được”. Câu nói đó của sếp đã biến áp lực trong tôi trở thành động lực, bởi một người giỏi như vậy nhìn ra khả năng và trao cho mình cơ hội thì chắc hẳn mình cũng đã chứng minh được điều gì đó.

Bên cạnh đó, tôi cũng rất cố gắng hoàn thiện bản thân về cả chuyên môn lẫn năng lực lãnh đạo, cố gắng mở rộng mạng lưới đối tác để phục vụ tốt nhất cho công việc của mình.

- Khi bắt tay vào làm, Linh có thấy khó không?

Tôi thấy mọi thứ đều khó. Trước đây tôi học ở nước ngoài rồi về Việt Nam, tham gia chủ yếu vào lĩnh vực tài chính (phân tích doanh nghiệp, đầu tư, huy động vốn…), tuy nhiên khi làm Giám đốc tài chính (CFO), nhiều thứ chưa nắm được trong một thời gian ngắn, chẳng hạn như về kiểm soát tài chính, xây dựng và chuẩn hóa hệ thống hạch toán, kế toán…, bởi chuẩn mực kế toán Việt Nam khác so với nước ngoài, và mỗi mô hình kinh doanh sẽ có những đặc thù khác nhau.

Rất may mắn là khi PAN Food thực hiện đầu tư, góp vốn vào các công ty thành viên, đội ngũ kế toán – tài chính của các công ty thành viên rất mạnh và bản thân họ cũng rất cởi mở, dành rất nhiều thời gian để hướng dẫn tôi.

Tôi cho rằng có thể do mình trẻ, học nhanh, cần cù và thành thật nên có thể nhanh chóng bắt nhịp.

- Huy động vốn là công việc mà rất nhiều bạn trẻ hiện nay mong muốn theo đuổi và đây cũng là một trong những công việc chính mà Linh đảm nhiệm tại Tập đoàn PAN cũng như PAN Food. Linh có nhìn nhận thế nào về công việc này? Thương vụ huy động vốn nào gây ấn tượng với bạn?

Tôi cho rằng nhiều bạn trẻ thích công việc huy động vốn cho doanh nghiệp bởi đây là công việc nhiều thử thách, cần có kỹ năng về tài chính, hiểu biết về thị trường vốn và phải đủ hiểu biết về cách doanh nghiệp mình vận hành, về ngành nghề, bởi mình là người đi kể chuyện, giải thích cho các nhà đầu tư.

Ngoài ra cũng cần phải xây dựng các mối quan hệ và đặc biệt là xây dựng niềm tin với các đối tác, từ các nhà đầu tư chuyên nghiệp đến các quỹ đầu tư, tổ chức tài chính trong và ngoài nước.

Tôi từng trải qua nhiều vòng huy động vốn với PAN. Mỗi lần gọi vốn lại là một lần đón nhận thử thách mới. Bên cạnh khó khăn khách quan ở mỗi thương vụ, một phần thử thách đến từ mục tiêu mà chúng tôi tự đặt ra, ví dụ các điều khoản phải tốt hơn, thời gian hoàn thành phải nhanh hơn…

Gây ấn tượng với tôi có thể kể đến thương vụ huy động vốn cho Tập đoàn PAN thông qua phát hành trái phiếu, được bảo lãnh bởi Quỹ Bảo lãnh Tín dụng Đầu tư (CGIF) thuộc Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB). Đây là một thương vụ rất áp lực.

Thứ nhất là áp lực từ yêu cầu của đơn vị bảo lãnh. Là thành viên của ADB, CGIF là một trong những tổ chức tài chính có yêu cầu khắt khe nhất thế giới. Chúng tôi phải thuyết phục CGIF không chỉ về mô hình kinh doanh, sức khỏe dòng tiền… của PAN mà quan trọng nhất là các yếu tố phát triển bền vững theo tiêu chuẩn của ADB.

Thứ hai là áp lực về thời gian hoàn thành thương vụ. Chúng tôi ép mình phải thực hiện trong vòng 6 tháng. Đây là khoảng thời gian mà CGIF đánh giá là “không tưởng”, bởi quá trình thẩm tra của họ rất lâu.

Sở dĩ phải tự ép mình như vậy là bởi chúng tôi phải tận dụng mức lãi suất thấp cho kỳ hạn 5 năm tại thời điểm đó. Đối với sản phẩm trái phiếu, thời điểm phát hành là rất quan trọng, nếu muộn dù chỉ một tháng, lãi suất có thể sẽ tăng lên, gây bất lợi cho công ty.

Toàn bộ quá trình đàm phán, thương thảo rất áp lực về khối lượng công việc, về nguồn lực con người bởi đội ngũ chúng tôi rất tinh gọn. Đôi khi tôi cảm thấy cơ hội để 2 bên có thể chốt được thương vụ theo đúng nguyện vọng của nhau là rất mong manh.

Tuy nhiên rất mừng là sau đó chúng tôi đã phát hành thành công trái phiếu với quy mô khoảng 50 triệu USD với lượng đặt mua gấp rưỡi lượng chào bán.

PAN cũng là công ty duy nhất trong lĩnh vực nông nghiệp trên toàn châu Á phát hành thành công sản phẩm này.

- Theo Linh, điều gì đã thuyết phục được họ?

Bản thân PAN là một công ty rất tốt, rất minh bạch. Chúng tôi chia sẻ với họ chiến lược và kế hoạch kinh doanh những năm tới, mô hình tài chính của công ty…, nhờ đó họ cảm thấy yên tâm về khả năng trả nợ cũng như khả năng sinh lời tại các dự án mà công ty đầu tư.

PAN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và nhìn chung, ấn tượng gắn liền với các công ty nông nghiệp Việt Nam là rủi ro, nhiều yếu tố không thể kiểm soát được. Đã từng có rất nhiều câu hỏi liên quan đến rủi ro được các nhà đầu tư đặt ra. Tuy nhiên, họ nhìn thấy rằng PAN đi theo chiến lược hoàn toàn khác, tập trung vào phát triển bền vững.

Bản thân CGIF, ADB hay tất cả các tổ chức tài chính quốc tế muốn đầu tư đường dài, họ đều rất trân trọng các doanh nghiệp có cam kết theo đuổi phát triển bền vững. Họ cũng nhìn thấy rằng PAN trong 10 năm nay và các công ty thành viên của tập đoàn trong 50 năm nay cùng thống nhất theo đuổi chiến lược phát triển bền vững. Đó cũng là lý do vì sao PAN giữ vị thế là công ty hàng đầu trong ngành nông nghiệp và thực phẩm Việt Nam.

- Tái cấu trúc tài chính hậu M&A có phải là một bài toán khó?

Thực ra các công ty thành viên của Tập đoàn PAN cũng như PAN Food đều là các công ty đầu ngành trong lĩnh vực của họ. Tình hình tài chính rất lành mạnh, uy tín với các ngân hàng, đối tác rất cao và mô hình kinh doanh của họ cũng rất bền vững.

Do vậy mà khi tiến hành M&A, cái mà chúng tôi tập trung hỗ trợ là làm thế nào để những thứ đang tốt trở nên tốt hơn nữa, chẳng hạn như cải thiện hiệu quả hoạt động, tăng thanh khoản, giảm chi phí tài chính, tăng doanh thu tài chính ở mức rủi ro tối thiểu…

PAN là một tập đoàn lớn, uy tín trên thương trường cả trong và ngoài nước rất tốt nên các công ty thành viên trong hệ sinh thái của PAN cũng được hưởng mức xếp hạng tín dụng rất tốt của tập đoàn. Đây là lợi thế so với khi họ đứng một mình.

Nhờ vào uy tín của PAN, nguồn vốn được huy động với giá rẻ hơn, giúp các công ty thành viên giảm thiểu được chi phí tài chính, nhất là chi phí lãi vay.

Bên cạnh đó, đội ngũ phụ trách tài chính của chúng tôi cũng hỗ trợ ban lãnh đạo xác định và tiến hành thanh lý một số tài sản có khả năng sinh lời kém, từ đó có thêm nguồn lực để tăng cường sản xuất kinh doanh nhằm đạt được tăng trưởng tốt hơn.

Ngoài ra, không ít công ty thành viên trong tập đoàn có rất nhiều tiền mặt. Tiền mặt nhiều đồng nghĩa với tính thanh khoản rất tốt nhưng cũng cần có sự cân bằng nhất định trong việc khai thác dòng tiền nhãn rỗi để sử dụng hiệu quả nguồn lực này.

Tựu trung, thách thức tái cấu trúc tài chính hậu M&A đối với PAN chủ yếu là làm sao để đưa ra phương án tài chính tối ưu hơn, giúp gia tăng hiệu quả hoạt động với mức độ rủi ro thấp. Những công ty này đã rất tốt, làm thế nào để tốt hơn nữa là một bài toán khó.

- Là một người trẻ, Linh có gặp khó khăn khi tham gia quản trị các công ty lâu đời không?

Đúng là các công ty thành viên trong hệ sinh thái của PAN đều có truyền thống rất lâu đời. Lãnh đạo chúng tôi thường ví von rằng Tập đoàn PAN giống như “sinh con rồi mới sinh cha”. Nhưng mô hình mẹ - con chỉ là cơ cấu tổ chức, trên thực tế, trong tập đoàn không có khái niệm “mẹ” to hơn “con”. Tại PAN, văn hóa trao quyền rất rõ ràng.

Một trong những yếu tố rất quan trọng khi PAN quyết định đầu tư vào các công ty thành viên là sự tương đồng trong mô hình quản lý và văn hóa doanh nghiệp. Đó là văn hóa cởi mở, văn hóa trao quyền. Toàn tập đoàn được quản lý bởi hệ thống rõ ràng, tất cả mọi người đều nắm rõ chức năng, nhiệm vụ, KPI, tiêu chuẩn đánh giá và đóng góp của mình đối với công ty.

Tính minh bạch trong hệ thống của PAN là xuyên suốt từ tập đoàn đến các công ty thành viên. Đây là văn hóa mà tôi rất tự hào. Đối với tôi, không có bất cứ khó khăn hay vấn đề gì liên quan đến chênh lệch tuổi tác hoặc khác biệt văn hóa mà tôi gặp phải. Khi tôi làm bất cứ công việc nào trong phạm vi phân cấp của mình, tất cả mọi người đều tạo điều kiện bởi mọi việc chung quy cũng đều là đóng góp vào sự phát triển của công ty. Đó cũng là lý do tôi ở đây suốt gần 10 năm.

Nói về khó khăn, phần nhiều đến từ bản thân tôi.

Các công ty thành viên trong Tập đoàn PAN hay trong PAN Food mặc dù cùng hoạt động trong ngành nông nghiệp và thực phẩm nhưng sản phẩm và thị trường tiêu thụ rất khác nhau.

Chẳng hạn, có công ty kinh doanh bánh kẹo, snack nhưng có công ty lại kinh doanh cá, tôm, nước mắm, cà phê…; có công ty 90% sản phẩm dành cho xuất khẩu nhưng cũng có công ty tới 90% là bán ở thị trường nội địa… Đặc thù kinh doanh của họ cũng khác nhau, cơ cấu vốn khác nhau, nhu cầu vốn khác nhau và kể cả chính sách thuế cũng khác nhau.

Vì thế, khó khăn lớn nhất đối với tôi và đội ngũ của tôi khi tham gia quản trị tài chính các công ty thành viên là phải làm quen với hệ thống, phải hiểu đặc thù kinh doanh, mô hình tổ chức của từng công ty, làm sao tìm ra giải pháp cộng hưởng các giá trị của các công ty thành viên với nhau và với tập đoàn, từ đó quản trị tài chính một cách hiệu quả nhất.

- Linh nghĩ lợi thế lớn nhất của nhà quản lý trẻ là gì?

Khi bắt đầu nhận vị trí quản lý tài chính tại PAN Food, tôi đi xin lời khuyên từ rất nhiều mentor (cố vấn), một số người trong đó cũng là CFO. Tôi vẫn nhớ lời khuyên từ một người anh, rằng: “Bất lợi của em là tuổi trẻ bởi em chưa có nhiều kinh nghiệm, nhưng hãy nghĩ rằng đó cũng là lợi thế và làm thế nào để biến bất lợi thành lợi thế”.

Vì tôi còn trẻ nên những người xung quanh hiểu rằng có nhiều thứ tôi không biết, cho nên nếu tôi đủ khiêm nhường và sẵn sàng học hỏi thì sẽ có người sẵn sàng trả lời, hướng dẫn và dìu dắt.

Vì tôi còn trẻ nên tôi có nhiều năng lượng và chính năng lượng đó lại giúp tiếp thêm rất nhiều năng lượng và sự lạc quan cho mọi người. Đôi khi điều đó rất cần thiết.

Vì tôi còn trẻ nên tôi có nhiều thời gian hơn để xây dựng các mối quan hệ bên ngoài nhằm giúp ích cho công việc.

Vì tôi còn trẻ nên ít sợ sai hơn, dám thử cái mới, có nhiều góc nhìn mới.

Đó là những giá trị mà nhà quản lý trẻ có thể bổ trợ được cho công ty.

Tôi nghĩ rằng mỗi nhà quản lý trẻ đều có thể biến tuổi trẻ thành tài sản và đóng góp tốt nhất cho tổ chức, cho cộng đồng, cho xã hội bằng chính sức trẻ, lợi thế tuổi trẻ của mình.

- Khát vọng của Linh trong thập niên mới là gì?

Như chia sẻ ngay từ ban đầu, khi tham gia và gắn bó với Tập đoàn PAN, tôi cũng có khát vọng được đóng góp vào ước mơ nâng tầm nông nghiệp và thực phẩm Việt Nam, nâng tầm sản vật Việt Nam – vốn là những niềm tự hào của Việt Nam.

Trong thập niên vừa qua hay nhiều thập niên tới, tôi vẫn sẽ nuôi dưỡng khát vọng được góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên thế giới. Tôi cho rằng đây là thời kỳ rất quan trọng để Việt Nam đón nhận những cơ hội mới. Khát vọng, cùng với những nền tảng đang có, cộng với sự chuẩn bị kỹ càng, tôi tin rằng mong ước đó sẽ sớm thành hiện thực.

Cảm ơn Linh về cuộc trao đổi này!

Cùng chuyên mục
Tin khác