Phú Thọ muốn xây nhà máy điện rác hơn 2.000 tỷ: Bộ Công Thương chấp thuận, Bộ Tài chính nghi ngờ

Tào Minh - 12/01/2019 10:21 (GMT+7)

(VNF) - Bộ Công Thương mới đây đã có văn bản gửi lên Thủ tướng Chính phủ đề nghị bổ sung nhà máy điện rác Phú Thọ vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.

VNF
Phú Thọ muốn xây nhà máy điện rác hơn 2.000 tỷ đồng (ảnh chỉ có tính chất minh họa)

Theo Bộ Công Thương, dự án nhà máy điện rác Phú Thọ có công suất 18 MW, do liên doanh Công ty Cổ phần Tài nguyên và Môi trường Âu Việt và Công ty United Expert Investment Limited làm chủ đầu tư.

Dự án có tổng diện tích chiếm đất khoảng 10ha, nằm tại xã Trạm Thản, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ; tổng mức đầu tư khoảng 2.242 tỷ đồng.

Theo Bộ Công Thương, hồ sơ dự án đã lựa chọn công nghệ đốt thu hồi năng lượng (sử dụng lò ghi tự động). Lựa chọn này phù hợp với Quyết định 2620 ngày 17/10/2016 của UBND tỉnh Phú Thọ về việc ban hành đề án thu gom, vận chuyển, xử lí rác thải sinh hoạt trên địa bàn giai đoạn 2016 – 2020. Lượng điện phát hành lên lưới bình quân/năm của dự án là 95,9 triệu kWh/năm.

Về phương án đấu nối, đề án quy hoạch đưa ra hai phương án. UBND tỉnh và Bộ Công Thương đã chọn phương án thứ nhất là xây dựng trạm biến áp nâng áp 10,5/110kV Điện rác Phú Thọ công suất 2x12 MVA (giai đoạn 1 lắp trước một máy T1); xây dựng đường dây 110 kV mạch kép đấu nối trạm biến áp nâng áp 10,5/110 kV Điện rác Phú Thọ chuyển tiếp trên đường dây 110kV trạm 2200kV Phú Thọ - Bãi Bằng (tại vị trí cột số 44), dây dẫn ACSR 400, ciều dài 2,6km.

Về đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án, Bộ Công Thương cho rằng với các thông số kĩ thuật (lượng rác xử lí trung bình 365.000 tấn/năm, sản lượng điện phát lên lưới bình quân/năm là 95,9 triệu kWh, lãi suất vay ngoại tệ 5,88%), dự án đạt hiệu quả với giá dịch vụ xử lí rác thải sinh hoạt 16 USD/tấn, giá bán điện 10,05 Uscents/kWh, NPV là 17,35 triệu USD, IRR là 8,66% và B/C là 1,1; thời gian hoàn vốn dự kiến là 11 năm.

Về năng lực của nhà đầu tư, Bộ Công Thương cho biết các nhà đầu tư hiện đang xây dựng, quản lí, vận hành nhiều dự án tương tự như: dự án nhà máy đốt rác phát điện Liên Giang công suất 1.000 tấn/ngày đêm; dự án đốt rác phát điện Như Đông công suất 1.800 tấn/ngày đêm; dự án đốt rác phát điện Liêu Nguyên công suất 1.200 tấn/ngày đêm; dự án đốt rác phát điện Tân Châu công suất 1.200 tấn/ngày đêm. Do đó, năng lực của nhà đầu tư là đảm bảo.

Với các đánh giá như vậy, Bộ Công Thương đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung dự án nhà máy điện rác Phú Thọ vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Đồng thời, Bộ cũng kiến nghị Thủ tướng giao UBND tỉnh Phú Thọ: chịu trách nhiệm xác định, cập nhật nhu cầu sử dụng đất của dự án vào điều chỉnh quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đến 2020 của tỉnh, trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định; bố trí quỹ đất để triển khai dự án và xây trạm biến áp, lưới điện đấu nối đồng bộ.

Được biết trước khi Bộ Công Thương gửi văn bản đề xuất trên lên Thủ tướng, Bộ đã lấy ý kiến các cơ quan chuyên ngành như: Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục Điều tiết điện lực, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Điện lực Miền Bắc.

Trong số các ý kiến đóng góp, đánh giá của Bộ Tài chính đáng chú ý hơn cả. Cụ thể, đối với dự án này, Bộ Tài chính cho rằng báo cáo của UBND tỉnh Phú Thọ mới chỉ dự kiến công suất xử lí CTR sinh hoạt của dự án vào khoảng 2x500 tấn/ngày đêm mà chưa có đánh giá, dự báo cụ thể về khối lượng thu gom, tập kết nguồn CTR trên địa bàn triển khai dự án để đảm bảo công suất.

Bộ Tài chính cũng lưu ý rằng hồ sơ đề xuất dự án mới chỉ đề cập việc nhà đầu tư lựa chọn công nghệ lò đốt không phân loại nhưng chưa đánh giá, phân tích là rõ cơ sở đề xuất lựa chọn và xuất xứ của công nghệ này.

Về tổng mức đầu tư, báo cáo đề xuất do đơn vị tư vấn lập cho hay tổng mức đầu tư sau thuế của dự án (cả 2 giai đoạn) là 98,7 triệu USD. Nhà đầu tư dự kiến cơ cấu vốn thực hiện dự án theo tỷ lệ 20% vốn tự có và 80% vốn vay nên nhà đầu tư cần huy động ít nhất 448 tỷ đồng. Tuy nhiên hồ sơ đề xuất lại chưa có báo cáo tài chính các năm gần nhất được kiểm toán; văn bản thỏa thuận, phương án góp vốn chủ sở hữu của các đơn vị liên doanh do đó năng lực tài chính của nhà đầu tư đang là dấu chấm hỏi.

Bên cạnh đó, việc phương án huy động vốn vay (khoảng 1.793 tỷ đồng) không được làm rõ và việc thiếu các văn bản cam kết tài trợ vốn của các ngân hàng thương mại cũng khiến Bộ Tài chính tỏ ra nghi ngờ tính khả thi của việc đầu tư dự án đúng tiến độ.

Ngoài ra, Bộ cũng lưu ý nhà đầu tư phải đánh giá, phân tích đầy đủ các rủi ro về tỷ giá, biến động lãi vay, bởi dự án dự kiến sử dụng vốn vay của các ngân hàng thương mại bằng USD khá lớn (lên tới 63 triệu USD).

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.