PVFCCo cán mốc tấn đạm thứ 15 triệu

Hoàng Ngân - 11/10/2023 22:00 (GMT+7)

(VNF) - Nhà máy Đạm Phú Mỹ thuộc Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo, HoSE: DPM) đã cán mốc sản lượng 15 triệu tấn Ure sau gần 20 năm hoạt động.

VNF
PVFCCo đón tấn phân đạm thứ 15 triệu

Nếu tính từ thời điểm cho tấn sản phẩm đầu tiên ngày 15/6/2004 và theo công suất thiết kế ban đầu của dự án là 740 nghìn tấn/năm thì Nhà máy Đạm Phú Mỹ đạt mốc sản lượng 15 triệu tấn sớm hơn 1 năm, tương đương hoạt động liên tục vượt 5% công suất thiết kế trong suốt hai mươi năm liền. Đây được xem là thành tích rất đáng tự hào của Nhà máy Đạm Phú Mỹ trong giai đoạn vừa qua.

Ông Nguyễn Văn Nhung, Phó giám đốc Nhà máy phụ trách sản xuất và khoa học công nghệ chia sẻ mốc sản lượng 15 triệu có ý nghĩa quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của đội ngũ vận hành, bảo dưỡng, sớm làm chủ công nghệ nhà máy, có nhiều sáng kiến hợp lý hóa sản xuất giúp Nhà máy vận hành ổn định và liên tục.

Dù đã trải qua gần 2 thập niên hoạt động, theo đúng tính toán của FS thì đã đi hết 4/5 vòng đời dự án, thế nhưng thời gian qua nhà máy đã liên tục xác lập hàng loạt thành tích và kỷ lục. Năm 2022, dây chuyền sản xuất Amoniac của nhà máy ghi nhận kỷ lục vận hành 678 ngày liên tục. Đồng thời, cũng trong năm 2022 dây chuyền sản xuất Ure đạt sản lượng kỷ lục trên 900 nghìn tấn, với công suất đạt mức 115% công suất thiết kế.

Tháng 8/2023 vừa qua, hãng Haldor Topsoe (Đan Mạch) đã trao chứng nhận “Vận hành xuất sắc”, công nhận Nhà máy Đạm Phú Mỹ là một trong những Nhà máy sử dụng công nghệ của Haldor Topsoe hoạt động tốt nhất trên thế giới. Đây cũng không phải lần đầu tiên, mà là lần thứ 3 nhà máy được trao chứng nhận này.

Tấn đạm thứ 15 triệu được đóng bao vào ngày 10/10/2023

Một trong những bí quyết có được thành công này là công tác bảo dưỡng luôn được nhà máy đặc biệt chú trọng. Nhà máy cho biết có hai đợt bảo dưỡng, đó là bảo dưỡng định kỳ hàng năm không dừng máy và bảo dưỡng tổng thể (BDTT) 2 năm/lần có dừng máy.

Trước mỗi kỳ bảo dưỡng, PVFCCo cho biết luôn có sự chuẩn bị kỹ càng với nhiều phương án, vật tư thay thế. Trong quá trình bảo dưỡng, dưới sự chỉ đạo sát sao của Ban Lãnh đạo cùng với tâm huyết, trách nhiệm, tinh thần sáng tạo của đội ngũ tham gia bảo dưỡng, nhà máy hoàn toàn làm chủ tiến độ và chất lượng của công việc rất phức tạp này. Như trong đợt BDTT năm 2023 vừa qua, nhà máy cho hay đã hoàn thành vượt tiến độ và đạt được tất cả các mục tiêu đề ra: an toàn cao nhất, chất lượng tốt nhất, tiết kiệm nhiều nhất, tiến độ nhanh nhất.

Phó giám đốc Nhà máy Nguyễn Văn Nhung cho biết ý thức được nhà máy đã hoạt động qua 4/5 vòng đời dự án, khả năng máy móc thiết bị xảy ra sự cố trong quá trình vận hành ngày càng cao, nên trong những năm gần đây nhà máy đã thay đổi phương thức bảo dưỡng từ bảo dưỡng theo tình trạng thiết bị sang bảo dưỡng ngăn ngừa.

Tức là dựa trên những phân tích, đánh giá tình trạng từng máy móc, thiết bị mà tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa hoặc thay thế mới theo lộ trình nhằm ngăn ngừa những sự cố không lường trước được. Phương thức bảo dưỡng này giúp duy trì máy móc luôn trong tình trạng tốt nhất và hoạt động hiệu quả nhất, qua đó giúp nhà máy tiếp tục duy trì ổn định và có thể kéo dài vòng đời dự án thêm hàng chục năm nữa.

Và yếu tố được đánh giá là quan trọng nhất giúp nhà máy đạt được kết quả hoạt động cũng như mốc sản lượng 15 triệu tấn nêu trên chính là tinh thần lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến hợp lý hóa sản xuất của đội ngũ chuyên gia, kỹ sư nhà máy.

Theo số liệu thống kê, đến cuối năm 2022 nhà máy có tổng cộng 1.608 sáng kiến hợp lý hóa được áp dụng thành công với giá trị làm lợi khoảng gần 300 tỷ đồng. Trong số đó có khoảng 20 sáng kiến được PVN, Bộ Công thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp công nhận là những sáng kiến lớn, có giá trị làm lợi cao.

Ngoài ra nhà máy hiện còn có hàng nghìn ý tưởng khả thi nhưng chưa được triển khai thành sáng kiến và đưa vào áp dụng. Trong tương lai, đây là nguồn dự trữ ý tưởng quan trọng để Nhà máy tiếp tục phát triển thành sáng kiến hợp lý hóa sản xuất – là điều tưởng chừng rất khó hình dung đối với một nhà máy sử dụng công nghệ vô cùng hiện đại và phức tạp như Nhà máy Đạm Phú Mỹ.

Để có được sự hoạt động ổn định như vậy của nhà máy trong các năm qua và trong tương lai, một yếu tố tiên quyết  là nhà máy có được nguồn cung ổn định khí tự nhiên – nguyên liệu đầu vào chủ chốt. Đây là sự quan tâm và nỗ lực rất lớn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), đảm bảo nguồn cung khí cho các nhà máy sản xuất phân đạm, trong đó có Nhà máy Đạm Phú Mỹ.

Mốc sản lượng 15 triệu tấn hôm nay không chỉ là một cột mốc đơn thuần trên con đường phát triển của PVFCCo và nhà máy, mà chính là sự khẳng định mạnh mẽ rằng bằng năng lực và nỗ lực của đội ngũ từ Ban lãnh đạo tới từng người lao động, nhà máy sẽ tiếp duy trì hoạt động ổn dịnh, hiệu quả, góp phần quyết định vào sự tồn tại và phát triển lâu dài của tổng công ty.

Cùng chuyên mục
Tin khác