Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.
Bitcoin nói riêng và tiền điện tử nói chung vừa là một tiến bộ với các doanh nghiệp muốn tìm cách hợp lý hóa hoạt động với công nghệ blockchain, vừa là một thách thức với cơ quan chức năng trong việc quản lý. Cùng lúc này, tội phạm mạng lại lợi dụng Bitcoin để giúp chúng trong các hoạt động rửa tiền.
Theo báo cáo của hãng nghiên cứu Chainalysis, năm 2021, tội phạm mạng đã rửa 8,6 tỷ USD tiền mã hóa, tăng 30% so với năm 2020. Lũy kế từ năm 2017, tổng số “tiền bẩn” được hô biến thành “tiền sạch” thông qua tiền mã hóa lên tới 33 tỷ USD, phần lớn diễn ra trên các sàn giao dịch tập trung. Chainalysis cho rằng con số này không hề bất ngờ nếu xét tới tốc độ tăng trưởng của cả các hoạt động tiền mã hóa phi pháp lẫn hợp pháp trong năm qua.
Rửa tiền là quá trình ngụy trang tiền thu bất hợp pháp bằng cách chuyển sang các doanh nghiệp hợp pháp. Hình thức rửa tiền bằng tiền điện tử cũng tuân thủ quy trình ba giai đoạn tương tự rửa tiền bằng tiền mặt: sắp xếp, phân tán và quy tụ. Giai đoạn đầu tiên, các khoản tiền bất hợp pháp được đưa vào hệ thống tài chính thông qua các trung gian như tổ chức tài chính, sàn giao dịch, cửa hàng, sòng bạc.
Mọi người có thể dùng tiền pháp định hoặt tiền mã hóa để mua tiền mã hóa trên các sàn giao dịch trực tuyến. Tội phạm thường sử dụng những sàn ít tuân thủ quy định phòng chống tiền mã hóa để phục vụ cho mục đích của chúng.
Tiếp theo, tội phạm sẽ che giấu nguồn tiền bất hợp pháp qua các giao dịch “đa tầng”, khiến việc truy vết trở nên khó khăn hơn. Sử dụng các sàn giao dịch tiền điện tử, chúng có thể chuyển đổi một loại tiền điện tử này thành một loại tiền điện tử khác, hoặc tham gia vào ICO (phát hành coin đầu tiên – một hình thức gây quỹ liên quan đến tiền mã hóa và blockchain), hay chuyển ví tiền điện tử sang một quốc gia khác.
Cuối cùng, tiền bất hợp pháp được bơm trở lại nền kinh tế một cách sạch sẽ. Một trong những kỹ thuật phổ biến nhất của tội phạm là sử dụng môi giới OTC, những người trung gian giữa người mua và bán tiền điện tử. Nhiều môi giới OTC chuyên cung cấp dịch vụ rửa tiền và được trả phí rất cao.
Khoảng 17% trong số 8,6 tỷ USD tiền mã hóa được rửa chảy vào các ứng dụng tài chính phi tập trung (DeFi), tăng 2% so với một năm trước đó. Giao thức DeFi cung cấp công cụ tài chính trên blockchain mà không cần phụ thuộc vào các trung gian như ngân hàng, được xác định là lĩnh vực tăng trưởng chính với tiền điện tử nói chung. Xấp xỉ 2,2 tỷ USD tiền mã hóa đã bị biển thủ từ các giao thức DeFi năm 2021, đại diện cho 72% các vụ đánh cắp tiền mã hóa trong năm 2021.
Xét về giá trị, theo Chainalysis, tổng số tiền mã hóa được rửa qua các giao thức DeFi năm 2021 đạt 900 triệu USD, tăng 1.964% so với năm 2020. Đó là mới chỉ bao gồm số tiền được tạo ra từ tội phạm tiền mã hóa, chẳng hạn tấn công mã độc tống tiền (ransomware) hay bán hàng trên chợ đen (darknet). Con số thực tế, nếu tính cả tiền từ các hoạt động phi pháp ngoài đời như buôn thuốc phiện đã được chuyển thành tiền điện tử, có thể cao hơn nhiều.
Rửa tiền liên quan đến tiền mã hóa không phải hình thức mới lạ. Về bản chất, nó vẫn là đẩy “tiền bẩn” vào trong hệ thống sinh thái tài chính mà các sàn giao dịch tiền điện tử hiện là một phần trong đó, trước khi chuyển tiền để che giấu nguồn gốc. Quá trình nhằm mục đích giúp tội phạm sử dụng số tiền mà không đánh động cơ quan chức năng. Tuy nhiên, có một số khác biệt quan trọng giữa rửa tiền truyền thống và bằng tiền mã hóa. Những khác biệt này cũng là lý do vì sao giới tội phạm ngày càng yêu thích hình thức rửa tiền bằng tiền mã hóa như Bitcoin.
Tiền điện tử cung cấp thêm tính ẩn danh cho tội phạm mạng. Phần lớn các sàn giao dịch tiền mã hóa và nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo (VASP) hiện đang hoạt động với ít sự giám sát hơn và có thể được dùng xuyên biên giới. Ngoài những “lợi thế” so với rửa tiền truyền thống, công nghệ cũng có những điểm trừ khiến tội phạm mạng không thích: đó là ghi lại công khai và truy cập công khai, khiến mọi giao dịch đều có thể bị truy vết.
Vì vậy, tội phạm mạng dần chuyển sang các cơ chế có thể che đậy nguồn gốc các quỹ tiền điện tử của chúng. Một phương thức như vậy là tham gia vào “mỏ đào” (mining pool), nơi tập hợp các thợ đào (miner) để cùng nhau khai thác một khối (block) và chia sẻ lợi nhuận khi hoàn thành. Những kẻ rửa tiền mã hóa cũng dùng “máy trộn” (mixer), làm xáo trộn dữ liệu liên kết một cá nhân với một giao dịch Bitcoin.
Đứng trước xu hướng rửa tiền bằng tiền điện tử ngày một tăng, các cơ quan hành pháp không đứng ngoài cuộc. Năm 2021, Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) thuộc Bộ Tài chính Mỹ đã xử phạt Suex và Chatex, hai “dịch vụ cổng DeFi” thường xuyên rửa tiền từ các nhà khai thác ransomware, những kẻ lừa đảo và tội phạm mạng khác. Mặc dù vậy, hướng dẫn quy định xuyên biên giới không nhất quán được xác định là lo ngại pháp lý hàng đầu đối với ngành công nghiệp tài sản mã hóa, theo một cuộc khảo sát năm 2021 đối với các thành viên của Global Digital Finance.
Tại Anh, các nhà chức trách xử lý hoạt động rửa tiền bằng tiền mã hóa căn cứ theo Đạo luật Tội phạm (POCA). Tuy ba tội danh chính – che giấu, dàn xếp và mua lại hoặc sử dụng – đã rõ ràng, POCA lại được soạn thảo vào năm 2002, khi các nhà lập pháp còn chưa chú ý đến tiền điện tử. Dù vậy, trong bản sửa đổi Quy định Rửa tiền năm 2019, tất cả doanh nghiệp tiến hành hoạt động tài sản ảo đều phải đăng ký với Cơ quan quản lý tài chính.
Đạo luật về Dịch vụ thanh toán của Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) yêu cầu các doanh nghiệp tiền điện tử hoạt động trong nước phải có giấy phép, tuân thủ quy định phòng chống rửa tiền. Tháng 7/2020, MAS đề xuất một bộ quy định khác để kiểm soát ngành công nghiệp này. Liên minh Châu Âu (EU) gần đây thông qua Chỉ thị chống rửa tiền lần thứ 5 (AMLD5), yêu cầu các sàn giao dịch tiền điện tử và các nhà cung cấp dịch vụ lưu ký phải đăng ký với cơ quan quản lý địa phương của họ và tuân thủ quy trình xác minh danh tính KYC và chống rửa tiền.
Nhà quản lý và nhà hành pháp không ngừng nâng cấp các biện pháp nghiệp vụ để xác định số tiền bất chính cũng như cá nhân, tổ chức đáng ngờ, có liên quan đến giao dịch bất hợp pháp. Các tổ chức xử lý tiền điện tử cần đảm bảo xem xét những quy định về tội phạm tài chính, cập nhật những rủi ro gắn với tiền mã hóa. Các công cụ phân tích blockchain có thể hỗ trợ tổ chức truy vết nguồn gốc của số tiền, để xem nó có liên hệ nào với hoạt động bất hợp pháp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nên tận dụng công cụ nhận dạng kỹ thuật số để đánh giá giao dịch dựa trên hồ sơ khách hàng.
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.