Ngân hàng

Sacombank bất ngờ muốn đổi mã chứng khoán, chuyển sàn sang HNX

(VNF) – Trong một động thái rất bất ngờ, HĐQT Sacombank vừa trình ý kiến cổ đông về việc đổi mã chứng khoán từ STB sang SCM, đồng thời hủy niêm yết trên sàn HoSE để chuyển sang sàn HNX.

Sacombank bất ngờ muốn đổi mã chứng khoán, chuyển sàn sang HNX

Chủ tịch HĐQT Sacombank Dương Công Minh

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) vừa công bố thông tin về việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để đổi mã chứng khoán và chuyển sàn giao dịch.

Theo đó, HĐQT Sacombank thống nhất bổ sung thêm vấn đề thay đổi Mã chứng khoán của Sacombank vào nội dung lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản.

Cụ thể, Sacombank sẽ hủy đăng ký chứng khoán STB tại Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD); hủy đăng ký, niêm yết STB tại HoSE; Đăng ký chứng khoán SCM tại VSD và cuối cùng là niêm yết chứng khoán SCM trên Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

Đây là động thái rất bất ngờ của HĐQT Sacombank, phần nào cho thấy Chủ tịch Dương Công Minh muốn "thay máu" Sacombank triệt để. Tuy nhiên việc chuyển sàn niêm yết là khá khó hiểu.

Trước đó, Sacombank đã liên tục thay đổi nhân sự cấp cao, miễn nhiệm, điều chuyển, bổ nhiệm từ vị trí Tổng giám đốc đến các vị trí Phó Tổng giám đốc, Giám đốc khối.

Mới đây, Chủ tịch Dương Công Minh đã mua thành công thêm gần 18 triệu cổ phiếu STB, tương đương 0,96% vốn điều lệ Sacombank, qua đó nâng sở hữu cá nhân tại Sacombank lên 3,15%. Mục đích giao dịch của ông Minh là đầu tư cá nhân.

Ông Dương Công Minh sinh năm 1960, quê Quế Võ, Bắc Ninh. Ông tốt nghiệp Cử nhân chuyên ngành Vật giá năm 1984 tại Đại học Kinh tế Kế hoạch (nay là Đại học Kinh tế Quốc dân).

Trước khi ra kinh doanh, ông Minh từng là thiếu tá trong quân đội và có hơn 13 năm làm quản lý tại các doanh nghiệp quân đội.

Tên tuổi của ông Minh gắn liền với Tập đoàn Him Lam - nơi ông giữ vị trí Chủ tịch HĐQT với tỷ lệ sở hữu 99% và LienVietPostBank – nơi ông cùng từng giữ vị trí Chủ tịch HĐQT.

Để bước chân vào Sacombank, ông Minh đã phải từ nhiệm chức vụ Chủ tịch LienVietPostBank, đồng thời Tập đoàn Him Lam cũng buộc phải thoái toàn bộ phần vốn của mình tại LienVietPostBank để tránh tình trạng sở hữu chéo giữa hai ngân hàng.

Tin mới lên