Sau thép không gỉ cán nguội, Bộ Công Thương tiếp tục áp thuế chống bán phá giá lên tôn màu Trung Quốc

Lê Nguyễn - 25/10/2019 19:51 (GMT+7)

(VNF) - Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 3198/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép phủ màu (hay thường gọi là tôn màu) có xuất xứ từ Hàn Quốc và Trung Quốc. Quyết định áp thuế có hiệu lực từ ngày 24/10/2019.

VNF
Bộ Công Thương áp thuế chống bán phá giá lên tôn màu Trung Quốc, bắt đầu từ ngày 24/10/2019.

Theo đó, mức thuế chống bán phá giá được áp dụng cho các doanh nghiệp xuất khẩu thép phủ màu của Trung Quốc là từ 2,53% đến 34,27% và của Hàn Quốc là từ 4,71% đến 19,25%.

Việc áp thuế chống bán phá giá này có mức độ khác nhau. Cụ thể, đối với lượng hàng hóa nhập khẩu trong hạn ngạch của biện pháp tự vệ, sẽ chỉ áp dụng mức thuế chống bán phá giá tương ứng của từng doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nước ngoài.

Đối với lượng hàng hóa nhập khẩu ngoài hạn ngạch của biện pháp tự vệ, sẽ so sánh giữa mức thuế chống bán phá giá và thuế ngoài hạn ngạch tự vệ và sử dụng mức thuế nào cao hơn. Việc áp dụng này nhằm loại bỏ tình trạng đánh thuế 2 lần đối với các doanh nghiệp nhập khẩu.

Bên cạnh đó, đối với các sản phẩm thép phủ màu đặc biệt mà hiện tại ngành sản xuất trong nước chưa sản xuất được như các sản phẩm PCM, VCM dùng để sản xuất các mặt hàng điện lạnh và điện tử gia dụng, các sản phẩm PVDF dùng cho các nhà máy nhiệt điện, và một số sản phẩm đặc biệt khác... Bộ Công Thương cho miễn trừ áp dụng biện pháp chống bán phá giá.

Được biết Bộ Công Thương bắt đầu tiến hành vụ việc điều tra vào tháng 10 năm 2018. Kết luận điều tra đã khẳng định có tồn tại hành vi bán phá giá đối với sản phẩm thép phủ màu của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc - hàng hóa nhập khẩu từ hai nước này đang được bán phá giá với biên độ khá cao, từ 2,53% đến 34,27%. Ngành sản xuất thép phủ màu trong nước đang bị đe dọa gây thiệt hại đáng kể và hành vi bán phá giá là nguyên nhân chính.

Bộ Công Thương khẳng định hành vi và mức độ bán phá giá nói trên đã gây ra sức ép đáng kể cho các chỉ số hoạt động của ngành sản xuất trong nước, thể hiện ở các tiêu chí như: sản lượng sản xuất, lượng bán hàng, doanh thu, lợi nhuận, thị phần, hàng tồn kho có nhiều biến động trong giai đoạn điều tra, đặc biệt trong giai đoạn 7 tháng cuối năm 2018 đến nay.

Các chỉ số này đều cho thấy xu hướng suy giảm rõ rệt, nhiều các doanh nghiệp sản xuất trong nước thua lỗ, nhiều dây chuyền sản xuất phải ngừng hoạt động và nhiều lao động đã phải nghỉ việc.

Trong một động thái liên quan, trước đó, Bộ Công Thương đã quyết định kéo dài thời gian áp thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội Trung Quốc (cùng với Đài Loan, Malaysia, Indonesia) thêm 5 năm, bắt đầu từ ngày 26/10/2019.

Cùng chuyên mục
Tin khác