SCIC sẽ hoạt động theo mô hình nào?

Lan Thu - 21/12/2021 10:26 (GMT+7)

(VNF) - Dự thảo chiến lược phát triển SCIC giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2035 xác định: SCIC định hướng đẩy mạnh hoạt động đầu tư kinh doanh vốn, thực hiện tốt vai trò là “nhà đầu tư Chính phủ”.

VNF
SCIC định hướng đẩy mạnh hoạt động đầu tư

Sẽ là công ty đầu tư

Từ khi thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2006 đến nay, SCIC đã giải ngân đầu tư 37.651 tỷ đồng. Hoạt động đầu tư của SCIC được triển khai từng bước, theo hướng thận trọng, bảo đảm định hướng của Chính phủ và tuyệt đối tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành về đầu tư, quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp.

Dự thảo Chiến lược phát triển của SCIC giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2035 hiện đang trình các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Để hiện thực mục tiêu trở thành nhà đầu tư của Chính phủ, trong giai đoạn 2021 - 2025, SCIC dự kiến giải ngân đầu tư tổng số tiền khoảng 70.000 tỷ đồng. Nguồn vốn này tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt để tạo động lực, nhân tố mới, lan tỏa cho tăng trưởng của nền kinh tế.

Theo dự thảo Chiến lược này, SCIC sẽ vận hành theo mô hình quản trị hiện đại và chuẩn mực quốc tế dưới hình thức Công ty đầu tư. Tiếp nối sứ mệnh được đặt ra cho SCIC từ khi thành lập là thúc đẩy tiến trình cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước và đầu tư nâng cao hiệu quả đầu tư kinh doanh vốn nhà nước, khi chuyển sang vận hành theo mô hình Quỹ đầu tSCIC sẽ tiếp tục sứ mệnh đóng góp vào quá trình cải cách, phát triển kinh tế, công nghiệp hoá và đa dạng nguồn tài chính quốc gia thông qua hoạt động đầu tư. SCIC sẽ trở thành công cụ cải cách kinh tế của Chính phủ, phát triển thành quỹ đầu tư lớn, đa ngành và nắm giữ tài sản giá trị của Việt Nam, duy trì trong danh mục cổ phiếu của những doanh nghiệp có thương hiệu lớn, thuộc ngành chiến lược của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, ở từng giai đoạn nhất định, SCIC có thể là nơi để Chính phủ giao phó các nhiệm vụ vĩ mô như: ổn định thị trường tài chính, ổn định nền kinh tế vĩ mô, thúc đẩy cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước.

Dự kiến, khi tham gia đầu tư, SCIC sẽ đóng vai trò người cung cấp “vốn mồi” để thu hút vốn đầu tư từ khu vực tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài, tận dụng những lợi thế sẵn có như: uy tín và kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý, đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước; năng lực tài chính vượt trội; lợi thế về nguồn vốn, quỹ đất, kinh nghiệm triển khai dự án và kinh nghiệm hoạt động trong nhiều lĩnh vực của các đơn vị thành viên trong danh mục đầu tư của SCIC; kinh nghiệm và sự chuyên nghiệp của đội ngũ lãnh đạo và cán bộ của SCIC qua nhiều năm thực hiện công tác tiếp nhận, quản trị và thoái vốn tại gần 1.100 doanh nghiệp.

Lộ trình cho bước chuyển đổi

Dự kiến việc chuyển đổi mô hình đầu tư sẽ triển khai theo lộ trình gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 2021-2025, SCIC sẽ dần chuyển hướng từ hoạt động tiếp nhận, quản trị doanh nghiệp và bán vốn sang tập trung đầu tư vào ngành, lĩnh vực mang lại hiệu quả và ngành, lĩnh vực Nhà nước cần tiếp tục nắm giữ chi phối để thực hiện vai trò then chốt của DNNN. Cùng với đó, SCIC đẩy mạnh triển khai hoạt động đầu tư, thực hiện tốt vai trò nhà đầu tư nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ và cơ chế được giao. Đồng thời, triển khai xây dựng Đề án chuyển đổi mô hình thành Quỹ đầu tư Chính phủ báo cáo các cơ quan có thẩm quyền và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chuẩn bị các điều kiện tiền đề để hoạt động theo mô hình Quỹ đầu tư Chính phủ như thể chế, quy trình, quy chế; quy mô năng lực tài chính; nguồn nhân lực.

Để hiện thực hoá các định hướng trên, hiện nay SCIC đang nghiên cứu và xây dựng Đề án chuyển đổi mô hình hoạt động của SCIC sang mô hình Quỹ đầu tư Chính phủ với sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước, trên cơ sở hợp tác với các tổ chức tư vấn tài chính quốc tế có uy tín, từ đó báo cáo các cơ quan có thẩm quyền và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để triển khai thực hiện.

Cùng chuyên mục
Tin khác