Seaprodex: Những giá trị để lại
(VNF) - Tiên phong trong công cuộc đổi mới ngay từ những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, TP.HCM xuất hiện hàng loạt DN mà dấu ấn của họ còn mãi khắc ghi trong lịch sử phát triển của thành phố và của quốc gia. Một trong những doanh nghiệp ấy là Công ty xuất nhập khẩu thủy sản Việt Nam (SEAPRODEX), ra đời từ năm 1978.
- Xuất khẩu phục hồi, cổ phiếu thuỷ sản đua nhau ‘phất cờ xanh’ 10/06/2024 03:57
Khó khăn chồng khó khăn
Cách nay gần 50 năm, những thiếu sót do chủ quan, nôn nóng trong công cuộc cải tạo công thương nghiệp, cải tạo nông nghiệp ở miền Nam, do cơ chế hành chính quan liêu bao cấp... đã khiến cho nền kinh tế lâm vào ngõ cụt. Sản xuất đình trệ, tài nguyên đất nước từ rừng xuống biển bị phung phí, tình trạng thất nghiệp tràn lan, đất nước rơi vào thời kỳ tụt hậu. Trước tình cảnh đó, một số doanh nghiệp đã dũng cảm tìm đường tháo gỡ khó khăn, đấu tranh xoá bỏ cơ chế đã lỗi thời, mục tiêu thoát khỏi cuộc suy thoái.
Nổi lên trong lĩnh vực công nghiệp có Xí nghiệp Liên hiệp Đay Cửu Long, Xí nghiệp Liên hiệp thuốc lá Sài Gòn, Nhà máy in Tổng hợp, Bột giặt Viso, Dệt Thành Công... Ngành thủy sản có: Quốc doanh đánh cá Vũng Tàu Côn Đảo và SEAPRODEX. Những điển hình này, có nơi tồn tại được vài ba năm rồi "tắt lịm" như Quốc doanh đánh cá Vũng Tàu Côn Đảo, nơi khác thì chững lại rồi chìm khuất theo thời gian.
Thời điểm đó, tại một buổi hội thảo về phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long, một nhóm các chuyên gia nước ngoài đã đưa ra “bức tranh” tổng thể phát triển kinh tế khu vực, với những nhận định hoàn mỹ cho tương lai. Tuy nhiên, các nhà khoa học Việt Nam sớm nhận ra một khiếm khuyết quan trọng của đề án, đó là phát triển kinh tế thủy sản ở đâu khi thị trường Việt Nam bị cấm vận.
Trong cuốn “Nghề cá Việt Nam nhìn từ SEAPRODEX” xuất bản năm 2003, ông Nguyễn Hồng Cẩn, nguyên Thứ trưởng Bộ thủy sản, Giám đốc SEAPRODEX thập niên 1980 cho biết, khi đất nước thống nhất chúng ta thấy biển lớn quá, nên đã có nhiều chủ trương phát triển kinh tế biển. SEAPRODEX được kỳ vọng hiện thực hóa giấc mơ đó, nhưng cũng lâm vào khủng hoảng. Khó khăn lúc đó trước hết do đất nước bị cấm vận nên không biết bán thủy sản đi đâu, bán cho ai? Ngành thủy sản miền Nam vốn một thời có thị trường quốc tế rất lớn, đột nhiên không còn khách hàng nữa. Trong khi đó chi phí vận hành của ngành rất nhiều, tiêu tốn nguồn lực quốc gia một khoản không nhỏ.
Đứng trước khó khăn, một số ý kiến cho rằng nên tạm bỏ ngành thủy sản, không cung cấp tài chính nuôi ngành được nữa. Năm 1978, một vị lãnh đạo trung ương đặt câu hỏi: “Bộ Thủy sản định đưa nhà nước đến đâu? Trước kia 1 tấn dầu thu được 1 tấn cá, giờ 4 tấn dầu mới được 1 tấn cá là vì sao?”. Ông Cẩn khi ấy chỉ biết trả lời, đấy là vì người ta khổ quá, không có gì ăn nên phải bán dầu lấy tiền ăn, bởi khó vậy thế nên càng cần có tư duy đột phá, đổi mới.
Ban lãnh đạo SEAPRODEX khi đó rất nhiều tâm tư, đi khắp các tỉnh thành, nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long để tìm đáp số cho bài toán nan giải “Việc làm cho dân và thị trường xuất khẩu”.
Khí đó, nguyên Thứ trưởng Nguyễn Hữu Cẩn đã phải lần theo các đầu mối xuất khẩu, tiếp xúc với các thương gia nước ngoài nắm tình hình. Ông phát hiện ra việc cấm vận của Mỹ đã tạo ra một nhu cầu thủy sản rất lớn do thiếu hụt nguồn cung. Thậm chí thị trường Mỹ cũng rất cần thủy sản Việt Nam. Các thương nhân Hồng Kông, Nhật, Singapore cam kết sẽ giúp đưa thủy sản Việt Nam trở lại thị trường thế giới, dĩ nhiên là phải dựa vào các công ty của họ để tránh sự trừng phạt của Mỹ với các mặt hàng của Việt Nam. Thế nhưng đến khi có thị trường rồi, vấn đề lại là lấy đâu sản phẩm xuất khẩu, khi mà nghề cá đã gần như “thoi thóp”, các hợp tác xã rệu rã?
Tỏa sáng mô hình tự cân đối, tự trang trải
Với tư cách thứ trưởng phụ trách phía Nam kiêm giám đốc SEAPRODEX, ông Nguyễn Hữu Cẩn đã đưa ra một triết lý quản lý mới đó là “Tự cân đối, tự trang trải”, “Mở và hội tụ”. Cơ chế tự cân đối, tự trang trải trong cơ chế hoạt động của Công ty SEAPRODEX là sự phủ định đầu tiên đối với cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp vốn được coi là thể chế kinh tế nhà nước. Cơ chế tự cân đối, tự trang trải là một sáng tạo từ bên dưới, nhưng được nhà nước cho phép đã đem lại sức hồi sinh cho doanh nghiệp và ngư dân trong ngành thủy sản.
Khái niệm nghề cá nhân dân cũng bắt nguồn từ cơ chế mới với phương châm rõ ràng là không phải quốc doanh mà chính nghề cá nhân dân mới là nguồn lực của ngành. Những ngày tháng tự cân đối tự trang trải ấy, để nuôi được nghề cá nhân dân trong bối cảnh bao cấp tập trung, lãnh đạo công ty đã đi đến các công ty may mặc, công ty dệt, công ty sữa, thậm chí cả công ty dầu khí để đưa vải vóc đường sữa về cho ngư dân, đổi lấy tôm cá đem đi xuất khẩu, rồi lấy tiền USD trả cho các công ty dệt, dầu khí. Ngư dân rất phấn khởi, lao vào khôi phục sản xuất. Các nhà máy trong nước cũng tiêu thụ được nhiều sản phẩm, có ngoại tệ để mua sắm thiết bị mới.
Mặt khác, những người chèo chống con thuyền SEAPRODEX lúc bấy giờ còn mạnh dạn vượt qua định kiến “mở đường cho tư bản nước ngoài bóc lột tài nguyên đất nước” và khó khăn do chưa có Luật Đầu tư nước ngoài, xây dựng hẳn một dự án liên doanh nuôi tôm đầu tiên tại Việt Nam - Liên doanh kỹ thuật Việt Úc (VATECH) với vốn đầu tư 100 triệu USD.
Nguyên nhân là trước năm 1995, con tôm thiên nhiên bị khai thác đến kiệt quệ trong khi SEAPRODEX cần thoát khỏi điểm nghẽn đó bằng cách đưa vấn đề nuôi tôm lên thành quốc sách để tăng sản lượng tôm xuất khẩu và quan trọng hơn, để bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Liên doanh VATECH với mục tiêu nuôi tôm công nghiệp ở ven biển các tỉnh miền Trung, tập trung nghiên cứu, chọn lọc để du nhập công nghệ nuôi tôm tiên tiến nhất thời bấy giờ từ Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan và Australia vào Việt Nam. Rất tiếc sau đó, vì lý do bất khả kháng từ phía đối tác nên liên doanh ngưng hoạt động.
Dù phía đối tác rút khỏi liên doanh, toàn bộ hệ thống cơ sở vật chất, đặc biệt là công nghệ nuôi tôm sú vẫn được phía SEAPRODEX khai thác. Công nghệ nuôi tôm và những bài học kinh nghiệm của VATECH để lại cho ngành nuôi tôm Việt Nam là vô giá. VATECH đi tiên phong, thổi luồng sinh khí, thúc đẩy nghề nuôi tôm Việt Nam thành phong trào rộng khắp trong toàn dân ở những nơi có thể nuôi tôm, đưa con tôm nuôi lên ngôi, thành mũi nhọn để tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Cùng với VATECH, SEAPRODEX còn góp sức hình thành nhiều công ty nuôi tôm sú, tôm càng xanh, sản xuất tôm giống ở Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Tây Nam Bộ.
Nhờ thế mà sản lượng tôm xuất khẩu của Việt Nam tăng nhanh. Con tôm trở thành biểu tượng trên logo của SEAPRODEX, là thương hiệu đầu tiên của Việt Nam được thế giới công nhận. Phép thần “tự cân đối, tự trang trải” giúp SEAPRODEX vụt lớn, toả sáng không chỉ trong ngành thủy sản mà lan toả sang các ngành kinh tế khác khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với hàng trăm nghìn tấn hàng hoá, vật tư, thiết bị, kể cả hàng chục tấn vàng để bình ổn giá cả, chống lạm phát, trị giá hàng trăm triệu USD.
Trải qua hơn 40 năm hoạt động và phát triển, SEAPRODEX, anh cả trong ngành thủy sản nước nhà trước kia giờ đây là Tổng công ty Thuỷ sản Việt Nam, đã không ngừng khẳng định uy tín với các đối tác trong và ngoài nước. Mô hình “tự cân đối tự trang trải” do nguyên Thứ trưởng Nguyễn Hữu Cẩn và các đồng nghiệp trong ngành thủy sản khởi xướng đã hai lần được Bộ Chính trị tổ chức hội nghị để xem xét và cuối cùng đã được đưa vào cuộc sống thay thế cho mô hình bao cấp. Câu chuyện về những thuyền trưởng “cầm đèn chạy trước ô tô” vẫn là bài học cho thế hệ mai sau về tư duy dám nghĩ, dàm làm.
Seaprodex Saigon 'rời tổ kén', đổi tên thành Địa ốc SSN
- Đại gia 29 tuổi mua cổ phần Seaprodex sau khi Vũ 'nhôm' thoái vốn là ai? 27/12/2017 04:33
- Seaprodex bãi miễn tư cách thành viên HĐQT của ông Vũ ‘nhôm’ 25/12/2017 09:35
- Seaprodex chính thức 'về tay' SCIC 03/09/2018 01:23
Bên trong dự án ở Đắk Lắk từng đạt giải Quy hoạch đô thị quốc gia
(VNF) - Đây là dự án Khu đô thị Đông Nam đường Trần Hưng Đạo có vị trí nằm tại phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk với quy mô 19,29 ha.