Sếp Bamboo Airways: 'Bỏ hoặc nâng trần giá vé máy bay không ảnh hưởng quyền lợi người dùng'

Chí Bình - 25/02/2023 15:00 (GMT+7)

(VNF) - Lãnh đạo Bamboo Airways khẳng định việc bỏ hoặc nâng giá trần vé máy bay nội địa hoàn toàn không ảnh hưởng tới quyền lợi của người dùng vì các hãng hàng không có cơ hội xây dựng đa dạng chính sách giá, khiến thị trường phát triển lành mạnh hơn.

VNF
Tổng giám đốc Bamboo Airways Nguyễn Mạnh Quân.

Tọa đàm “Khơi thông cơ chế thị trường, tiếp sức hàng không Việt”, ông Trịnh Ngọc Thành, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết năm 2022, tổng thị trường vận tải hàng không nội địa tăng 13% so với 2019. Tuy nhiên, tổng sản lượng bay quốc tế chỉ hồi phục đạt 50% của 2019.

Theo ông Thành, các hãng bay nội địa bị áp thêm thuế nhập khẩu xăng dầu, thuế bảo vệ môi trường, thuế nhà thầu, dẫn tới đầu vào cao hơn mặt bằng giá quốc tế. Chính sách giá vé quốc tế tự do, nhưng nội địa lại bị kiểm soát, nên hiệu quả bay quốc tế đang tốt hơn nội địa. Ngành hàng không lấy quốc tế nuôi nội địa, đó là sự bất hợp lý.

Về phía VietJet Air, lãnh đạo hãng bay này bày tỏ lo lắng khi chỉ ra ngành hàng không Việt Nam đang suy yếu về thanh khoản. Trong khi chi phí tăng cao (giá xăng dầu, giá nhân công…), các hãng hàng không quốc tế tăng giá trên 50%, thì thị trường nội địa tuy tăng trưởng mạnh nhưng không vượt ra được ngoài khung giá và cũng vướng chưa phụ thu xăng dầu.

Vì lẽ đó, lãnh đạo VietJet Air bày tỏ lo lắng vì nguy cơ hàng không Việt Nam mất cạnh tranh quốc tế trong năm nay nếu không có thay đổi căn bản để tăng sức cạnh tranh.

Trước bối cảnh này, hầu hết doanh nghiệp và chuyên gia đều cho rằng cần thay đổi cơ chế điều hành giá vé máy bay nội địa, trong đó, tăng và tiến tới bỏ mức trần để hỗ trợ cho doanh nghiệp ở giai đoạn khó khăn.

Phía Vietnam Airlines thì cho biết tháng 12/2015 là lần cuối cùng điều chỉnh trần giá vé máy bay nội địa. Khi đó, tất cả hãng hàng không đều phải báo cáo chi tiết từng chỉ tiêu chi phí đầu vào ra sao, để làm cơ sở tính toán.

"Từ đó đến nay, năm nào các hãng cũng họp cùng Bộ Giao thông Vận Tải, Cục Hàng không, phân tích các yếu tố đầu vào đã thay đổi, nhưng giá trần vẫn đóng khung", lãnh đạo Vietnam Airlines nhấn mạnh.

Tương tự, ông Nguyễn Mạnh Quân, Tổng giám đốc Bamboo Airways cũng cho rằng cần bỏ quy định này ra khỏi luật trong dài hạn. Trước mắt khi chưa thể sửa luật, ông Quân đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cho điều chỉnh nâng giá trần phù hợp với các chi phí đầu vào và các quy định pháp luật.

Kiến nghị về giải pháp để tháo gỡ khó khăn trước mắt cho các doanh nghiệp, ông Quân nêu ra 3 nhóm giải pháp, gồm: nâng cao cạnh tranh điểm đến, hỗ trợ ngành du lịch thông qua chính sách visa; bỏ giá trần trong dài hạn và điều chỉnh giá trần trong ngắn hạn.

Lãnh đạo Bamboo Airways dẫn chứng nhiều số liệu cho thấy sự chênh lệch trong các điều kiện đầu vào của giá vé máy bay trong 8 năm vừa qua. Cụ thể, giá nhiên liệu bình quân tăng 45%, tỉ giá tăng 6,8%, giá phục vụ mặt đất ở nước ngoài tăng hơn 200%, bên cạnh đó là các yếu tố về chi phí, nhân sự. Thêm vào đó, 80% chi phí của các hãng hàng không sử dụng đồng ngoại tệ biến động theo tỉ giá...

"Giá trần từng giữ vai trò rất quan trọng trong lịch sử phát triển của ngành hàng không Việt Nam, nhưng đến nay thì vai trò đó đã được hoàn thành. Các đường bay có 2 hai hãng hàng không khai thác trở lên nên trả về với cơ chế thị trường”, ông Nguyễn Mạnh Quân nêu quan điểm.

Đối với những lo ngại về quyền lợi của người tiêu dùng, lãnh đạo Bamboo Airways khẳng định việc bỏ hoặc nâng giá trần không ảnh hưởng vì các hãng có cơ hội xây dựng đa dạng chính sách giá, khiến thị trường phát triển lành mạnh hơn.

"Xét cho cùng, các hãng không thể bỏ qua quyền lợi của người tiêu dùng trong quá trình xây dựng, cung ứng sản phẩm", lãnh đạo Bamboo Airways nói.

Hiến kế để ngành hàng không có những bước đi vững chắc trong việc tháo bỏ cơ chế giá, GS Trần Thọ Đạt, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng khuyến nghị Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm các nước, để đảm bảo các hãng hàng không phát triển bền vững, lâu dài.

Theo ông Đạt, cơ quan quản lý nên đưa ra một công thức điều hành giá vé máy bay như giá xăng dầu. Không có giá trần thì nên tạo ra một công thức, một khung dao động mở, đảm bảo mức độ cạnh tranh bình đẳng, phù hợp lợi ích người dân.

Theo khung giá vé máy bay đang được áp dụng, giá vé máy bay tối đa cho nhóm đường bay phát triển kinh tế - xã hội dưới 500km sẽ là 1,6 triệu đồng/lượt, nhóm đường bay khác dưới 500km là 1,7 triệu đồng/lượt; từ 500-800km, mức giá vé tối đa là 2,2 triệu đồng/lượt; từ 850km - dưới 1.000km có giá 2,79 triệu đồng; từ 1.000 - dưới 1.280km giá 3,2 triệu đồng; từ 1.280km trở lên giá 3,75 triệu đồng/vé/chiều.

Đây là mức doanh thu thuộc về hãng hàng không, còn về phía khách hàng sẽ phải thanh toán thêm thuế VAT áp dụng trên doanh thu thuộc về hãng hàng không cộng thêm mức thuế, phí sân bay (từ 80.000 – 120.000 đồng tùy theo các cấp sân bay).

Xem thêm >>> Chuyên gia: 'Hàng không không có màu hồng, doanh nghiệp ngập ngụa trong nợ'

Cùng chuyên mục
Tin khác