Sếp HoSE: Đòi hỏi của MSCI 'còn phiến diện và áp đặt'

Trường Anh - 22/06/2017 09:28 (GMT+7)

(VNF) - Theo ông Lê Hải Trà - Phó Tổng giám đốc phụ trách điều hành Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE), những phân tích, đòi hỏi của MSCI đối với thị trường Việt Nam "còn mang tính phiến diện và áp đặt".

Ngày 21/6 theo giờ Việt Nam, MSCI đã công bố đánh giá xếp hạng thị trường chứng khoán các nước. Danh sách các thị trường đang được MSCI xem xét nâng hạng tiềm năng lên thị trường mới nổi gồm có Saudi Arabia, Argentina. Ngoài ra, Nigeria cũng sẽ được xem xét nâng từ thị trường cận biên lên thị trường độc lập.

MSCI sẽ thông báo kết luận về việc Saudi Arabia, Argentina có thể được đưa vào thị trường mới nổi vào tháng 6/2018. Ngoài ra, MSCI sẽ đưa kết luận cuối cùng về việc loại Nigeria khỏi thị trường cận biên vào cuối năm 2017.

Như vậy, trong đợt công bố danh mục này, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vẫn chưa được đưa vào danh mục xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi và vẫn ở lại thị trường cận biên.

Trên trang Facebook cá nhân, ông Lê Hải Trà, Phó Tổng giám đốc phụ trách điều hành Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã nêu ra ý kiến phản biện về những lý do mà MSCI đưa ra giải thích việc thị trường chứng khoán Việt Nam chưa được nâng hạng.

Theo ông Lê Hải Trà, những phân tích, đòi hỏi của MSCI đối với thị trường Việt Nam "còn mang tính phiến diện và áp đặt".

VietnamFinance xin được trích lại ý kiến của ông Trà dưới đây (phần lý do của MSCI được in đậm và đã được dịch sang tiếng Việt, ý kiến của ông Lê Hải Trà ở phần dưới):

1. Giới hạn sở hữu nước ngoài còn bị hạn chế ở một số ngành và lĩnh vực nhạy cảm.

Ngay cả một thị trường thuộc nhóm phát triển như Nhật Bản, những công ty như Japan Airlines, Fuji Media... vẫn có giới hạn sở hữu đối với nhà đầu tư nước ngoài theo luật định.

2. Room của nhà đầu tư ngoại: Thị trường chứng khoán vẫn chịu ảnh hướng lớn từ vấn đề room nước ngoài.

Nếu công ty hoạt động tốt và các nhà đầu tư nước ngoài đua nhau nhảy vào theo hiệu ứng benchmarking thì hết room là chuyện đương nhiên. Quan trọng là Việt Nam có đủ số lượng công ty có qui mô vốn và thanh khoản đáp ứng được các tiêu chí của MSCI.

3. Quyền bình đẳng với nhà đầu tư nước ngoài: Nhiều thông tin ở các sở giao dịch và Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD) có được công bố bằng tiếng Anh. Tuy nhiên một số thông tin về doanh nghiệp không có sẵn bằng tiếng Anh. Hơn nữa, quyền lợi của nhà đầu tư nước ngoài bị hạn chế do quy định giới hạn sở hữu nước ngoài nghiêm ngặt áp dụng đối với tổng tỷ trọng sở hữu nước ngoài nói chung và sở hữu của từng nhà đầu tư nói riêng.

Khó để có một thị trường Emerging (mới nổi) nào trên thế giớ tiếng Anh không phải là ngôn ngữ chính thống mà các thông tin bằng tiếng Anh liên quan đến doanh nghiệp luôn sẵn có. Đối với những ngành nghề đặc thù như ngân hàng, việc giới hạn tỷ lệ sở hữu tổng và của từng tổ chức/cá nhân nước ngoài không ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà đầu tư nước ngoài.

4. Mức độ tự do hóa thị trường ngoại hối: Chưa có thị trường giao dịch tiền tệ ở nước ngoài (offshore) và thị trường giao dịch trong nước (onshore) còn hạn chế (ví dụ: giao dịch ngoại tệ phải liên quan tới giao dịch chứng khoán). Thêm vào đó, thanh khoản trên thị trường tiền tệ trong nước gần đây đã giảm.

Không có thị trường offshore không phải là vấn đề của Việt Nam. Trên thị trường chứng khoán, giao dịch ngoại hối không gắn với giao dịch chứng khoán thì gắn với cái gì?

5. Đăng ký đầu tư và mở tài khoản: nhà đầu tư nước ngoài bắt buộc phải làm thủ tục đăng ký giao dịch và việc mở tài khoản cần được sự chấp thuận của VSD. Việc ra mắt dịch vụ đăng ký trực tuyến và giảm thời gian cấp mã số giao dịch được đánh giá tích cực. Tuy nhiên, nhiều tài liệu vẫn cần phải dịch sang tiếng Việt.

Cái khó không phải ở việc dịch sang tiếng Việt mà ở việc người nước ngoài có thể gặp khó khăn trong việc có được loại giấy tờ tương đương theo yêu cầu của pháp luật Việt Nam, ví dụ như lý lịch tư pháp.

6. Các quy định về thị trường: Không phải tất cả các quy định về thị trường đều có sẵn bằng tiếng Anh.

Có lẽ còn có thiếu sót nào đó nhưng không cơ bản. Quan trọng là điều đó có ảnh hưởng đến việc giao dịch hay quyền lợi của nhà đầu tư nước ngoài không?

7. Luồng thông tin thị trường: Các thông tin về thị trường chứng khoán thường không được công bố bằng tiếng Anh hoặc không đủ chi tiết.

Định nghĩa thế nào là đủ chi tiết? Quy định hiện hành không buộc công ty phải công bố thông tin bằng tiếng Anh. Trên thực tế, những công ty được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đều được Bloomberg, Thomson Reuters hay Stoxplus phản ánh khá ổn.

8. Thanh toán và bù trừ chứng khoán: Không có trung tâm thanh toán bù trừ chính thức và VSD đóng vai trò là tổ chức bù trừ chứng khoán. Hơn nữa, không có công cụ vay thấu chi (overdraft) và các giao dịch cần ứng tiền trước (prefunding).

Luật chứng khoán qui định VSD thực hiện chức năng bù trừ, thanh toán mà lại nhận định là "no formal"? Overdraft và prefunding không phải là những tiêu chí bắt buộc.

9. Khả năng chuyển nhượng: Giao dịch thỏa thuận và chuyển nhượng hiện vật cần được Uỷ ban chứng khoán chấp thuận trước.

Chứng khoán được niêm yết thì phải giao dịch qua hệ thống giao dịch để đảm bảo tính minh bạch. Muốn giao dịch ngoài hệ thống thì phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chứ thắc mắc gì?

Trước đó, nói về triển vọng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt, ông Kevin Snowball, CEO kiêm Giám đốc Đầu tư tại PXP Vietnam Asset Management, cho rằng ít nhất là 2 năm nữa vì phải có ít nhất 1 năm trong danh sách theo dõi và nếu được vào MSCI EM thì sẽ mất thêm 1 năm nữa.

"Vì thế nếu nói rằng Việt Nam sẽ vào MSCI EM trong tháng 6/2018, chúng tôi không tin rằng việc này sẽ xảy ra nhanh đến thế. Thời điểm sớm nhất có thể là tháng 6/2019", lãnh đạo PXP Vietnam Asset Management nhận định.

Cùng chuyên mục
Tin khác