Sức mua cuối năm giảm, Chủ tịch MWG nói nếu 'xui' có thể kéo dài đến quý III/2023

Anh Phan - 24/11/2022 22:09 (GMT+7)

(VNF) - Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư mới đây, Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (HoSE: MWG) cho biết trong tháng 10/2022, doanh thu thuần đạt 10.900 tỷ, giảm 11% so với cùng kỳ.

VNF
Sức mua cuối năm giảm, Chủ tịch MWG nói nếu 'xui' có thể kéo dài đến quý III/2023

Trong đó, doanh thu chuỗi Thế giới Di động (TGDĐ) và Điện Máy Xanh (ĐMX) đạt 8.300 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ tháng 10 năm trước. Luỹ kế 10 tháng, tổng doanh thu 2 chuỗi này tăng 21% và đạt 90.000 tỷ đồng.

Tại chuỗi Bách Hoá Xanh (BHX), tháng 10 thu về 2.370 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2021. Luỹ kế 10 tháng, doanh thu chuỗi đạt 22.300 tỷ đồng, giảm 9%.

Doanh thu bình quân 1 cửa hàng đạt 1,37 tỷ đồng, BHX theo đó ghi nhận mức lợi nhuận trực tiếp (đã bao gồm khấu hao) ở cấp độ cửa hàng dương vào tháng 10 và cao nhất kể từ đầu năm 2022. BHX đang hòa vốn EBITDA ở cấp độ công ty.

"Chúng tôi nhận thấy doanh số các cửa hàng BHX ở gần khu công nghịệp, có đông công nhân đang có xu hướng giảm do sức mua yếu đi. Nguyên nhân do bởi công nhân bị mất việc và giảm thu nhập do các nhà máy thiếu đơn hàng. Riêng TP. HCM, doanh thu trung bình tại cửa hàng vẫn tiếp tục tăng so với tháng 9 trong khi thị trường tỉnh đi ngang và giảm nhẹ", MWG cho hay.

Luỹ kế 10 tháng, doanh thu của công ty đạt 113.700 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính đến cuối tháng 10, MWG có 1.163 cửa hàng chuỗi TGDĐ (bao gồm 93 Topzone), 2.269 cửa hàng chuỗi ĐMX (bao gồm 1.034 ĐMX Supermini) và 1.729 cửa hàng BHX.

Theo MWG, thời điểm quý IV năm ngoái là giai đoạn phục hồi mạnh mẽ đối với công ty do nhu cầu dồn nén sau giãn cách xã hội ở nhiều tỉnh thành. Công ty cũng nhận thấy doanh thu 2 tháng còn lại của năm 2022 có thể không được như cùng kỳ năm trước nhưng lũy kế cả năm 2022 vẫn dự kiến tăng trưởng 2 con số.

Đưa ra nhận định về tình hình vĩ mô, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT MWG cho biết: “Thế giới có nhiều vấn đề cần giải quyết như: chiến tranh, lạm phát, giá xăng dầu, nhiều thứ diễn ra…. và đã tác động đến Việt Nam. Tại Việt Nam, như tôi nhận định trước đây thường có độ “delay” là 3-6 tháng so với thế giới, mình luôn luôn đi chậm hơn so với thế giới. Người ta đã thấy ảnh hưởng lạm phát trước đó và nay thì Việt Nam mình đã thấy rồi".

"Việt Nam đang bước vào giai đoạn rất khó khăn, các vấn đề như dòng tiền, chứng khoán, công ăn việc làm rất lủng củng. Đây là năm rất lạ lùng, cuối năm đáng lẽ là phải tăng ca thì nhân công lại phải chia ca. Thu nhập giảm, ai không chịu nổi thì về quê. Thậm chí, một số công ty còn chủ động cho nhân viên nghỉ…”, ông Tài nêu.

Ông Tài cũng chỉ ra khi thu nhập người lao động giảm thì sức mua sẽ có vấn đề, ngành bán lẻ theo đó cũng bị ảnh hưởng và hàng tiêu dùng như BHX cũng vậy.

"Nếu trước đây người tiêu dùng sẵn sàng bỏ tiền mua chai dầu ăn đắt một chút nhưng giờ họ tìm kiếm chai dầu ăn giá chỉ khoảng 35.000 đồng thôi. Bởi người tiêu dùng thắt chặt hầu bao thì những thứ không cần thiết sẽ không xài nữa, còn những thứ cần thiết họ có khuynh hướng tìm sản phẩm rẻ tiền hơn để xài", ông nói.

Trả lời câu hỏi “tình hình này kéo dài bao lâu?”, ông Tài cho biết khó dự báo. "Sớm nhất sẽ phải hết quý I năm sau, còn nếu “xui xui” tình hình thế giới vẫn bất ổn thì sẽ kéo dài sang đến quý II, thậm chí quý III/2023. Chắc chắn quý IV tình hình sẽ dễ thở hơn rất là nhiều, từ từ mọi thứ sẽ ổn hơn", Chủ tịch MWG nhận định.

“Nếu chúng ta kỳ vọng cái gì đó qua nhanh, thì sẽ rất khó. Bối cảnh hiện nay không phải như hồi Covid-19, chúng ta lock-down để bảo vệ sức khoẻ và chúng ta có thể linh hoạt. Còn đây không phải là một vấn đề nhất định, mà là một chuỗi các, yếu tố vấn đề tác động mà không ai có thể xử lý nhanh gọn. Ngay cả những quốc gia phát triển, tiền rất nhiều cũng không thể xử lý nhanh gọn được”, ông Tài nói.

Cùng chuyên mục
Tin khác