Tác động của giá dầu đến nền kinh tế và an ninh năng lượng quốc gia

TS. Lương Văn Hải - 04/09/2019 07:22 (GMT+7)

(VNF) - Dầu thô là một mặt hàng chiến lược, được giao dịch hằng ngày trên thị trường tài chính quốc tế với hai nghiệp vụ chủ yếu là giao ngay và giao dịch kỳ hạn. Giá dầu biến động, tác động đến kinh tế toàn cầu, đến an ninh năng lượng của hàng loạt quốc gia, trong đó có Việt Nam. Dưới đây là một số đánh giá tác động hai chiều của biến động giá dầu thô trên thị trường thế giới đến nền kinh tế Việt Nam và điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

VNF
Tác động của giá dầu đến nền kinh tế và an ninh năng lượng quốc gia.

Tác động tích cực

Thứ nhất: Giá dầu giảm tác động tích cực đối với tiêu dùng của người dân và hoạt động của DN. Nhờ giá dầu giảm, tạo điều kiện cho số đông người dân cơ điều kiện tiết kiệm được chi phí cho giao thông, từ đó tăng tiêu dùng cho nền kinh tế. Về phía doanh nghiệp các hộ gia đình có sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ, kể cả đánh bắt thủy hải sản, nuôi trồng thủy sản, các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ sử dụng nhiều xăng dầu, khi giá dầu giảm giúp giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận từ đó giúp tăng khả năng chi tiêu, tái đầu tư của doanh nghiệp của hộ sản xuất kinh doanh, của ngư dân, chủ trang trại… Nhu cầu vay vốn tín dụng ngân hàng và khả năng trả nợ đúng hạn cũng cao hơn. Theo đó mục tiêu tăng trưởng tín dụng, mục tiêu điều hành lãi suất và tỷ giá của NHNN cũng thuận lợi hơn theo các Nghị quyết của Chính phủ.

Thứ hai: Hiệu quả kinh doanh của số đông doanh nghiệp được cải thiện góp phần thu nội địa từ thuế tăng mạnh đóng góp tích cực cho NSNN. Điều hành chính sách tài khóa thuận lợi hơn cũng tạo điều kiện cho điều hành chính sách tiền tệ thuận lợi, nhất là trong phát hành trái phiếu chính phủ, cân đối ngoại tệ cho các mục tiêu quốc gia…

Thứ ba: Lạm phát được kiểm soát thấp, kinh tế vĩ mô ổn định hấp dẫn hoạt động đầu tư. Cùng với chi phí lao động thấp, triển vọng thị trường nội địa sáng sủa và tăng cường ký kết FTA, giá dầu giảm làm tăng tính hấp dẫn của Việt Nam trong thu hút vốn FDI, góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động tín dụng ngân hàng. Đây là cơ hội cho Việt Nam trong trung và dài hạn trong việc thu hút vốn, công nghệ của nước ngoài, đồng thời đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế. Như vậy, rõ ràng là điều hành chính sách tiền tệ thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát cũng thuận lợi hơn trong điều kiện giá dầu giảm và ở mức thấp, đồng thời giá dầu tăng cũng tác động rất rõ rệt lên CPI.

Thứ tư: Giá dầu giảm và dao động quanh mức thấp, tác động đến các chủ thể nói trên của nền kinh tế, CPI ở mức thấp, tạo tiền đề cho ổn định và giảm nhẹ lãi suất. Bên cạnh đó, USD giảm giá, góp phần ổn định tỷ giá VND/USD. Diễn biến đó tạo tâm lý người dân an tâm gửi nội tệ vào ngân hàng và các doanh nghiệp, hộ gia đình an tâm vay vốn đầu tư, tiêu dùng. Giá dầu thấp và giảm mạnh, việc chi ngoại tệ cho nhập khẩu xăng dầu, gas và các sản phẩm khác từ hóa dầu cũng giảm, tạo cơ hội tăng dự trữ ngoại tệ của NHNN, của quốc gia.

Tác động tiêu cực

Thứ nhất: Làm giảm nguồn thu NSNN từ dầu thô. Năm 2019, Chính phủ đã quyết định trình Quốc hội dự toán giá dầu ở mức 65 USD/thùng, tăng 15 USD/thùng so với năm 2017. Với kịch bản giá dầu mà PVN đang xây dựng là 65 USD/thùng giá kế hoạch. Song hiện nay giá dầu thô giảm và chỉ còn dao động quanh mức 62 USD/thùng, thấp hơn mức phê duyệt của Chính phủ và kế hoạch của Tập đoàn dầu khí Việt Nam. Nếu tình hình này kéo dài và nếu giá dầu thô giảm xuống quanh mức 58 - 60 USD/thùng, thì nguồn thu và khả năng đóng góp cho NSNN của Tập đoàn Dầu khí sẽ bị sụt giảm so với kế hoạch và ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án năng lượng quốc gia. Tính toán là nếu giá dầu trong năm 2019 giảm về 50 USD/thùng, thấp hơn dự toán 15 USD/thùng thì ngân sách bị hụt khoảng 10.000 đến 12.000 tỷ đồng.

Thứ hai: Tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán Việt Nam thông qua ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu doanh nghiệp ngành dầu khí. Doanh thu của hầu hết các doanh nghiệp dầu khí niêm yết trong năm 2015 đều giảm mạnh; tổng doanh thu các doanh nghiệp này giảm 16,5% và lợi nhuận sau thuế giảm 15,4% so với cùng kỳ và đã ảnh hưởng trực tiếp đến giá của nhóm cổ phiếu dầu khí. Sang năm 2016, nhờ những tín hiệu lạc quan về một thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC, giá dầu đã phục hồi hơn 50%, có thời điểm tăng lên 54 USD/thùng. Nhóm cổ phiếu dầu khí nhờ vậy cũng bật tăng trở lại một cách rất ấn tượng. GAS có mức tăng gần 100% còn PVT, PVS, PVX, PVD đều tăng giá hàng chục phần trăm. Năm 2017, giá dầu vẫn ở mức thấp trong những tháng đầu năm và phục hồi từ tháng 9/2017 cho đến cuối tháng 11/2017, không chỉ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các công ty thượng nguồn của ngành liên quan đến khoan và dịch vụ khoan dầu khí, mà còn có cả một số doanh nghiệp trong ngành dầu khí, giá cổ phiếu vẫn ở mức thấp, mặc dù có tăng nhẹ so với năm 2016.

Thứ ba: Hoạt động thu hút đầu tư bị ảnh hưởng, nhất là ngành dầu khí và các ngành liên quan, nhiều dự án đầu tư đã và đang giãn tiến độ, dừng triển khai do giá dầu xuống thấp. Nhiều dự án lọc hóa dầu đang triển khai chậm cũng như phải hoãn, giản tiến độ; thậm chí có dự án đứng trước nguy cơ bị thu hồi giấy phép. Tình hình đó ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp có liên quan đến dầu khí trong việc trả nợ vốn vay, triển khai thi công. nhận thầu, thực hiện dự án… cũng như thực hiện các hợp đồng tín dụng đã ký kết.

Thứ tư: Thúc đẩy hoạt động buôn lậu xăng dầu. Giá xăng dầu trên thị trường thế giới thường xuyên biến động tăng hay giảm, giá bán lẻ xăng dầu thị trường trong nước không điều chỉnh kịp thời, có những lúc cao hơn hay thấp hơn giá thị trường thế giới, kích thích các hoạt động buôn lậu xăng dầu trên biển, qua biên giới, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia. Tình hình đó cũng ảnh hưởng lớn đến kiểm soát ngoại tệ, đến các giao dịch ngầm, giao dịch lậu về ngoại tệ.

Thứ năm: Tác động đến lượng khách du lịch đến từ các quốc gia xuất khẩu lớn dầu mỏ và khí đốt. Trường hợp này thấy rõ nhất là đối với Nga và các quốc gia khác thuộc Liên bang Xô Viết trước đây. Những năm giá dầu mỏ và khí đốt tăng cao, nền kinh tế phát triển, thu nhập của người dân tăng, khách du lịch từ các nước đó đến Việt Nam tăng cao, đặc biệt là khu vực Mũi Né của tỉnh Bình Thuận, Đà Nẵng, Nha Trang… kéo theo nhiều dự án phát triển du lịch, khách sạn, nhà hàng, resort,… dịch vụ hàng không cũng phát triển, nhiều chuyến bay thuê bao đưa thẳng khách đến Việt Nam. Nhưng đến khi giá dầu mỏ và khí đốt giảm, nền kinh tế bị cô lập, đồng Rúp mất giá, lượng khách du lịch giảm sẽ gây ra nợ xấu đối với các ngân hàng thương mại và ảnh hưởng đến thu hút khách du lịch nước ngoài.

Thứ sáu: Tác động lớn đến ngành cao su. Do giá dầu thô trên thị trường thế giới không tăng và dao động quanh mức thấp, làm cho giá cao su tự nhiên không tăng, giá xuất khẩu mủ cao su tự nhiên cũng không tăng, tác động lớn đến các DN, hộ gia đình trồng cao su, thu mua và chế biến mủ cao su; theo đó ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của số đông hộ gia đình, người dân ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và miền Trung.

Thứ bảy: tác động đến các ngành khác liên quan đến dầu mỏ. Hàng loạt dự án đầu tư của các doanh nghiệp liên quan trực tiếp đến đầu mỏ, như tơ sợi nhân tạo, nhựa, phân bón hóa học… bị ảnh hưởng lớn. Điển hình là dự án xơ sợi Đình Vũ (Hải Phòng) có lý do khách quan là bởi biến động lớn của giá dầu. Bởi vì ngành xơ sợi gắn với thị trường dầu mỏ, ở thời điểm khi xây dựng và phê duyệt dự án, giá dầu thô thị trường thế giới đang ở đỉnh cao, sau đó xuống chỉ còn 50 USD/thùng, có thời điểm xuống dưới 40 USD/thùng nên dự án lỗ. Tuy nhiên, cần phải thực sự thẳng thắn thừa nhận rằng, có nguyên nhân chủ quan khiến dự án nhanh chóng bị thua lỗ đó là do hạn chế về nhận thức, sai lầm trong dự báo thị trường dầu thô và thị trường xơ sợi thế giới, yếu kém và tiêu cực trong quản lý triển khai dự án.

Cùng chuyên mục
Tin khác