Tách A0 khỏi EVN: ‘Chỉ nên xem xét khi có cơ chế tài chính vận hành ổn định’
Kỳ Thư -
23/08/2023 16:26 (GMT+7)
(VNF) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng chỉ nên xem xét quyết định tách Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khi có cơ chế tài chính đảm bảo cho công ty hoạt động, vận hành ổn định.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, về việc thẩm định đề án tách A0 từ EVN để thành lập Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia (NSMO), trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban quản lý vốn).
Theo báo cáo thẩm định của Bộ KH&ĐT, đề án tách A0 từ EVN chưa nhắc đến thông tin của EVN về vốn điều lệ, tài sản sau khi tách A0. Sau khi tách khỏi EVN, vốn điều lệ của NSMO dự kiến là hơn 730 tỷ đồng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị Ủy ban Quản lý vốn, EVN rà soát, tính toán và khẳng định mức vốn như đề xuất trong đề án đã đảm bảo cho NSMO hoạt động và vận hành ổn định sau khi tách ra hoạt động độc lập.
Ngoài ra, đề án cần bổ sung về hoàn thiện một số nội dung cơ bản, như thuyết minh cho số liệu tổng chi phí cần thiết cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư; khả năng bố trí nguồn vốn.
Bộ KH&ĐT đề nghị Ủy ban Quản lý vốn phối hợp với Bộ Công thương xây dựng phương án đảm bảo nguồn lực cho NSMO thực hiện kế hoạch 5 năm và hàng năm để hoạt động ổn định.
Để đảm bảo hoạt động cho NSMO, Bộ KH&ĐT nhận thấy cần phải có cơ chế tài chính theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, A0 từ khi tách khỏi EVN để thành lập NSMO đến hết năm 2023. Giai đoạn 2, từ 1/1/2024 đến khi Luật Giá sửa đổi có hiệu lực. Giai đoạn 3, sau khi Luật Giá sửa đổi có hiệu lực thi hành, Bộ KH&ĐT đề nghị Bộ Công thương xây dựng cơ chế tài chính để đảm bảo NSMO sẽ có cơ chế để hoạt động.
Đồng thời, Bộ KH&ĐT đề nghị Ủy ban Quản lý vốn phối hợp với Bộ Công Thương xác định rõ thời điểm hoàn thành xây dựng thông tư hướng dẫn về chi phí điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện để đảm bảo chi phí cần thiết cho hoạt động của A0.
Ngoài ra, theo đề án, các hạng mục dự án đầu tư của A0 đã được EVN phê duyệt chủ trương đầu tư, tuy nhiên, chưa thuyết minh đầy đủ tiến độ thực hiện, đánh giá sự cần thiết, tác động các dự án này đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của NSMO.
Để đảm bảo tính hoạt động ổn định, liên tục trong vận hành hệ thống điều độ điện trong dài hạn, báo cáo đề nghị Ủy ban Quản lý vốn, EVN rà soát 9 dự án đang triển khai của A0 để xây dựng phương án tiếp tục đầu tư và triển khai thực hiện trong giai đoạn chuyển tiếp bàn giao NSMO về Bộ Công thương.
Bộ KH&ĐT cho rằng Ủy ban Quản lý vốn, EVN cũng cần có phương án bố trí vốn cho các dự án này trong tổng mức vốn điều lệ ban đầu của NSMO, đảm bảo các dự án này không bị ngắt quãng hoặc dừng thực hiện.
Trước đó, liên quan đến việc chuyển A0 về Bộ Công thương, Thông báo 263/TB-VPCP về kết luận của Phó thủ tướng Trần Lưu Quang tại cuộc họp ngày 2/8 có lưu ý, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Công thương chủ động phối hợp với EVN rà soát kỹ các cơ chế đối với hoạt động của EVN có thể bị tác động sau khi tách A0 chuyển về Bộ Công thương.
Đồng thời, lưu ý các nội dung, báo cáo, kiến nghị của EVN để có biện pháp xử lý phù hợp theo thẩm quyền và quy định của pháp luật, không để phát sinh vướng mắc, nhất là các nội dung liên quan Chính phủ hoặc tranh chấp quốc tế (cả chủ nợ quốc tế của EVN, các hợp đồng BOT được Chính phủ bảo lãnh…). Trường hợp phát sinh vấn đề vượt thẩm quyền, kịp thời đề xuất xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.