Tài chính xanh: Cuộc chơi của các 'ông lớn'

Minh Tâm - 11/09/2024 09:33 (GMT+7)

(VNF) - Dự án phải có quy mô đủ lớn để tiếp nhận nguồn tài chính xanh. Đây cũng là lý do vì sao dư nợ tín dụng xanh chủ yếu tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, bởi các dự án trong lĩnh vực này thường có quy mô lớn.

“Nhỏ lẻ” lép vế, cuộc chơi dành cho các “ông lớn”

Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy tính đến cuối năm 2023, đã có 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với quy mô 620.984 tỷ đồng, tăng 24% so với cuối năm 2022, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm tỷ trọng gần 45%) và nông nghiệp xanh (gần 30%).

Theo đánh giá từ PGS.TS Bùi Quang Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, dư nợ tín dụng xanh chỉ chiếm 4,5% tổng dư nợ tín dụng là quá nhỏ, trong khi tiềm năng và mục tiêu đặt ra của Việt Nam về phát triển kinh tế xanh là rất lớn. Tín dụng xanh chỉ tập trung vào một vài lĩnh vực như năng lượng và nông nghiệp, trong khi lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo đáng ra phải là lĩnh vực đi đầu trong chuyển đổi xanh thì tín dụng xanh lại rất hạn chế.

Chia sẻ câu chuyện thực tế tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo và triển khai ESG của Agribank, cho biết mặc dù là một ngân hàng chuyên cho vay tam nông (nông - lâm - ngư nghiệp) nhưng dư nợ tín dụng xanh chỉ chiếm 1,8% tổng dư nợ, thấp hơn nhiều bình quân toàn hệ thống.

Trao đổi với Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance, lãnh đạo phụ trách huy động nguồn tài chính xanh của một doanh nghiệp lớn cho biết qua thực tế triển khai, có 2 nguyên nhân quan trọng khiến cho dư nợ tín dụng xanh ở mức thấp. Đầu tiên là vấn đề về quy mô. Các dự án của doanh nghiệp phải có quy mô đủ lớn để tiếp nhận nguồn tài chính xanh. Đây cũng là lý do vì sao dư nợ tín dụng xanh chủ yếu tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, bởi các dự án trong lĩnh vực này thường có quy mô lớn.

“Cách đây khoảng 5 năm, khi chúng tôi tiếp cận nguồn vốn xanh của BNP Paribas, một ngân hàng đến từ châu Âu - nơi quan tâm đến phát triển bền vững từ rất sớm, thì họ đã cấp vốn xanh cho rất nhiều dự án trong lĩnh vực dầu khí tại Việt Nam. Họ chia sẻ rằng sở dĩ lựa chọn các dự án năng lượng là bởi quy mô dự án lớn. Từ 5 năm trước, họ đã yêu cầu quy mô các khoản vay xanh phải từ 100 triệu USD trở lên”, vị này nói.

Nguyên nhân thứ hai khiến dư nợ tín dụng xanh còn thấp là chi phí - lợi ích chưa thực sự hấp dẫn, nhất là ở thương vụ đầu tiên. Theo vị lãnh đạo trên, nếu như doanh nghiệp vay vốn thương mại thông thường, lãi suất có thể chỉ 5%/năm thì vay vốn xanh cũng chỉ cỡ 4,95%/năm. Tuy nhiên, đổi lại 0,05%/năm đó là rất nhiều quy trình, thủ tục và chi phí, bao gồm cả chi phí để bên thứ ba xác minh độc lập. Lợi ích kinh tế trước mắt không đáng kể, chủ yếu là lợi ích về mặt hình ảnh. Do đó, nhiều doanh nghiệp có tiềm năng đáp ứng các tiêu chí vay vốn xanh vẫn không làm mà lựa chọn vay vốn thương mại thông thường.

Dẫu vậy, theo vị này, cần lưu ý rằng một khi tiếp cận được nguồn vốn xanh, nhất là từ thị trường quốc tế, sẽ mở ra một chân trời mới cho doanh nghiệp. Bởi khi doanh nghiệp đã thành công một thương vụ thì các tổ chức cấp vốn xanh sẽ ưu tiên tìm đến, vì sẽ tiết kiệm được nhiều công sức tìm kiếm và chi phí thẩm định doanh nghiệp. Đối với bản thân doanh nghiệp, trong các thương vụ huy động vốn xanh tiếp theo, họ sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí đã thực hiện ở thương vụ ban đầu.

Ngoài ra, trong cam kết giải ngân của một số tổ chức tài chính có thể có lộ trình giảm dần lãi suất. Qua mỗi năm, tổ chức cho vay vốn xanh sẽ đánh giá mức độ cải thiện của các tiêu chí xanh (ví dụ như các tiêu chí về sử dụng năng lượng tái tạo, sử dụng nước, xử lý chất thải…), nếu đáp ứng được các cam kết thì lãi suất giải ngân kỳ tiếp theo sẽ được giảm xuống.

Tuy vậy, vị này nhấn mạnh việc bước đi những bước đầu tiên trong hành trình tiếp cận vốn xanh luôn không dễ dàng đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Ở góc nhìn từ phía ngân hàng, bà Hà Thu Phương, Phó trưởng phòng thị trường vốn của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank), cũng cho rằng sở dĩ lượng vốn xanh cấp cho các doanh nghiệp vẫn còn thấp là bởi lợi ích về mặt tài chính đối với các tổ chức tài chính chưa đủ, trong khi quy trình và các yêu cầu về công bố thông tin, hướng dẫn, giám sát, quản lý việc sử dụng vốn… khiến khối lượng công việc nhân lên rất nhiều.

Hỗ trợ phải tới nơi

Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), cho hay Quyết định số 882/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 có đề cập đến các nguồn lực để thực hiện tăng trưởng xanh. Trước hết là từ nguồn ngân sách nhà nước. Thứ hai là nguồn lực tư nhân, bao gồm nguồn vốn tín dụng và trái phiếu xanh. Thứ ba là nguồn hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế và thứ tư là các nguồn xã hội hóa khác.

Bà Tùng cho biết Luật Bảo vệ môi trường được Quốc hội thông qua vào năm 2020 và Nghị định 08 được Chính phủ ban hành vào năm 2022 đã đề cập tới nhiều giải pháp hỗ trợ về kỹ thuật, về đất đai, về thuế phí… Một số ngành đã nhận được sự hỗ trợ, chẳng hạn như tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn được hưởng lãi suất ưu đãi, cơ chế cho vay không tài sản bảo đảm, cơ chế ưu đãi về xử lý rủi ro khi cho vay…

Tuy nhiên, theo bà Tùng, hỗ trợ của nhà nước là một phần nhưng bản thân doanh nghiệp cũng phải tự chuyển đổi xanh, bởi một số ngành như dệt may hiện nay nếu không chuyển đổi xanh thì sẽ tự bị đào thải khỏi thị trường.

Hiến kế thúc đẩy tài chính xanh, TS Cấn Văn Lực cho rằng cơ chế chính sách của Việt Nam về kinh tế xanh là khá tốt nhưng doanh nghiệp vẫn đang phải “tự chiến đấu”, nếu không có một cơ chế thực thi đủ mạnh thì rất khó thành công. Chuyên gia dẫn bài học từ Trung Quốc mà theo ông là rất đáng để Việt Nam tham khảo. Cụ thể, Trung Quốc giảm lãi suất cho các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào tăng trưởng xanh, đồng thời thành lập Quỹ phát triển xanh quốc gia nhằm tài trợ một phần cho các dự án đầu tư thúc đẩy kinh tế xanh. Đây đều là nguồn lực nhà nước. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng khuyến khích thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm môi trường.

Tuy nhiên, trước mắt, chính sách hỗ trợ tín dụng xanh, trái phiếu xanh vẫn đang gặp vướng mắc lớn. Theo chia sẻ từ đại diện Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), tập quán chung trên thế giới là thông qua các tổ chức độc lập để xác định xem dự án nào là dự án xanh để được cấp vốn xanh, từ đó mới có chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên hiện cơ quan quản lý chưa thống nhất được vấn đề này, nhưng quan điểm đang nghiêng theo hướng cần sự xác nhận trực tiếp từ cơ quan nhà nước hoặc một bên thứ ba chịu sự quản lý của cơ quan nhà nước, thay vì phương án thông qua tổ chức độc lập hoặc tổ chức cấp vốn xanh, để đảm bảo mức độ tin cậy khi doanh nghiệp hưởng hỗ trợ từ nhà nước.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.