Tại sao nhiều CEO công nghệ là người gốc Ấn Độ?

Đại Việt - 13/04/2020 08:04 (GMT+7)

Khả năng dự đoán thị trường, niềm tin vào nhân tài cùng nhiều yếu tố khác đã tạo nên thành công cho các CEO gốc Ấn.

VNF
Tại sao nhiều CEO công nghệ là người gốc Ấn Độ?

Tại Thung lũng Silicon, hiện nay hầu hết các công ty công nghệ đều có CEO là người gốc Ấn. Tháng 2, IBM bổ nhiệm doanh nhân người Mỹ gốc Ấn Độ Arvind Krishna vào vị trí CEO của tập đoàn. Gần nhất, startup bất động sản thương mại của Mỹ WeWork xác nhận vị trí Giám đốc điều hành cho Sandeep Mathrani, cũng là một người gốc Ấn.

Từ trái sang phải: Sundar Pichai (CEO Alphabet), Satya Narayana Nadella (CEO Microsoft) và Shantanu Narayen (CEO Adobe)

Trước đó, rất nhiều cái tên có thể đến như Shantanu Narayen (CEO Adobe), Sundar Pichai (CEO Alphabet), Satya Narayana Nadella (CEO Microsoft), Rajeev Suri (CEO Nokia), Punit Renjen (CEO Deloitte), Vasant "Vas" Narasimhan (CEO Novartis)...

Vậy điều gì đã làm nên thành công của những CEO gốc Ấn Độ? Theo CNN, dưới đây có thể là một số nguyên nhân chính.

Khả năng dự đoán thị trường

Đầu tiên là thái độ chấp nhận thay đổi. Sinh ra và lớn lên ở đất nước với hơn một tỷ dân, tồn tại hàng chục ngôn ngữ, cơ sở hạ tầng không đồng đều buộc mọi đứa trẻ ở Ấn Độ phải học cách làm quen với cuộc sống bấp bênh, nay thế này mai thế khác.

Chính những bài học đầu đời đã trở thành kim chỉ nam giúp họ kiên nhẫn vượt qua mọi khó khăn, từ đó vươn lên dẫn đầu trong các bộ máy kinh doanh khổng lồ của thế giới.

Thứ 2, họ lường trước được những việc sắp xảy ra. Khả năng dự đoán những gì sẽ định hình thị trường là kỹ năng cần có ở một nhà lãnh đạo. Với các CEO người Ấn, họ có khả năng đặc biệt trong việc nắm bắt dữ liệu liên quan và liên tục vạch ra kế hoạch B cho dự án của mình.

Dù không mang tính cách mạng quá cao, kỹ năng này chính là mấu chốt để hoạch định chiến lược lâu dài với điều kiện thị trường hiện tại và thúc đẩy tầm nhìn cho tương lai.

Thành công của nhiều CEO gốc Ấn cũng cổ vũ cho các cộng đồng nhập cư Mỹ gốc Á khác

Thứ 3, Ấn Độ là đất nước của “tỷ lệ”. Khi bạn lớn lên ở đất nước một tỷ dân, mọi thứ đều được quy về tỷ lệ. Tỷ lệ trúng tuyển vào nhà trẻ, trường phổ thông, sau đó là đại học, tỷ lệ về thứ hạng, điểm số, thi tuyển công chức hay thậm chí là xem xét visa để có cơ hội ra nước ngoài.

Chính điều đó đã rèn luyện cho các CEO tương lai kỹ năng phân tích dữ liệu vượt trội cũng như thống kê khả năng có thể hoàn thành dự án đã đề ra.

Thứ 4, Ấn Độ có nền giáo dục chú trọng cung cấp kiến thức về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Những người nhập cư Ấn Độ là một trong những cộng đồng có trình độ học vấn cao nhất ở Mỹ. Theo Pew, 75% dân Ấn nhập cư có bằng cử nhân hoặc cao hơn trong năm 2016. Đây là tỷ lệ cao nhất trong các quốc gia nhập cư, thậm chí khi so với 31,6% người Mỹ bản địa.

Ở cấp độ đại học trong vài thập kỷ qua, sinh viên nước ngoài có xu hướng lựa chọn các ngành khoa học máy tính và kỹ thuật. Đây chính là đối tượng săn đuổi không chỉ của các ông lớn công nghệ mà còn là những công ty bán lẻ khác.

Niềm tin vào nhân tài

Thứ 5, họ làm việc như một gia đình. Khi Indra Nooyi trở thành CEO của PepsiCo, những người chúc mừng đã đến nhà mẹ cô ở Ấn Độ để bày tỏ sự vui mừng. Điều đó thúc đẩy Nooyi nảy ra ý tưởng viết thư cảm ơn phụ huynh của những nhân tài ở công ty.

Nooyi, CEO Pepsi phải tập tìm hiểu bộ môn bóng chày khi đến Mỹ vào năm 1978

“Chính sự dạy dỗ tận tình của họ đã đem đến món quà tuyệt vời cho PepsiCo”, Nooyi nói. Một lá thư bày tỏ lòng biết ơn có giá trị như chiếc cúp cho sự cố gắng của các bậc cha mẹ.

Sự chân thành và thân thiện trong mối quan hệ với nhân viên, dù chỉ là người phục vụ trà nước, chính là điểm khác biệt khiến các công ty Ấn Độ vẫn đứng vững trước làn sóng phân biệt đối xử ở phương Tây.

Thứ 6, tính đa dạng. Lực lượng lao động và bộ phận lãnh đạo đa dạng là chìa khóa quan trọng đối với các công ty. Theo khảo sát của Deloitte, 69% nhân viên cho rằng hệ thống quản lý cấp cao đa dạng khiến họ cảm thấy có động lực trong công việc hơn.

Chính sự đa dạng về sắc tộc khiến các công ty có CEO người Ấn đạt được những thành công nhất định. Có được thành tựu trên không thể không kể đến nỗ lực đẩy lùi phân biệt chủng tộc của người Mỹ da trắng bằng cách trao cơ hội và đối xử tôn trọng với người Mỹ gốc Á.

Thứ 7, bản sắc riêng và sự thích ứng. Thế giới chúng ta hiện nay đang từng bước đề cao những giá vị vốn có của con người. Nhưng để thành công, bạn cần biết cách hòa nhập vào đám đông mà không làm lu mờ bản sắc riêng.

Nooyi, CEO Pepsi chia sẻ khi đến Mỹ vào năm 1978, bà đã phải từ bỏ môn cricket yêu thích của mình. Thay vào đó, Nooyi chuyển niềm đam mê vào bóng chày vì phát hiện ngôn ngữ kinh doanh ở đây xoay quanh những trận đấu.

“Vì không muốn bị bỏ rơi, tôi đã kết hợp tình yêu thể thao của mình với tuyển bóng chày Yankee. Thật tuyệt vời là sau đó tôi đã xích lại gần mọi người và ăn ý trong công việc hơn rất nhiều”, cô nói.

Thứ 8, thời gian quý giá nhưng cũng là thứ vô hạn.

“Tôi luôn cố gắng hài hòa những thứ mình thật sự quan tâm, sở thích cá nhân và công việc đang làm. Tôi xem Microsoft như nền tảng để theo đuổi những thứ bản thân đam mê. Chính điều đó mang lại rất nhiều ý nghĩa, như một sự thư giãn tối thượng”, Satya Nadella, CEO của Microsoft định nghĩa lại sự cân bằng với tờ Australian Financial Review.

Cuối cùng là niềm tin vào nhân tài. Chuyện một người nhập cư trở thành CEO của Fortune 500 dường như là việc không tưởng, nhưng đó cũng chính là cách nước Mỹ hoạt động.

Tin tưởng vào con người bất kể họ đến từ đâu, miễn có thực tài là tín ngưỡng mà chính thị trường, các nhà đầu tư và cả nhân viên tại Mỹ nhất mực đi theo. Đó cũng là nguyên lý của chủ nghĩa tư bản Mỹ được các CEO thể hiện trong sự nghiệp điều hành của mình.

Xem thêm: Thị trường bất động sản Trung Quốc dần phục hồi sau khủng hoảng Covid-19

Theo Zing
Cùng chuyên mục
Tin khác