'Tân Hoàng Minh chỉ là giọt nước tràn ly'

Hoàng Sơn - 11/04/2022 13:13 (GMT+7)

TS. Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Việt Nam cho rằng trong vụ việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) có dấu hiệu sai phạm của Tân Hoàng Minh, các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng phải chịu trách nhiệm khi đóng vai trò giới thiệu chào bán ra thị trường.

VNF
Ảnh minh họa

Thực ra việc tăng trưởng nóng tiềm ẩn nhiều rủi ro của thị trường TPDN đã được đề cập rất nhiều trong thời gian qua, cả khuyến nghị của giới truyền thông lẫn cảnh báo của cơ quan quản lý như Bộ Tài chính và NHNN.

Vụ việc của Tập đoàn Tân Hoàng Minh xảy ra mới đây chỉ là “giọt nước tràn ly”, nghĩa là thị trường TPDN đã tăng trưởng nóng, tồn tại nhiều bất cập, âm ỉ bao lâu nay rồi, giờ là lúc những rủi ro xuất hiện và bùng phát. Cũng cần nói thêm, Tân Hoàng Minh không phải là trường hợp duy nhất.

Trước đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã từng xử phạt vi phạm hành chính một số DN do có hành vi chào bán chứng khoán ra công chúng nhưng không nộp hồ sơ đăng ký với UBCKNN. 

Về chất lượng, các TPDN đang lưu hành trên thị trường có lãi suất thường rất cao, cho thấy những rủi ro NĐT có thể gặp phải khi nắm giữ. Bởi ở Việt Nam việc đánh giá, thẩm định năng lực tài chính và kinh doanh của DN rất khó, các DN rất ít khi công khai hay đưa ra các số liệu thực sự.

Trong khi đó, phần lớn khách hàng hiện nay mua TPDN qua NH, thường hiểu NH sẽ bảo lãnh thanh toán trong điều kiện DN mất khả năng thanh toán, mặc dù NH chỉ là đơn vị phân phối. Chính sự nhầm lẫn này nên NĐT mua TP thông qua sự phân phối của các chi nhánh NH một cách khá dễ dàng. Đây là một trong những rủi ro người tham gia không nắm bắt được thông tin, trong khi luật thì không ràng buộc cũng không rõ ràng. 

Thưa ông, lâu nay dư luận từng cho rằng giữa DN phát hành và NH giới thiệu để bán TPDN ra thị trường có sự “bắt tay đi đêm”?

TS. Lê Duy Bình: - Rõ ràng giữa DN và NH có sự liên kết, bắt tay với nhau, nên các TPDN (thậm chí kém chất lượng) mới có cơ hội được giới thiệu chào bán ra thị trường. Nhận định này là có cơ sở, bởi mặt trái của thị trường TPDN mà dư luận lâu nay vẫn đề cập đến rất nhiều là ẩn giấu bên trong của việc cơ cấu lại nợ và bơm vốn.

Đơn cử như thị trường bất động sản (BĐS) hiện có thanh khoản thấp, chắc chắn không ít DN có khoản nợ NH đến kỳ phải trả nhưng không có tiền trả nợ, để lâu sẽ thành nợ quá hạn và nợ xấu, ảnh hưởng đến huy động vốn.

Và họ giải quyết vấn đề này bằng cách phát hành TPDN, vì đây là “lối thoát” để có tiền trả nợ đúng hạn NH. Hiện nay, tổng dư nợ TPDN lưu hành tại Việt Nam trên 1,15 triệu tỷ đồng, tương đương 16,6% GDP tính đến cuối năm 2021, trong đó riêng TP BĐS chiếm khoảng 36% tổng giá trị phát hành. Đây là những con số rất đáng lưu ý.

Về phía các NHTM, khi mua TPDN này sẽ “giúp” DN có tiền trả nợ vay đến hạn, qua đó “làm đẹp” bảng cân đối tài chính và không bị nợ xấu tăng cao. Các NHTM đầu tư vào TPDN BĐS còn tránh được việc siết cho vay vốn vào lĩnh vực này, cùng với đó bơm vốn cho các DN mà không phải trích lập dự phòng rủi ro.

Thực ra đây là cách lách để cho vay. Trên thực tế, từ 2019 đến nay có không ít đợt phát hành TPDN mà các NHTM xuất hiện và ôm trọn lô, trong đó có rất nhiều TP của các DN BĐS. Một số NH không mua trực tiếp sẽ thông qua các công ty chứng khoán thành viên để mua.

Vừa rồi một số NHTM có liên quan đến việc chào bán các lô TPDN của Tân Hoàng Minh ra thị trường đã lên tiếng “thanh minh”. Quan điểm của ông thế nào?

Để xác định cụ thể trách nhiệm của từng NH trong vụ việc phát hành TPDN của Tân Hoàng Minh, tôi cho rằng các cơ quan chức năng sẽ làm rõ. Thông thường, các NH sẽ không có bảo lãnh sau khi đã bán TPDN. Song quan điểm cá nhân của tôi cho rằng, các NH không thể chối bỏ trách nhiệm của mình.

NH và công ty chứng khoán giữ vai trò giới thiệu và bán TPDN của Tân Hoàng Minh ra thị trường, dù có đóng vai trò gì cũng phải có trách nhiệm của mình. Vì ít nhất khi giới thiệu sản phẩm TPDN ra thị trường, người giới thiệu phải biết rõ chất lượng sản phẩm đó ra sao, không thể nói không biết. Sự minh bạch thông tin với người mua rất quan trọng, không thể mập mờ, bởi đây có thể được cho là lừa dối khách hàng. 

TPDN không phải là sản phẩm hữu hình mà là sản phẩm tương đối vô hình, như vậy trách nhiệm của NH phải giới thiệu đầy đủ thông tin về sản phẩm. Thực tế, tôi đã từng gặp phải trường hợp mập mờ thông tin khi làm việc với một số NH về TPDN. Chỉ khi tôi hỏi kỹ về các TPDN phía NH mới cung cấp thông tin đầy đủ, còn không họ chỉ giới thiệu rất chung chung.

Như vậy, đối với những người mua thiếu am hiểu về thị trường TPDN, họ có khi không biết đó là TPDN, thậm chí còn nhầm là sản phẩm TP của NH phát hành. Nghĩa NH đưa họ vào mớ thông tin hết sức tù mù. 

Vấn đề dư luận rất quan tâm lúc này là quyền lợi của các khách hàng đã mua TPDN của Tân Hoàng Minh. Vậy cơ hội để lấy lại tiền của các trái chủ sẽ như thế nào, thưa ông?

 Khi vụ việc đã được đưa ra pháp luật phải xử lý theo đúng quy định pháp luật, và các cơ quan chức năng sẽ ưu tiên đưa vấn đề bảo vệ lợi ích người mua. Hiện nay, người đứng đầu Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã bị bắt tạm giam, nên người được ủy nhiệm tiếp tục điều hành DN này phải có trách nhiệm trả tiền cho các trái chủ (NĐT đã mua TP).

Đây là nghĩa vụ DN phải trả nợ cho trái chủ, điều này đã được quy định rõ trong pháp luật. Trong trường hợp DN không thực hiện nghĩa vụ trên, trái chủ có quyền khởi kiện ra tòa và đề nghị tòa án giải quyết. Trường hợp DN không có đủ năng lực tài chính để trả nợ cho trái chủ có thể tuyên bố phá sản, sau đó số tài sản của DN sẽ được thanh lý và bồi thường cho các NĐT.

Vụ việc của Tập đoàn Tân Hoàng Minh chỉ là “giọt nước tràn ly”, nghĩa là thị trường TPDN đã tăng trưởng nóng, tồn tại nhiều bất cập, âm ỉ bao lâu nay rồi, giờ là lúc những rủi ro xuất hiện và bùng phát.
Theo SGĐTTC
Cùng chuyên mục
Tin khác