Nhân vật

Tân Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi: Một năm hai lần thăng chức

(VNF) - Ông Nguyễn Đức Chi, Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước, là 1 trong 2 tân Thứ trưởng Bộ Tài chính vừa được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định bổ nhiệm.

Tân Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi: Một năm hai lần thăng chức

Tân Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi.

Cụ thể, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký quyết định bổ nhiệm ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước, và ông Nguyễn Đức Chi, Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước, giữ chức Thứ trưởng Bộ Tài chính.

Trong đó, đáng chú ý là ông Nguyễn Đức Chi mới nắm giữ vị trí Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước chưa đầy một năm.

Trước đó, ông Chi từng là Chủ tịch HĐTV của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Đến ngày 28/9/2020, ông chính thức tiếp nhận chức vụ Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước của Bộ Tài Chính.

Được biết, ông Nguyễn Đức Chi sinh năm 1970, quê quán Hà Nội, có trình độ thạc sĩ kinh tế. Ông từng đảm nhiệm các vị trí chánh Văn phòng Bộ Tài chính, phó vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính - Bộ Tài chính. Ông Chi được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm làm chủ tịch hội đồng thành viên SCIC từ ngày 28/12/2015.

Ông Chi tỏ ra khá "mát tay" tại SCIC khi doanh nghiệp này liên tục đạt được kết quả kinh doanh khả quan trong thời gian ông nắm giữ vị trí lãnh đạo.

Theo đó, kết quả kinh doanh năm 2016 cho thấy các chỉ tiêu kinh doanh của SCIC không những vượt kế hoạch đề ra mà còn có mức tăng trưởng kỷ lục so với năm trước. Cụ thể, SCIC thu về khoản lợi nhuận trước thuế gần 18.630 tỷ đồng trong năm 2016, xấp xỉ 107% kế hoạch và gấp 2 lần thực hiện năm 2015.

Sau khi khấu trừ hơn 2.800 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp, SCIC ghi nhận khoản lãi ròng gần 15.830 tỷ đồng, vượt kế hoạch năm 2016 và thực hiện năm 2015 lần lượt và 7% và 97%.

Cũng trong năm 2016, SCIC đã tổ chức thoái vốn thành công tại 73 doanh nghiệp nhà nước, trong đó có 71 doanh nghiệp thoái vốn hoàn toàn.

Bức tranh tài chính sáng sủa này kéo dài cho đến hết năm 2017, khi SCIC ghi nhận tổng doanh thu là 7.380 tỷ đồng, lãi trước thuế hơn 6.615 tỷ đồng, đạt trên 133% mục tiêu đề ra trong năm. Lợi nhuận sau thuế hơn 6.310 tỷ đồng, tương đương 135% kế hoạch năm và nộp về ngân sách nhà nước 4.600 tỷ đồng.

Tiếp đó, năm 2018, doanh thu của SCIC vẫn duy trì ở mức tăng trưởng cao, đạt hơn 12.580 tỷ đồng và vượt gần 60% kế hoạch năm. Trong đó, doanh thu cổ tức là gần 3.400 tỷ đồng, doanh thu bán vốn gần 7.700 tỷ đồng và còn lại là doanh thu đến từ hoạt động tài chính. Lợi nhuận sau thuế đạt trên 8.250 tỷ đồng, bằng 153% mục tiêu đặt ra và 130% thực hiện năm 2017.

Trong năm 2018, SCIC thực hiện bán vốn thành công tại 9 doanh nghiệp và ghi nhận doanh thu bỏ cọc tại 2 doanh nghiệp, với tổng giá trị doanh thu ghi nhận là 7.693 tỷ đồng, chênh lệch bán vốn là 5.706 tỷ đồng trên giá vốn là 2.617 tỷ đồng đạt tỷ lệ 2,94 lần.

Đến năm 2019, mặc dù thị trường chứng khoán gặp khó và cơ chế thoái vốn đã chặt chẽ hơn, nhưng SCIC vẫn ghi nhận tổng doanh thu trên 6.760 tỷ đồng, đạt 104% kế hoạch, lãi sau thuế hơn 4.065 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tính riêng công tác thoái vốn nhà nước thì lại khá ảm đảm, trong số 12 doanh nghiệp bán vốn thành công thì SCIC mới thu về 314 tỷ đồng. Giá vốn bán ra chiếm 82 tỷ đồng, mặc dù tỷ lệ chênh lệch vẫn ở mức cao gần 4 lần, thế nhưng giá trị chỉ đạt 232 tỷ đồng.

Bước sang năm 2020, trải qua 6 tháng, doanh thu SCIC ghi nhận ở mức 3.730 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ 2019. Doanh thu cổ tức đạt 1.918 tỷ đồng, bằng 55% kế hoạch; doanh thu bán vốn đạt 712 tỷ đồng, trong đó chênh lệch bán vốn là 370 tỷ đồng, đạt 49% kế hoạch; doanh thu tài chính đạt 1.093 tỷ đồng, bằng 55% kế hoạch

Sau khi trừ đi các khoản giá vốn và chi phí, SCIC có lãi ròng 2.600 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái và nộp ngân sách nhà nước 1.990 tỷ đồng, bằng 57% so với kế hoạch.

Tin mới lên