Cần thiết tăng tuổi nghỉ hưu
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTB&XH) đang tính toán đưa đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu vào Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Lao động năm 2012, trước khi trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 3, tháng 5/2017.
Cụ thể, trong Dự thảo này, Bộ LĐTB&XH sẽ điều chỉnh điều 187, đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của phụ nữ lên 58 và của nam giới là 62.
Theo quan điểm của Bộ, việc tăng này là để ứng phó với thực trạng già hóa dân số, sử dụng tốt nguồn nhân lực và tính đến chuyện "dài hơi" cân đối giữa đóng và hưởng lương hưu.
Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH cho biết phương án tăng tuổi hưu như trên từng được trình Quốc hội trong Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 nhưng không được thông qua. Do đó, lần này Bộ sẽ tính toán kĩ, hoàn thiện các phương án rồi mới trình Quốc hội.
Trả lời câu hỏi việc tăng tuổi hưu có phải xuất phát từ nguy cơ vỡ Quỹ hưu trí hay không, ông Huân thừa nhận hiện đang có những bất cập nhất định trong việc đóng và hưởng Quỹ.
Cụ thể, thời gian đóng quá ngắn mà thời gian hưởng quá dài nên dẫn đến tình trạng mất cân đối Quỹ. Vì thế, hoặc phải tăng mức đóng lên, hoặc phải giảm mức hưởng xuống. Trong hai phương án, việc lựa chọn tăng đóng bằng cách kéo dài thời gian đóng (tức tăng tuổi hưu) là một vấn đề nên lưu tâm xem xét.
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, mức lương hưu của Việt Nam hiện nay đang ở mức rất thấp, bình quân khoảng 3,8 triệu đồng/tháng, nếu tính cả lực lượng vũ trang. Còn nếu tách lực lượng này ra thì mức lương hưu còn thấp hơn nữa, dao động quanh mức 3,5 triệu đồng/tháng.
Do vậy, nếu muốn tăng mức lương hưu lên khoảng 4,5 – 5 triệu đồng/tháng, cần phải tăng phần đóng lên, ông Huân nói.
Tăng tuổi nghỉ hưu có lộ trình
Cũng theo ông Huân, ở các nước việc tăng tuổi hưu đều tuân theo một lộ trình nghiêm ngặt theo hình thức lũy tiến.
Ở nước ta, nếu Quốc hội chấp thuận, việc tăng tuổi hưu cũng sẽ được Bộ thực hiện theo lộ trình cụ thể với các bước đi thích hợp. Sẽ không có chuyện tăng tuổi hưu một cách đột ngột mà mỗi năm tăng dần vài tháng để đỡ bị ảnh hưởng.
Trước mắt, Bộ tính toán, sẽ tăng tuổi về hưu của nam giới lên 62, nữ giới lên 58 tuổi. Rồi sau này, khi điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam tốt lên, thể chất người Việt Nam tốt lên thì Bộ sẽ tiếp tục điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu lên nữa, ông Huân cho biết.
Ngoài ra, cũng theo ông Huân, việc tăng tuổi hưu cũng đã tính đến phân loại nhóm ngành nghề khác nhau như nghề độc hại và nghề tương đối nhẹ nhàng; xem xét nghỉ hưu cùng một độ tuổi để đảm bảo bình đẳng giới.
Hiện tuổi nghỉ hưu của nam là 60, nữ là 55, những trường hợp công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm… sẽ được nghỉ trước thời hạn.
Người trẻ sẽ không bị mất cơ hội
Nói về mối lo ngại nhiều người lợi dụng việc tăng tuổi hưu để "tham quyền cố vị", gây ảnh hưởng đến cơ hội của người trẻ, ông Huân cho rằng đây là những thách thức mà phải chúng ta tính toán.
Tất nhiên một vấn đề bao giờ cũng hai mặt. Mặt thuận lợi là có thể sử dụng tốt hơn những người lao động có kinh nghiệm. Nhưng mặt khác, chúng ta phải tính đến yếu tố sức khoẻ, năng suất lao động và đặc biệt là tính đến sự ảnh hưởng đến thị trường lao động, khi có nhiều người đến độ tuổi lao động, ông Huân phân tích.
Tuy nhiên ông Huân cũng nhấn mạnh rằng việc mở rộng thị trường, phát triển doanh nghiệp sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn để giải quyết vấn đề này.
Về việc tăng tuổi nghỉ hưu có giảm mức hưởng hay không, ông Huân cho biết, trong Luật cũ, mức tối đa hưởng bảo hiểm là 75% mức tiền lương bình quân đóng bảo hiểm xã hội. Đây là mức cao trên thế giới. Ở các nước trên thế giới, mức bình quân hưởng lương hưu chỉ từ 40-60%.
Nhưng do nền lương của chúng ta thấp nên mức đóng tuy là 75% thì mức lương tuyệt đối được hưởng cũng rất là thấp. Cho nên, có sự điều chỉnh trong phần hưởng. Ví dụ, trước đây tham gia bảo hiểm xã hội, nam giới là 30 năm, nữ giới là 25 năm thì đã được hưởng lương hưu tối đa 75%. Nhưng bây giờ, muốn được mức tối đa này thì nam giới phải là 35 năm, nữ giới phải là 30 năm, ông Huân nói.