Tập đoàn Tân Mai dựng chiến lược dài hạn ‘đánh chiếm’ thị phần giấy

Bảo Hưng - 18/05/2018 08:36 (GMT+7)

(VNF) - Đầu tư các nhà máy hiện đại hàng nghìn tỷ đồng, phát triển vùng nguyên liệu rộng lớn trải dài trên địa bàn các tỉnh thành phía Nam, Tập đoàn Tân Mai đang dựng chiến lược “nội địa hóa” thị trường giấy, hướng đến chuỗi đa lợi ích.

VNF

Đầu tư “khủng”

Trầm lắng một thời gian khá dài, Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai vừa trở lại với chiến lược mới quy mô và tầm nhìn dài hạn. Theo lãnh đạo tập đoàn, Tân Mai là doanh nghiệp tiên phong thực hiện việc di dời nhà máy ra khỏi thành phố Biên Hòa theo phê duyệt của Thủ tướng Chính Phủ. Sau một thời gian khó khăn do việc di dời các nhà máy, tập đoàn đã khôi phục, ổn định sản xuất.

Trong thời gian qua, Tập đoàn này đã đầu tư hàng loạt nhà máy sản xuất giấy, bột giấy tại các địa bàn trọng điểm. Đơn cử như nhà máy bột giấy và giấy Tân Mai - Kon Tum dự kiến đưa vào hoạt động năm 2020. Với tổng mức đầu tư hơn 1.306 tỷ đồng, nhà máy này sẽ sản xuất 70.000 tấn bột BCTMP/năm.

Một dự án khác là Nhà máy Giấy Tân Mai Miền Đông có tổng vốn đầu tư hơn 2.757 tỷ đồng đang được tập đoàn này đầu tư tại Long Thành, Đồng Nai với công suất 200 nghìn tấn giấy/năm sẽ hoạt động đầu năm 2020.

Dây chuyền sản xuất giấy của Tập đoàn Tân Mai

Dây chuyền sản xuất giấy của Tập đoàn Tân Mai

Trao đổi với VietnamFinance, lãnh đạo tập đoàn Tân Mai chia sẻ thêm, về dự án Nhà máy Bột giấy và Giấy Tân Mai Quảng Ngãi: Sau quá trình thực hiện đầu tư dự án Nhà máy Bột giấy và giấy Tân Mai Quảng Ngãi, do gặp khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng khu vực xây dựng nhà máy và thu hẹp diện tích trồng rừng nguyên liệu giấy nên doanh nghiệp quyết định chuyển toàn bộ dây chuyền thiết bị của nhà máy giấy Tân Mai Quảng Ngãi vào lắp đặt tại nhà máy Tân Mai Miền Đông và dây chuyền thiết bị bột BCTMP vào lắp đặt tại nhà máy Bột giấy Tân Mai Kon Tum.

Tầm nhìn dài hạn

Ông Trần Đức Thịnh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Mai cho biết, ngoài việc đầu tư các dây chuyền sản xuất hiện đại, doanh nghiệp cũng đã chủ động xây dựng vùng nguyên liệu rộng lớn để tích hợp với các nhà máy, xác định hướng đi dài hạn cho sản phẩm giấy.

Hiện nay, quỹ rừng và đất rừng do tập đoàn này quản lý lên đến hơn 31.105ha, trải dài trên địa bàn các tỉnh thành Đăk Lăk, Đăk Nông, Lông Đồng, Đồng Nam Bộ, Quảng Ngãi và Kon Tum. Trong đó bao gồm đất rừng tự nhiên, cây cao su và hơn 50% là rừng thông, keo, tạo nguồn nguyên liệu dồi dào cho các dây chuyền sản xuất giấy. Trong đó, gần 3 nghìn ha đang khai thác.

Tập đoàn Tân Mai ký kết hợp tác với các đối tác nước ngoài đưa các hệ thống xử lý môi trường hiện đại vào các nhà máy

Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng đang nắm giữ quỹ đất hơn 15.054 ha. Trong năm 2017, doanh nghiệp này đã trồng thêm hơn 542ha nguyên liệu tại các khu vực Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng và Đông Nam Bộ. Kế hoạch năm 2018, doanh nghiệp này sẽ phát triển trồng rừng gần 2 nghìn ha, khai thác rừng keo hơn 3,7 nghìn ha và nuôi dưỡng rừng thông hơn 7,6 nghìn ha. Tân Mai hướng đến việc phát triển bền vững bằng chiến lược đầu tư vùng nguyên liệu giấy với kế hoạch khai thác dài hạn 20  và 25 năm tùy loại rừng.

Theo ông Trần Thịnh Đức, chiến lược đầu tư lớn và bền vững của Tập Đoàn Tân Mai là nỗ lực của tập đoàn trong việc nội địa hóa thị trường giấy, giúp doanh nghiệp nội cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài tại thị trường nội địa. Qua đó, giúp người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm với giá thành rẻ hơn, khuyến khích ý thức bảo vệ môi trường và góp phần vào các chương trình trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc. “Trong xu hướng đa lợi ích đó, Tân Mai đặt mục tiêu là doanh nghiệp tiên phong và đã có những bước chuẩn bị kỹ càng để cạnh tranh trong dài hạn”, ông Thịnh nói.

Cùng chuyên mục
Tin khác