'Thảm hoạ tài chính' nước Anh: Khi con tàu cổ gặp bão ngoài khơi

Quỳnh Anh - 20/10/2022 20:32 (GMT+7)

(VNF) - Chiếc “đinh ba” kết hợp giữa biến động chính trị, lạm phát và lãi suất tăng cao đang đe dọa hệ thống tài chính của “con tàu cổ” Anh Quốc, đẩy thị trường trị giá nghìn tỷ USD tiến tới suy thoái trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đầy rẫy rủi ro.

VNF
Thủ tướng Anh Liz Truss và cựu Bộ trưởng Tài chính Anh Kwasi Kwarteng.

Cuộc khủng hoảng tiền tệ

Thời điểm cuối tháng 9, đặc biệt sau khi cựu Bộ trưởng Tài chính Anh Kwasi Kwarteng công bố kế hoạch “ngân sách ngắn hạn”, trong đó có việc bãi bỏ thuế suất 45% đối với các khoản thu nhập trên 150.000 bảng Anh (167.000 USD), nền kinh tế thứ 6 thế giới đã rơi vào tình trạng hỗn loạn.

Ngày 26/9, đồng bảng Anh ghi nhận mức thấp nhất mọi thời đại so với đồng USD là 1.0726 USD/bảng, khiến các nhà đầu tư bán phá giá đồng bảng và trái phiếu chính phủ Anh, vốn được coi là khoản đầu tư khá an toàn. Tình hình nghiêm trọng đến mức ngân hàng trung ương của Vương quốc Anh phải can thiệp bằng cách mua trái phiếu trị giá 65 tỷ bảng Anh (72 tỷ USD) “để khôi phục các điều kiện thị trường có trật tự” và thả nổi chương trình lương hưu của đất nước.

Sau khi kế hoạch tài chính của ông Kwarteng được công bố, Viện Nghiên cứu Tài khóa (IFS) ước tính khoản nợ công của Vương quốc Anh sẽ đạt mức 190 tỷ bảng Anh (210 tỷ USD) trong năm nay, mức cao thứ ba kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II. Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng, từ đầu tháng 8 tới cuối tháng 9, lợi suất trái phiếu 10 năm của Anh đã tăng từ mức ngang với Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha lên ngang tầm lợi suất của Italy và Hy Lạp, theo số liệu do Financial Times tổng hợp.

Theo tờ Barrons, tân Thủ tướng Anh Liz Truss dường như đã chọn sai thời điểm để thử nghiệm chính sách tài khoá mới và vô tình đặt quốc gia vào nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng đồng bảng toàn diện.

Trong vòng 10 ngày trước khi chính quyền của bà Truss tuyên bố đảo ngược chính sách cắt giảm thuế, thị trường Anh u ám đến nỗi tất cả mọi người đều đặt ra câu hỏi rằng liệu Anh có đang khủng hoảng kinh tế hay không.

Ông Larry Summers, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ, cho rằng chính sách tài chính mà Bộ trưởng Kwarteng công bố khiến Vương quốc Anh có vẻ “hơi giống một thị trường mới nổi đang tự biến mình thành một thị trường chìm”. Các nhà phân tích tại ngân hàng ING (Hà Lan) cũng nhận định “mức độ biến động đối với đồng bảng Anh tương tự với mức được coi là khủng hoảng tiền tệ tại những thị trường mới nổi”.

“Con thuyền cổ” vượt bão lớn

Nước Anh đã phải đối phó với nhiều bất ổn kinh tế, bao gồm lạm phát tăng cao (đạt mức 10,1% vào tháng 7, mức lạm phát cao kỷ lục trong vòng 40 năm), thâm hụt thương mại cao và sự phục hồi kinh tế yếu hơn mong đợi từ sau đại dịch Covid-19. Đồng thời, nước này là quốc gia có thâm hụt tài khoản vãng lai nước ngoài lớn nhất trong số các quốc gia thuộc Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), ở mức 7% GDP.

Mùa hè nắng nóng cùng hạn hán kỷ lục trong mùa hè vừa qua cũng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng tại Anh, khiến chi phí sinh hoạt ở Anh bùng nổ, đẩy nước này ngày càng gần bờ vực suy thoái kinh tế.

Không chỉ vậy, những biến động về chính trị như việc Nữ hoàng Elizabeth II qua đời, Thái tử Charles kế vị, cũng như sự thay đổi vị trí Thủ tướng Anh từ ông Boris Johnson sang bà Liz Truss, đã ảnh hưởng không nhỏ tới sự ổn định của nền kinh tế Anh.

Ngày 14/10, Bộ trưởng Tài chính Anh Kwasi Kwarteng đã bị cách chức chỉ sau 37 ngày tại nhiệm do chưa có chính sách phù hợp nhằm ứng phó cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và thúc đẩy kinh tế phát triển.

Quyết định sa thải Bộ trưởng Kwarteng được Thủ tướng Liz Truss đưa ra trong bối cảnh Chính phủ Anh đang lên kế hoạch đảo ngược các chính sách cắt giảm thuế mới mà Bộ Tài chính vừa ban hành.

Ông Desmond Lachman, cựu Phó giám đốc Phòng Rà soát và Phát triển Chính sách của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cho rằng vấn đề cơ bản đối với các sáng kiến ngân sách của Thủ tướng Truss là chúng có thể làm trầm trọng thêm vấn đề lạm phát và cán cân thanh toán của đất nước. Điều này sẽ xảy ra đồng thời trong khi chính phủ kỳ vọng các biện pháp này sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạn.

Báo cáo triển vọng kinh tế mới nhất của IMF công bố ngày 11/10 dự báo tăng trưởng Anh ở mức 3,6% vào năm 2022 và 0,3% vào năm 2023 do lạm phát cao làm giảm sức mua và chính sách tiền tệ thắt chặt hơn gây ảnh hưởng đến chi tiêu tiêu dùng và đầu tư kinh doanh. Dự báo này đã được chuẩn bị trước khi chính phủ của Thủ tướng Truss công bố chính sách tài khóa, được kỳ vọng sẽ nâng mức tăng trưởng lên phần nào so với dự báo trong thời gian tới, nhưng cũng làm phức tạp thêm cuộc chiến chống lạm phát tại nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới.

Sự bất an lan tỏa

Việc Vương quốc Anh nhanh chóng chuyển từ trạng thái ổn định sang khủng hoảng chỉ sau một lần công bố chính sách mới một lần nữa dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh cho các chính phủ trên khắp thế giới về tính hai mặt của những biện pháp thắt chặt tài khoá nhằm “hạ nhiệt” lạm phát đang được áp dụng.

Với vị thế là trung tâm tài chính lớn, cộng với vai trò của đồng bảng Anh là loại tiền tệ được giao dịch nhiều thứ ba trên thế giới, sự biến động của đồng bảng Anh thường tác động lớn đến thị trường toàn cầu. Do đó, bất kỳ rủi ro nào xảy ra với đồng bảng Anh cũng có thể khiến nhiều thị trường khác phải đối mặt với hiểm nguy.

Ông Dan Suzuki, Phó giám đốc đầu tư tại Richard Bernstein Advisors, cho biết: “Sự thất bại trong chính sách của Vương quốc Anh là động lực lớn dẫn tới thị trường diễn biến xấu trong thời gian gần đây. Lạm phát cao, tăng trưởng chậm lại và chính sách tiền tệ thắt chặt đã trở thành những biểu hiện phổ biến trên nhiều thị trường, khiến các nhà đầu tư bắt đầu lo ngại cuộc khủng hoảng tiền tệ diễn ra tại London cũng có thể xuất hiện và lây lan từ khu vực này sang khu vực khác”.

Do đó, theo các chuyên gia trong ngành, không chỉ Vương quốc Anh, mà tất cả các thị trường khác trên toàn cầu, đều cần những chính sách ổn định và thận trọng hơn, hạn chế những tác động xấu với môi trường kinh tế. Việc quan sát, dự đoán tác động từ sự thay đổi chính sách tài khoá, tiền tệ từ các nền kinh tế lớn là hết sức cần thiết để thực hiện các thay đổi kịp thời làm giảm tác động xấu, tránh thúc đẩy kinh tế toàn cầu tiến tới suy yếu và suy thoái.

Ngoài ra, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhấn mạnh rằng các chính sách tài khoá chỉ nên hoạt động đúng với mục đích cấp thiết hiện nay là kiềm chế lạm phát, thay vì đặt ra quá nhiều mục tiêu chồng chéo.

Theo đánh giá của IMF, triển vọng kinh tế toàn cầu đang ngày một tối tăm. Cơ quan này đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới xuống còn 3,2% trong năm 2022, và dự đoán nền kinh tế sẽ co lại hơn nữa trong năm 2023 với mức tăng trưởng chỉ 2,7%.

Hơn 1/3 nền kinh tế toàn cầu sẽ chứng kiến hai quý liên tiếp tăng trưởng âm, trong khi ba nền kinh tế lớn nhất sẽ tiếp tục tăng trưởng chậm lại trong năm tới. IMF cũng dự đoán rằng lạm phát toàn cầu sẽ đạt đỉnh vào cuối năm 2022, tăng từ 4,7% vào năm 2021 lên 8,8% và sẽ “tiếp tục tăng trong thời gian dài hơn dự kiến trước đây”.

Nhà kinh tế trưởng của IMF Pierre-Olivier Gourinchas cho biết: “Điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy đến, và đối với nhiều người, năm 2023 sẽ giống như một cuộc suy thoái. Môi trường toàn cầu ngày càng mong manh với những vân mây báo bão ở đường chân trời”.

Xem thêm >> Châu Âu vẫn ‘bị động’ giữa chặng đường dự trữ năng lượng

Cùng chuyên mục
Tin khác