Ngân hàng

Thấy gì từ hệ sinh thái khách hàng của Techcombank?

(VNF) – Hệ sinh thái của Techcombank phụ thuộc nhiều vào một hoặc hai công ty lớn và trong một số ngành nhất định (như bất động sản). Điều này giúp Techcombank gia tăng tỷ suất lợi nhuận, nhưng cũng khiến ngân hàng này đối mặt với rủi ro dây chuyền nếu có sự cố với khách hàng đó hoặc ngành kinh doanh đi vào giai đoạn khó khăn.

Thấy gì từ hệ sinh thái khách hàng của Techcombank?

Hệ sinh thái của Techcombank phụ thuộc nhiều vào một hoặc hai công ty lớn và trong một số ngành nhất định.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa đưa ra báo cáo đánh giá về Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).

Mở đầu báo cáo, VDSC nhận định việc sụt giảm của cổ phiếu Techcombank từ khi lên sàn chỉ là hành động chốt lãi của một số nhà đầu tư cá nhân – những người đầu tư vào Techcombank với mức giá thấp.

Về hoạt động kinh doanh, VDSC nhấn mạnh Techcombank có chiến lược rõ ràng khi cung cấp giải pháp tài chính toàn diện không chỉ cho khách hàng mà còn cả nhà cung cấp, nhà phân phối, người dùng cuối và nhân viên của khách hàng.

Điều này cho phép Techcombank có thể giữ tỷ lệ tiền mặt cao trong ngân hàng và tạo ra lợi nhuận trên tài sản có rủi ro (RWA) cao hơn so với mô hình ngân hàng truyền thống.

Như ví dụ minh họa dưới đây, với tổng số tiền vay 500 tỷ đồng cho phân khúc bất động sản, lợi nhuận trên RWAs là sự khác biệt đáng kể giữa hai mô hình kinh doanh này.

Cùng với đó, Techcombank cũng có quan hệ đối tác chặt chẽ với nhà phát triển bất động sản hàng đầu, hãng hàng không quốc gia hàng đầu của Việt Nam và một số công ty lớn/đa quốc gia khác.

Nhờ đó, ngân hàng này có thể khai thác hiệu quả mạng lưới hệ sinh thái với hai sản phẩm chính: Thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ và Các sản phẩm quản lý tài sản (trái phiếu, cổ phiếu và quỹ mở).

Đến cuối năm 2017, Techcombank chiếm hơn 82% thị phần môi giới trái phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán Hồ Chí Minh (HSX). Sản phẩm trái phiếu đáng chú ý là ibond, được phân phối cho khách hàng cá nhân.

Techcombank có thị phần lớn nhất về thị trường bancassurance, khoảng 26%. Ngân hàng đã ký kết hợp tác bancassurance dài hạn độc quyền với Manulife và ghi nhận khoản phí trả trước gần 1.500 tỷ đồng vào năm 2017.

Nhờ sự đóng góp của hai sản phẩm này, cơ cấu tổng thu nhập hoạt động (TOI) của Techcombank khá bền vững với thu nhập lãi ròng chiếm khoảng 55-60%, và còn lại là thu nhập ngoài lãi.

Năm 2017, thu nhập ngoài lãi của Techcombank chiếm gần 45% tổng thu nhập hoạt động (TOI), trong đó thu nhập dịch vụ chiếm 23,3% và tăng gần 95% so với cùng kỳ năm 2017. Không bao gồm thu nhập bất thường cho phí trả trước (trở thành bancassurance độc quyền hợp tác với Manulife), thu nhập dịch vụ tăng 21,3% và chiếm khoảng 16% tổng thu nhập hoạt động.

VDSC đánh giá, với chiến lược hệ sinh thái lấy khách hàng làm trung tâm, Techcombank đang dần thu quả ngọt: dẫn đầu trong phân khúc tư vấn phát hành trái phiếu doanh nghiệp và phân khúc bancassurrance và là ngân hàng hiệu quả có khả năng sinh lời cao NIM, ROE, và ROA cao nhất, tỷ lệ tiền gửi thanh toán (CASA) cao và tỷ lệ chi phí hoạt động trên thu nhập (CIR) thấp.

Mặc dù vậy, VDSC vẫn có một số lo ngại về lâu dài.

Thứ nhất, hệ sinh thái của ngân hàng phụ thuộc nhiều vào một hoặc hai công ty lớn và trong một số ngành nhất định (như bất động sản). Do đó, một số sản phẩm bán chéo của nó cũng xoay quanh lõi trung tâm này. Nếu có sự cố với khách hàng đó hoặc ngành kinh doanh đi vào giai đoạn khó khăn có thể sẽ dẫn đến tác động dây chuyền tiêu cực lên hoạt động của ngân hàng.

Thứ hai, sau khi bán thành công cổ phiếu quỹ cho các nhà đầu tư tài chính, vốn chủ sở hữu của Techcombank tăng đáng kể. Do đó, nếu thu nhập của ngân hàng không thể tăng trưởng đủ nhanh, tỷ suất sinh lời của ngân hàng cũng sẽ diễn biến tiêu cực.

“Với giả định vốn chủ sở hữu của Techcombank sẽ tăng hơn 80% và lợi nhuận sau thuế cao hơn kế hoạch 12% thì chúng tôi ước tính ROE của Techcombank sẽ giảm xuống dưới 20%”, VDSC cho biết.

Tin mới lên