The Economist: Già hoá dân số diễn ra tại Việt Nam khi người dân vẫn còn nghèo

Minh An - 13/11/2018 15:06 (GMT+7)

(VNF) - Việt Nam đang trở thành một trong những quốc gia có tốc độ già hoá nhanh nhất thế giới với tỷ lệ người trên 60 tuổi dự kiến đạt 21% vào năm 2040. Già hoá dân số là thách thức không thể tránh khỏi khi nền kinh tế phát triển, nhưng điều này lại diễn ra tại Việt Nam khi người dân vẫn còn nghèo – The Economist nhận định.

VNF
Người cao tuổi tập thể dục buổi sáng tại các công viên/Ảnh:The Economist

The Economist mới đây có bài viết nhận định những rủi ro đối với nền kinh tế Việt Nam khi đang phải đối diện với tình trạng già hoá dân số.

The Econimist cho rằng “ẩn sau hình ảnh những công viên luôn đầy ắp người cao tuổi tập thể dục mỗi buổi sáng là một thách thức lớn cho nền kinh tế mới nổi tại Đông Nam Á (Việt Nam – PV).

Hiện, độ tuổi bình quân tại Việt Nam là 26, số người trên 60 tuổi chỉ chiếm 12% dân số. Tuy nhiên, tỷ lệ này được dự đoán sẽ tăng lên 21% vào năm 2040, biến Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có tốc độ già hoá dân số cao nhất thế giới.

Nguyên nhân chính của tình trạng này là đời sống người dân tăng cao khiến tuổi thọ cao hơn. Độ tuổi tử vong bình quân của người Việt hiện nay là 76, trong khi vào những năm 1970 con số này là 60.

Đời sống cải thiện cũng khiến tỷ lệ sinh giảm xuống. Nếu năm 1970, mỗi phụ nữ Việt Nam sinh 7 con thì  hiện nay mỗi người chỉ sinh 2 con.

Tại Việt Nam, chính phủ đã thực thi chính sách kế hoạch hóa gia đình từ những năm 1980, qua đó giới hạn số trẻ em được sinh ra. Dù chính sách này không được thực thi triệt để như Trung Quốc nhưng số lượng người trẻ sinh ra tại Việt Nam cũng giảm rõ rệt trong thời kỳ này.

The Economist nhận định: “Đối với nhiều nền kinh tế, dân số lão hóa là một thách thức không thể tránh khỏi khi nền kinh tế phát triển, nhưng điều này lại diễn ra tại Việt Nam khi người dân vẫn còn nghèo.”

“Tại những nền kinh tế như Hàn Quốc hay Nhật Bản, khi tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động đạt mức cao nhất, mức GDP bình quân đầu người theo giá trị thực ở tương ứng vào khoảng 32.585 USD/năm và 31.718 USD/năm. Thậm chí tại Trung Quốc, GDP bình quân đầu người cũng đã vào khoảng 9.526 USD/năm khi dân số trong độ tuổi lao động ở mức đỉnh.

Riêng tại Việt Nam, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động đạt mức đỉnh năm 2013 nhưng thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 5.024 USD/năm. Trong khi đó, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động của các nước như Philippines hay Indonesia được dự đoán là sẽ đạt đỉnh trong vài chục năm tới với mức thu nhập bình quân đầu người cao hơn rất nhiều so với Việt Nam”, The Economist dẫn chứng.

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo chi tiêu cho an sinh xã hội, lương hưu sẽ khiến chi ngân sách của Việt Nam tăng 8 điểm phần trăm GDP vào năm 2050. Đây là mức chi tiêu cao nhất trong ASEAN.

The Economist ghi nhận những động thái đối phó với thách thức già hoá dân số của chính phủ Việt Nam. Năm 2017, chính sách kế hoạch hóa gia đình đã được nới lỏng. Vào tháng 5/2018, chính phủ đang xem xét nới rộng tuổi nghỉ hưu từ 55 lên 60 tuổi cho nữ giới và 60 lên 62 cho nam giới, đồng thời cải cách hệ thống lương hưu. Năm 2019, Việt Nam sẽ cải tổ hệ thống bảo hiểm cũng như an sinh xã hội.

Tuy nhiên, theo The Economist, những biện pháp nói trên chưa thực sự hiệu quả. Mấu chốt của vấn đề là thay đổi cấu trúc nền kinh tế khi lực lượng lao động giảm sút.

Thông thường, một quốc gia sẽ bước vào quá trình già hoá dân số khi họ đã chuyển đổi được từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu sang thị trường dịch vụ, sản xuất.

Tuy vậy, nền kinh tế Việt Nam hiện vẫn còn kém nhiều mặt so với các nước láng giềng dù tốc độ già hoá dân số nhanh hơn.

Khi dân số trong độ tuổi lao động của Việt Nam đạt đỉnh vào năm 2013, tỷ trọng ngành nông nghiệp vẫn chiếm 18% GDP. Trong khi đó ở vào thời điểm tương đương, tỷ lệ này của Trung Quốc chỉ là 10% GDP.

Già hoá dân số đi kèm với hạ năng suất lao động. Đây là lý do vì sao 3/4 lao động Việt Nam có việc làm nhưng năng suất lao động lại giảm so với trước. Tại Malaysia, hiện tượng này chỉ diễn ra khi 1/2 lao động có việc làm.

Theo The Econimist, rủi ro chưa giàu đã già đang khiến tình hình ở Việt Nam đáng báo động hơn bao giờ hết. Việt Nam sẽ còn phải làm rất nhiều để cải thiện tình hình nhằm đối phó với thách thức già hóa dân số và giảm năng suất lao động.

Cùng chuyên mục
Tin khác