'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Trong vòng 7 ngày qua, theo trang thống kê worldometers.info, toàn thế giới ghi nhận hơn 3,7 triệu ca nhiễm Covid-19 mới, giảm 7% so với số ca của tuần trước. Số ca mắc giảm cũng là xu hướng chung tại hầu hết quốc gia trên thế giới, ngoại trừ một số quốc gia như Ấn Độ, Chile, Đức, Italy.
Tính theo quốc gia, trong tuần từ 4-11/6, 3 quốc gia có số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 nhiều nhất là Mỹ (722.000 ca), Đài Loan (487.000 ca) và Triều Tiên (432.000 ca).
Xét theo khu vực, châu Á vẫn là khu vực ghi nhận nhiều ca mắc Covid-19 nhất trong tuần với hơn 1,2 triệu ca, theo sau là châu Âu với gần 1 triệu ca và châu Mỹ với 810.000 ca nhiễm. Tuy nhiên, so với tuần trước, tỷ lệ tăng ca nhiễm tại châu Á lại giảm 19%, trong khi châu Âu và châu Mỹ tăng lần lượt 3% và 0,9%.
Theo xu hướng giảm ca nhiễm mới của thế giới, nhiều quốc gia vẫn tiếp tục nới lỏng các biện pháp phòng dịch.
Ngày 7/6, Bộ Y tế Campuchia thông báo quốc gia Đông Nam Á này đã loại bỏ Covid-19 sau khi bệnh nhân cuối cùng mắc căn bệnh này đã bình phục và không ghi nhận ca nhiễm mới trong vòng 31 ngày liên tiếp. Kể từ khi đại dịch bùng phát vào tháng 1/2020 đến nay, quốc gia Đông Nam Á này đã ghi nhận tổng cộng 136.262 ca mắc, trong đó có 133.206 bệnh nhân đã bình phục và 3.056 ca tử vong.
Từ ngày 12/6, Mỹ sẽ gỡ bỏ quy định khách tới Mỹ bằng đường hàng không phải có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong vòng 24 giờ trước khi bay. Quyết định này được đưa ra sau 17 tháng thực hiện nghiêm ngặt việc xét nghiệm hàng không, trong bối cảnh CDC Mỹ đánh giá việc xét nghiệm đã trở nên không còn cần thiết. Tuy nhiên, 30 ngày sau khi áp dụng quy định mới, CDC Mỹ sẽ đánh giá lại tình hình để xem có nên tiếp tục áp dung hay không.
Trái lại, Trung Quốc tiếp tục giữ nguyên “hàng rào” phòng dịch nghiêm ngặt tại thủ đô Bắc Kinh và một số thành phố trọng yếu. Trong tuần vừa qua, do một số ca mắc mới tiếp tục được ghi nhận tại Thượng Hải, việc dỡ bỏ các hạn chế phòng dịch tại thành phố này đã bị tạm dừng, thay vào đó, một số khu vực tiếp tục bị phong toả trở lại và các cuộc xét nghiệm diện rộng lại được tổ chức.
Còn tại Bắc Kinh, việc phát hiện hàng chục ca nhiễm liên quan tới một quán bar, số ca nhiễm mới bất ngờ tăng trở lại đã khiến tiến trình trở lại trường học của các học sinh khu vực này bị tạm hoãn. Theo kế hoạch, trẻ em tại đây sẽ trở lại trường vào tuần tới. Ủy ban Y tế quốc gia (NHC) cho biết ngày 11/6, Trung Quốc ghi nhận 138 ca lây truyền trong cộng đồng, trong đó có 61 ca tại Bắc Kinh và 16 ca tại Thượng Hải.
Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu mới nhất được công bố hôm 7/6, Ngân hàng Thế giới (WB) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu gần 1/3 xuống còn 2,9% cho năm 2022, cảnh báo rằng cuộc xung đột Nga - Ukraine đã khiến thiệt hại do đại dịch Covid-19 trở nên trầm trọng hơn và nhiều quốc gia hiện phải đối mặt với suy thoái.
Tăng trưởng ở các nền kinh tế tiên tiến được dự báo sẽ giảm mạnh xuống 2,6% vào năm 2022 và 2,2% vào năm 2023 sau khi đạt 5,1% vào năm 2021. So với mức dự báo gần đây nhất hồi tháng 1 là 3,3%, có thể thấy World Bank đang đưa ra mức dự đoán ngày càng ảm đạm cho kinh tế toàn cầu.
Tăng trưởng của Mỹ bị hạ xuống 2,5% vào năm 2022, giảm từ mức 5,7% vào năm 2021, trong khi khu vực đồng EUR sẽ tăng trưởng 2,5% trong năm nay sau mức 5,4% của năm ngoái. Nền kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 4,3% vào năm 2022 sau khi tăng trưởng 8,1% vào năm 2021.
Thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng chỉ 3,4% vào năm 2022, giảm từ mức 6,6% vào năm 2021 và thấp hơn nhiều so với mức trung bình hàng năm là 4,8% trong giai đoạn 2011-2019.
Dự báo tăng trưởng năm 2022 được WB điều chỉnh giảm ở gần 70% các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển do những tác động từ cuộc chiến tại Ukraine, các lệnh phong toả phòng Covid-19 ở Trung Quốc, gián đoạn chuỗi cung ứng và nguy cơ gia tăng của lạm phát đình trệ.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass cho biết: "Nguy cơ lạm phát đình trệ hiện đang ở mức đáng kể” do lạm phát đang ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ ở một số quốc gia và nguồn cung dự kiến tăng chậm, đồng thời việc tăng lãi suất cần thiết quá cao để kiểm soát lạm phát có thể gây nên một cuộc suy thoái toàn cầu như năm 1982.
Ngày 9/6, Hãng thông tấn Sputnik đưa tin Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ký sắc lệnh kích hoạt quyết định của Hội đồng Quốc phòng và An ninh quốc gia nước này về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt cá nhân đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin và một loạt quan chức Nga.
Theo đó, các biện pháp trừng phạt bao gồm việc phong tỏa tài sản, cấm các hoạt động xuất nhập khẩu, cũng như ngăn chặn việc rút vốn khỏi Ukraine. Lệnh trừng phạt này sẽ có hiệu quả vô thời hạn với các cá nhân có trong danh sách, trừ khi được phía Kiev dỡ bỏ.
Các cá nhân bị trừng phạt bao gồm Tổng thống Nga Vladimir Putin, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, Thủ tướng Mikhail Mishustin, Ngoại trưởng Sergei Lavrov, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu, các phó thủ tướng và bộ trưởng cũng như những quan chức khác của Nga. Hơn một nửa số trường đại học Nga và người đứng đầu các cơ sở giáo dục đại học cũng nằm trong danh sách trừng phạt.
Theo Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba, “việc Nga muốn chiến đấu ở Ukraine tới người Nga cuối cùng” rõ ràng là dấu hiệu cho thấy các biện pháp trừng phạt hiện tại cần được gia tăng. Ông Dmytro, thông qua phát ngôn về lệnh trừng phạt mới, cũng kêu gọi các quốc gia phương Tây tiếp tục giáng các đòn trừng phạt nặng nề khác lên Moscow.
Trước các lệnh trừng phạt từ phía Kiev, Điện Kremlin chưa lên tiếng bình luận. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng Moscow sẽ sớm đáp trả các lệnh trừng phạt này.
Cũng theo các nhà phân tích, dù các biện pháp trừng phạt của Ukraine chỉ mang tính tượng trưng và dường như không có nhiều tác động thực tế lên Nga nhưng điều này có thể làm phức tạp khả năng nối lại đàm phán giữa 2 nước.
Ngày 10/6, Bộ Lao động Mỹ thông báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 8,6% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái. CPI lõi (không tính giá thực phẩm và nhiên liệu) tăng 6%. Cả hai chỉ số này đều cao hơn tháng 4 và cũng là cao nhất kể từ tháng 12/1981.
Theo số liệu từ Bộ Lao động, giá năng lượng tại Mỹ đã tăng 34,6% trong năm qua, tốc độ tăng nhanh nhất kể từ tháng 9/2005, trong khi lương thực tăng 10,1%, lần đầu tiên vượt mức 10% kể từ tháng 3/1981. Chi phí thuê nhà và các chi phí khác liên quan đến chỗ ở, cũng tăng 5,5%, đạt mức cao nhất kể từ năm 1991.
Những số liệu đáng lo ngại về nền kinh tế Mỹ đã gây thêm sức ép Cục Dự trữ liên bang (Fed) về việc phải tăng lãi suất tiếp để kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, nếu tăng lãi suất quá nhanh và mạnh, cơ quan này sẽ đẩy Mỹ vào suy thoái. Đây là rủi ro được cảnh báo liên tục gần đây.
Một số nhà kinh tế cho rằng Mỹ sẽ rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế vào năm 2023.
Ngày 11/6, phát biểu tại buổi thăm cảng tại Los Angeles, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng 2 nguyên nhân hàng đầu khiến lạm phát tại Mỹ tăng mạnh là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và “chiến dịch quân sự của ông Putin tại Ukraine” làm tăng giá xăng và lương thực.
Theo ông Biden, chính phủ của ông hiện đang làm hết sức để giảm giá cả cho người dân Mỹ và khẳng định chống lạm phát là ưu tiên hàng đầu của chính quyền. Tuy nhiên, trong một cuộc thăm dò của ABC News công bố tuần trước, hiện chỉ 29% người dân Mỹ thể hiện sự tin tưởng với cách xử lý lạm phát của vị Tổng thống đương nhiệm.
Không chỉ lạm phát lập kỷ lục, mà giá xăng tại Mỹ trong vòng 2 ngày gần đây cũng khiến người tiêu dùng phải “choáng váng”.
Theo dữ liệu từ Hiệp hội Ôtô Mỹ (AAA), giá xăng ở Mỹ đã tăng vọt trong tháng 5, khoảng 4,1%, đạt mức trung bình khoảng 4,37 USD/gallon. Ngày 10/6, giá xăng trung bình vào khoảng 4,986 USD/gallon. Đến ngày 11/6, giá trung bình trên toàn nước Mỹ đối với xăng không chì thông thường đã tăng lên 5,004 USD/gallon, lần đầu tiên vượt mức 5 USD trong lịch sử.
Giá xăng tăng mạnh đã và đè nặng lên chính quyền Tổng thống Biden, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát liên tục tăng và trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới đây.
Chính quyền Tổng thống đương nhiệm đã thực hiện nhiều cách để làm giảm giá năng lượng như kêu gọi OPEC tăng sản lượng và xả kho dự trữ dầu quốc gia cùng các đồng minh, tuy nhiên các biện pháp này, hoặc không đem lại kết quả, hoặc chỉ tác động rất ít tới giá xăng dầu trong thời gian ngắn.
Đặc biệt, cuộc chiến tại Ukraine của Nga và các lệnh cấm vận đối với dầu mỏ của Moscow từ phía Mỹ và các đồng minh cũng khiến nguồn cung xăng dầu thế giới thêm hạn hẹp, gây nên những tác động xấu với giá năng lượng thế giới và trong nước.
Theo đánh giá của các chuyên gia, nhu cầu về xăng dầu tại Mỹ hiện tại đang tăng cao, tạo đà cho giá tăng thêm. Tuy nhiên, nếu giá xăng duy trì ở mức trên 5 USD trong một thời gian nữa, điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ giảm và khiến giá giảm theo.
Ông Reid L'Anson, nhà kinh tế cấp cao tại Kpler, cho biết: “Mức 5 USD là khi chúng ta có thể thấy nhu cầu dùng xăng bị tác động rất nặng nề”.
Trước tình hình giá xăng dầu trong nước lập đỉnh mới, Tổng thống Joe Biden đã chỉ trích các công ty xăng dầu, chỉ đích danh ExxonMobil vì đã lựa chọn lợi nhuận thay vì giúp đỡ người dân.
“Năm nay Exxon kiếm được quá nhiều tiền. Tại sao họ không khai thác, khoan thêm mỏ dầu đi? Bởi vì họ đang kiếm được nhiều tiền hơn nhờ vào chuyện không sản xuất thêm xăng dầu. Exxon, trả tiền thuế của các ông và bắt đầu bỏ tiền ra đầu tư đi", Reuters trích lời ông Biden.
Xem thêm >> Chứng khoản Mỹ và châu Âu đỏ lửa trước nỗi lo lạm phát
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.