Thế khó của dệt may Việt Nam trước cơ hội EVFTA: Các địa phương từ chối dự án dệt nhuộm

Lê Nguyễn - 10/06/2020 11:28 (GMT+7)

(VNF) - Việc không chào đón các dự án dệt nhuộm của các địa phương là rào cản lớn trong phát triển công nghiệp hỗ trợ của ngành dệt may khiến cho ngành khó có thể tự chủ được nguyên liệu để đáp ứng các quy định về quy tắc xuất xứ và hưởng lợi ích về thuế suất.

VNF
Thế khó của dệt may Việt Nam trước cơ hội EVFTA: Các địa phương từ chối dự án dệt nhuộm

Quốc hội Việt Nam đã biểu quyết thông qua 2 hiệp định với Liên minh châu Âu (EU) là EVFTA và EVIPA hôm 8/6. Đây là các hiệp định quan trọng, giúp Việt Nam tiến sâu vào thị trường EU.

Dệt may là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), EU là thị trường có quy mô lớn nhất về nhu cầu tiêu thụ hàng dệt may (250 tỷ USD), trong đó bên cạnh thương mại nội khối chiếm 40%, lượng nhập khẩu còn lại đến từ các nước ngoài khối EU, chủ yếu là các nước đang phát triển.

Việt Nam mới chiếm thị phần khiêm tốn thị trường EU, khoảng 2% lượng nhập khẩu từ ngoài khối EU. Năm 2019, xuất khẩu hàng dệt, may của Việt Nam sang EU đạt 4,3 tỷ USD, tăng 3,8% so với năm trước.

Với EVFTA, hàng dệt may Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn hàng của Trung Quốc và cạnh tranh ngang bằng về giá với các nước hiện đang được hưởng thuế 0% như Campuchia, Bangladesh.... Việt Nam lại có lợi thế hơn các nước này về tay nghề cao, chất lượng bảo đảm.

Cụ thể, hiện nay Bangladesh, Campuchia, Pakistan đều có lợi thế về ưu đãi thuế nhập khẩu so với Việt Nam khi xuất khẩu vào EU. Bangladesh và Campuchia được hưởng chế độ miễn thuế nhập khẩu theo chương trình EBA (viết tắt của chương trình Everything but Arms - Miễn thuế tất cả các mặt hàng trừ vũ khí), Pakistan cũng được miễn thuế nhập khẩu theo chương trình GSP+.

Việt Nam mặc dù cũng được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan GSP nhưng chỉ là “GSP tiêu chuẩn - Standard GSP” ở mức 9,6%. Việc áp dụng các chế độ ưu đãi thuế quan GSP+ và EBA giúp các quốc gia được hưởng này có lợi thế cạnh tranh lớn về giá so với Việt Nam.

Theo cam kết trong EVFTA, hàng dệt may vào EU sẽ được giảm ngay về 0% khoảng 42,5% số dòng thuế, còn lại sẽ giảm dần về 0% trong 5-7 năm.

Các mặt hàng có mức thuế 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực tập trung vào nguyên liệu và sản phẩm may mặc như đồ lót, áo choàng tắm, quần áo ngủ, mặc trong nhà, đồ bơi, khăn tay, khăn choàng và cavat (trừ loại tơ tằm), găng tay, quần tất, quần áo trẻ em, áo blouse hoặc sơ mi dệt kim dành cho nữ hoặc trẻ em gái…

Sau khi EVFTA có hiệu lực, hàng dệt may đang được hưởng Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập GSP sẽ tiếp tục được hưởng hết 2 năm sau khi EVFTA có hiệu lực. Do vậy, trong thời gian này, doanh nghiệp có thể lựa chọn chương trình nào có mức thuế ưu đãi hơn để áp dụng.

Tuy nhên, thách thức đối với ngành dệt may Việt Nam cũng là không nhỏ.

Quy tắc xuất xứ trong EVFTA là quy tắc tương đối chặt “từ vải trở đi”, tức vải nguyên liệu được dùng để may quần áo phải được dệt tại Việt Nam hoặc các nước thành viên EU. Đồng thời, sản phẩm dệt may cần đáp ứng tiêu chí công đoạn gia công chế biến cụ thể quy định tại hiệp định.

Đây là thách thức không nhỏ của ngành dệt may Việt Nam do hiện nay ngành vẫn phải chủ yếu dựa vào nhập khẩu vải và nguyên phụ liệu do chưa chủ động nguồn cung trong nước, trong khi các đơn hàng chủ yếu làm gia công và việc sử dụng vải và nguyên liệu theo chỉ định của khách hàng nước ngoài.

Điểm tựa lớn để giải bài toán thiếu hụt vải và hưởng ưu đãi là được sử dụng vải nhập khẩu tại Hàn Quốc (quốc gia đã có FTA với EU) để cắt may tại Việt Nam. Tuy vậy, tỷ lệ nhập khẩu vải từ Hàn Quốc hiện nay chưa cao, doanh nghiệp đang ưu tiên nhập vải từ Trung Quốc do giá thấp hơn, lại có lợi thế hơn về địa lý và mẫu mã phong phú đa dạng.

Bên cạnh đó, việc không chào đón các dự án dệt nhuộm của các địa phương là rào cản lớn trong phát triển công nghiệp hỗ trợ của ngành dệt may khiến cho ngành khó có thể tự chủ được nguyên liệu để đáp ứng các quy định về quy tắc xuất xứ và hưởng lợi ích về thuế suất.

Một số thách thức trong ngắn hạn là sự cạnh tranh gay gắt từ các nước vẫn đang được hưởng thuế ưu đãi 0%; sau Covid-19, tiêu dùng của người dân có sự thay đổi, nhu cầu mua sắm giảm xuống do người dân tiết kiệm chi tiêu hơn; Việt Nam chưa tham gia được vào chuỗi giá trị ở phân khúc cao cấp…

Cùng chuyên mục
Tin khác