Thị trường cạn tiền, ngân hàng tính cách thu nghìn tỷ để tăng vốn

Minh Dũng - 09/05/2023 23:23 (GMT+7)

(VNF) - Cuộc đua tăng vốn điều lệ của các ngân hàng tiếp tục diễn ra sôi động ngay từ đầu năm 2023. Tuy nhiên, các ngân hàng vẫn gặp không ít thách thức trong việc tăng cường nội lực tài chính.

VNF

Ngân hàng chạy đua tăng vốn điều lệ

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ cho nhóm 4 ngân hàng thương mại (NHTM) có vốn nhà nước (VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank).

Đồng thời, NHNN cũng chỉ đạo Vietcombank, VietinBank và BIDV xây dựng phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đối với Agribank, ngày 25/4, Chính phủ đã ban hành nghị quyết về đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho ngân hàng này. Theo đó, Thống đốc NHNN sẽ thừa uỷ quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội về bổ sung vốn điều lệ cho Agribank giai đoạn 2021-2023 thêm 17.100 tỷ đồng.

Với Vietcombank, tại ĐHĐCĐ năm 2023, Chủ tịch Phạm Quang Dũng cho biết, kế hoạch tăng vốn của Vietcombank triển khai 3 nội dung: tăng vốn từ nguồn lợi nhuận năm 2020 và lợi nhuận còn lại của năm 2019 với tỷ lệ phát hành 18,1% đã được Chính phủ thông qua; tăng vốn theo lợi nhuận của năm 2021 và lợi nhuận lũy kế còn lại đến trước trước năm 2018 với mức tăng khoảng 27.000 tỷ đồng.

Còn BIDV có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên hơn 61.557 tỷ trong năm 2023 theo 2 đợt phát hành cổ phiếu. Đợt 1, ngân hàng sẽ phát hành gần 642 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông, tỷ lệ 12,69% số cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm 31/12/2022; vốn điều lệ sẽ tăng thêm hơn 6.419 tỷ đồng. Đợt 2, BIDV phát hành riêng lẻ hoặc chào bán ra công chúng hơn 455 triệu cổ phiếu, vốn điều lệ theo phương án này sẽ tăng thêm 4.552 tỷ đồng. Ngoài ra, ngân hàng này cũng dự kiến dùng 11.634 tỷ đồng lợi nhuận để lại năm 2022 để chi trả cổ tức bằng cổ phiếu, tương đương với tỷ lệ 23% so với vốn điều lệ tại ngày 31/12/2022.

ĐHĐCĐ của VietinBank cũng thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ năm 2023. Nếu các kế hoạch tăng vốn thành công, vốn điều lệ của VietinBank sẽ tăng từ 48.058 tỷ đồng lên 66.030 tỷ đồng.

Như vậy, các phương án tăng vốn điều lệ nếu được thực hiện thành công, vốn điều lệ của nhóm NHTM nhà nước sẽ tăng mạnh trong năm 2023.

Ở khối NHTM cổ phần, việc tăng vốn điều lệ diễn ra sôi động hơn. Nhiều ngân hàng lên kế hoạch tăng thêm hàng nghìn tỷ đồng vốn điều lệ.

Đơn cử, VPBank dự kiến tăng thêm khoảng 12.207 tỷ đồng, để đưa vốn điều lệ từ 67.434 tỷ đồng lên hơn 79.339 tỷ đồng.

ĐHĐCĐ thường niên 2023 của TPBank cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 6.199 tỷ đồng, lên 22.016 tỷ đồng thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu.

ĐHĐCĐ của MB cũng thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm 2023 thêm 9.023,5 tỷ đồng. Nếu kế hoạch thuận lợi, vốn điều lệ của MB sẽ tăng từ 45.339 tỷ đồng lên 53.683 tỷ đồng.

Năm 2023, VIB cũng thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ gần 21.077 tỷ đồng lên 25.368 tỷ đồng.

Một số ngân hàng khác cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm 2023 như SHB từ 30.673,8 tỷ đồng lên hơn 36.194,2 tỷ đồng; SeABank lên 5.500 tỷ đồng; ACB là hơn 5.066,15 tỷ đồng; HDBank là hơn 3.972,89 tỷ đồng; Techcombank là hơn 35.225 tỷ đồng; Bac A Bank gần 9.900 tỷ đồng....

Số liệu từ NHNN cho thấy, tính đến hết năm 2022, vốn điều lệ của toàn hệ thống ngân hàng đạt 876.993 tỷ đồng, tăng 13,04% so với cùng kỳ.

Trong đó, vốn điều lệ của khối NHTM có vốn nhà nước đạt 190.433 tỷ đồng, tăng 5,75% so với cùng kỳ năm 2021. Còn khối NHTM cổ phần có tổng vốn điều lệ đạt 469.409 tỷ đồng, tăng 19,26% so với cùng kỳ năm 2021.

Thách thức không nhỏ

Theo giới phân tích, tăng vốn luôn là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của các nhà băng trong nhiều năm lại đây, nhằm đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắc khe hơn của ngành ngân hàng về an toàn hoạt động, tăng cường hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) và đáp ứng tiêu chuẩn Basel 2, đồng thời có thêm nguồn lực tài chính quan trọng để mở rộng hoạt động kinh doanh.

Thời gian qua, các NHTM rất tích cực tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính. Nhưng so với các ngân hàng trong khu vực, bộ đệm vốn của ngân hàng Việt vẫn còn mỏng. Trong khi các nước trong khu vực đã thực hiện Basel 3 hoặc một phần Basel 3 thì Việt Nam mới thực hiện Basel 2. 

Trong môi trường rủi ro tín dụng và kinh tế có nhiều biến động như hiện nay, áp lực tăng vốn đè nặng lên các ngân hàng ngày một tăng. Điều này đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất đối với tăng trưởng trong năm nay và những năm tiếp theo của các ngân hàng.

Cách thức tăng vốn chủ yếu là chi trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ từ 10-50% và phát hành thêm cổ phiếu riêng lẻ. Song không phải nhà băng nào cũng tăng vốn thành công, có ngân hàng chỉ hoàn thành một phần kế hoạch.

Năm 2022, không có nhiều ngân hàng hoàn thành kế hoạch tăng vốn khi chỉ có 15 trong 27 ngân hàng tăng vốn điều lệ. Ở nhóm ngân hàng thương mại nhà nước, chỉ có Vietcombank tăng vốn điều lệ thêm 28%. Nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân bình quân tăng trưởng khoảng 21% (năm 2021 là 25%).

Trong năm 2023, phương án phát hành thêm cổ phiếu riêng lẻ sẽ phụ thuộc nhiều vào diễn biến trên thị trường chứng khoán mà thị trường chứng khoán gần đây không mấy thuận lợi. Do đó, thách thức tăng vốn hiện nay với các ngân hàng là không nhỏ.

Ngoài ra, theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, nợ xấu gia tăng cũng tiềm ẩn rủi ro an toàn hệ thống. Tính đến cuối tháng 2, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 2,91% (tăng so với mức 2,46% vào cuối năm 2016; mức 1,49% vào cuối năm 2021 và mức 2% vào cuối năm 2022). Bên cạnh đó, hệ số an toàn vốn CAR của nhiều ngân hàng cũng vẫn đang ở mức thấp.

Thời gian tới, việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng là hết sức cần thiết giúp các nhà băng phát triển lành mạnh, mở rộng hoạt động kinh doanh, tăng khả năng chống chịu trong một nền kinh tế đầy biến động. Vốn điều lệ cao sẽ là “bộ đệm” giúp cho các ngân hàng có thêm nguồn lực để chống chọi với những khó khăn, thách thức, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Cùng chuyên mục
Tin khác