Thị trường tài chính tiêu dùng hút vốn ngoại

Việt Phong - 04/12/2017 10:17 (GMT+7)

Thị trường tài chính tiêu dùng, nhất là hoạt động cho vay tiêu dùng tại các công ty tài chính (CTTC) ở Việt Nam đang trên đà phát triển. Đây được coi là mảnh đất "màu mỡ", được nhiều quỹ đầu tư cũng như nhà đầu tư nước ngoài nhắm đến.

VNF
Khách hàng tìm hiểu sản phẩm cho vay tiêu dùng.

Xu hướng vay tiêu dùng

Vay tiêu dùng đang dần trở thành kênh tín dụng được nhiều người dân Việt Nam, nhất là những người trẻ tuổi nhắm đến. Trong thời điểm cuối năm, nhu cầu này càng "nở rộ". Nắm bắt tính chất mùa vụ, không ít CTTC đã kết hợp đối tác là các nhà sản xuất, đơn vị bán lẻ,… đưa ra nhiều sản phẩm, dịch vụ với mức lãi suất cạnh tranh, kèm ưu đãi và quà tặng nhằm thu hút khách hàng.

Theo chị Nguyễn Thị Nga, ở quận Thanh Xuân (Hà Nội), trước đây, vào mỗi dịp mua sắm cuối năm, vợ chồng chị phải cân nhắc tiềm lực tài chính gia đình để lựa chọn sản phẩm ưu tiên mua sắm. 2 năm nay, chị lựa chọn vay trả góp từ các CTTC để mua sắm vật dụng gia đình. "Tết năm ngoái, tôi mua một chiếc tủ lạnh trị giá gần 20 triệu đồng, trả góp trong vòng sáu tháng. Năm nay, tôi cũng đang tìm hiểu và dự định mua trả góp thêm chiếc máy giặt loại tốt" - chị Nga chia sẻ.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, thị trường tài chính tiêu dùng phát triển sẽ mang lại lợi ích cho các bên tham gia là: Người tiêu dùng, tổ chức tài chính và nền kinh tế. Việt Nam được đánh giá sẽ tiếp tục hấp dẫn các nhà phát triển tín dụng tiêu dùng với số lượng người trưởng thành sinh sống ở đô thị chiếm gần 20% tổng dân số. Đây là nguồn khách hàng tiềm năng sử dụng các dịch vụ tài chính. Con số này được dự kiến tiếp tục tăng theo quy mô đô thị hóa ở Việt Nam...

Hút dòng vốn ngoại

Việc các CTTC ngày càng gia tăng thị phần cho vay tiêu dùng cũng đặt ra yêu cầu về nguồn vốn đầu vào rất lớn. Vì các tổ chức này không được phép huy động nguồn vốn trực tiếp từ người dân, cho nên cung vốn chủ yếu từ các tổ chức tín dụng hoặc các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Để gia tăng nguồn lực, một mặt, các CTTC sẽ tự tìm kiếm đối tác kinh doanh. Mặt khác, bởi sự hấp dẫn của "mảnh đất" tài chính tiêu dùng mà gần đây, nhiều tổ chức nước ngoài lựa chọn CTTC là địa điểm rót vốn đầu tư. Như Ngân hàng Shinsei Bank - một nhà đầu tư từ Nhật Bản đã rót vốn mua 49% vốn góp tại MCredit (CTTC của ngân hàng MB). Sau thương vụ này, MCredit được đổi tên thành Công ty TNHH Tài chính tiêu dùng MB Shinsei. 

Hay Công ty Credit Saison Co., Ltd của Nhật Bản cũng nhận mua 49% vốn điều lệ của HDFinance từ HDBank. Ngân hàng TechcomBank cũng chính thức xác nhận thực hiện thương vụ chuyển nhượng toàn bộ vốn tại CTTC TechcomFinance cho Lotte Card (Hàn Quốc),… 

Đáng chú ý, mới đây, sau khi hoàn tất thủ tục vay hợp vốn có thời hạn trị giá 100 triệu USD với Credit Suisse, FE Credit lại tiếp tục tiếp nhận khoản vay vốn trị giá 100 triệu USD từ đối tác Deutsche Bank. "Khoản vay sẽ góp phần gia tăng tiềm lực tài chính cho FE Credit, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục phát triển kinh doanh và củng cố vị trí dẫn đầu thị trường trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng" - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc FE Credit Kalidas Ghose cho biết.

Các nhà đầu tư nước ngoài cũng đánh giá cao tiềm năng phát triển thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam. Theo ông Sreenivasan Iyer, Giám đốc điều hành kiêm Giám đốc Khối Tài chính doanh nghiệp khu vực Đông - Nam Á của Deutsche Bank, 100 triệu USD dành cho FE Credit cũng là khoản cho vay lớn nhất của Deutsche Bank trong ngành tài chính tiêu dùng từ trước đến nay tại Việt Nam.

Có thể thấy, việc các CTTC thu hút được nguồn vốn từ nước ngoài không chỉ có ý nghĩa đối với chính doanh nghiệp, mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Trước đây, khó khăn trong việc huy động vốn khiến không ít CTTC hoạt động kém lành mạnh, dẫn đến mất niềm tin khách hàng. 

Một trong những lý do chính khiến lãi suất cho vay của các CTTC cao là do vốn đầu vào cao, trong khi rủi ro từ hoạt động huy động vốn của các CTTC không phải ít. Việc các CTTC huy động được nguồn vốn lớn từ nhà đầu tư nước ngoài có uy tín sẽ giúp họ có nguồn lực mạnh hơn, từ đó, các chiến lược kinh doanh được xây dựng hấp dẫn hơn, với mức lãi suất cho vay tốt hơn.

Trên thị trường, hiện có khoảng 12 CTTC đang hoạt động; gần 80% thị phần tài chính tiêu dùng do 3 đơn vị là FE Credit, Home Credit và HD Saison nắm giữ. Song, các phân tích cho thấy, với việc tham gia thị trường của các tên tuổi lớn như Lotte, Shinsei Bank, Shinhan Bank,… trong vòng vài năm tới "miếng bánh" thị phần tài chính tiêu dùng sẽ có nhiều sự chuyển dịch. 

Sự cạnh tranh sẽ diễn ra, kéo theo những thay đổi tích cực về hoạt động kinh doanh, cơ chế lãi suất,… nhằm giành thị phần. Và khi đó, đối tượng được hưởng lợi trực tiếp không ai khác chính là những người tiêu dùng trong nước.

Theo Nhân dân
Cùng chuyên mục
Tin khác