Thiết bị Bưu điện - Postef: Từ cú IPO lịch sử đến dự án gây tranh cãi trên khu đất 'kim cương' Hà Nội

Việt Anh - 08/04/2022 08:26 (GMT+7)

(VNF) - Nhà máy thiết bị Bưu điện (tiền thân của Postef) là đơn vị đầu tiên tiến hành đấu giá cổ phần trên Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội vào năm 2005. Mới đây, Postef trở thành tâm điểm chú ý khi thi công phá dỡ công trình tại khu đất 'kim cương' số 61 Trần Phú, Hà Nội.

VNF
Thiết bị Bưu điện - Postef: Từ cú IPO lịch sử đến dự án gây tranh cãi trên khu đất 'kim cương' Hà Nội

Cú IPO lịch sử của Postef

Với những nhà đầu tư "gạo cội", đã theo dõi thị trường chứng khoán từ giai đoạn đầu thành lập thì năm 2005 đánh dấu cột mốc trưởng thành mới, chứng kiến một sự kiện đã làm thay đổi mạnh mẽ tương lai phát triển của toàn thị trường, đó là sự ra đời của Trung tâm Giao dịch Chứng khoán (TTGDCK) Hà Nội, tiền thân của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

Theo đó, ngày 8/3/2005, sau nhiều năm chuẩn bị kĩ lưỡng, TTGDCK Hà Nội đã đi vào hoạt động với sứ mệnh tạo dựng nên sàn giao dịch chứng khoán phi tập trung (OTC), là sân chơi thứ hai của các doanh nghiệp, bên cạnh Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP. HCM - sàn giao dịch đầu tiên của Việt Nam, lúc này đã gần 7 năm tuổi.

Do hoạt động theo mô hình thị trường phi tập trung, các quy định và thủ tục tham gia TTGDCK Hà Nội đơn giản hơn rất nhiều so với TTGDCK TP. HCM, giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa dễ dàng tiếp cận thị trường huy động vốn đầy tiềm năng này. Cụ thể, các doanh nghiệp cổ phần khi đó chỉ cần vốn điều lệ 5 tỷ đồng trở lên, có 50 cổ đông bên ngoài và làm ăn có lãi 1 năm trước khi đăng ký giao dịch là đã đủ đáp ứng các yêu cầu để chào sàn.

Cơ chế tương đối thông thoáng này là để hướng tới tệp khách hàng bao gồm các doanh nghiệp mới thành lập, quy mô vốn còn nhỏ và đặc biệt là các doanh nghiệp đã được cổ phần hóa từ trước, với số lượng ước tính trên 2.240 đơn vị.

Thêm vào đó, năm 2005 cũng là thời điểm Chính phủ quyết định chi tiết về hoạt động rao bán cổ phần của các doanh nghiệp, trong đó nổi bật là chính sách buộc các doanh nghiệp muốn bán cổ phần có khối lượng 10 tỷ đồng trở lên phải thực hiện đấu giá qua TTGDCK.

Không chỉ nhằm tối đa hóa giá trị vốn của doanh nghiệp, TTGDCK từng bước được xây dựng trở thành sân chơi an toàn, hiệu quả đối với nhà đầu tư, là chất xúc tác đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, trở thành động lực phát triển lớn của thị trường chứng khoán trong tương lai.

Được biết từ năm đầu thành lập, TTGDCK Hà Nội dự kiến sẽ đón khoảng 20 doanh nghiệp tiến hành chào bán cổ phiếu, là số lượng không hề nhỏ khi sàn giao dịch TP. HCM lúc này chỉ ghi nhận chưa đầy 30 doanh nghiệp đang niêm yết.

Trong đó, thương vụ đầu tiên "mở hàng" cho TTGDCK Hà Nội ngay tại ngày khai trương là cuộc đấu giá cổ phần Nhà máy thiết bị Bưu điện thuộc Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam, tiền thân của Công ty Cổ phần Thiết bị Bưu điện (Postef, mã chứng khoán POT) hiện nay.

Lúc ấy, Postef hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu máy móc thiết bị vật tư kỹ thuật ngành bưu chính viễn thông với vốn điều lệ đạt 120 tỷ đồng. Trong ngày "chào đời" của TTGDCK Hà Nội, Postef đăng ký bán đấu giá 151.800 cổ phần, giá khởi điểm 106.000 đồng/cổ phần, tương ứng số tiền thu về tối thiểu 16 tỷ đồng. Đến ngày 20/12/2006, Postef chính thức được chấp thuận niêm yết trên sàn này với mã chứng khoán POT.

Dự án đất 'kim cương' gây tranh cãi

Địa chỉ trụ sở chính của Postef ở số 61 Trần Phú, quận Ba Đình, là khu đất có vị trí đắc địa bậc nhất giữa lòng Thủ đô, sở hữu 4 mặt phố, nằm gần quảng trường Ba Đình, đồng thời có diện mạo cổ kính, do người Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ 20.

Thời gian gần đây, Postef trở thành cái tên gây nhiều tranh cãi trên truyền thông, sau khi đơn vị tiến hành phá dỡ công trình có lịch sử này để xây dựng dự án cao tầng, vấp phải sự phản đối của người dân xung quanh.

Được biết, tòa cao ốc Postef chuẩn bị khởi công mang tên là dự án đầu tư xây dựng công trình đa chức năng Postef. Về nguồn gốc dự án, năm 2011, Postef cùng liên danh Công ty Cổ phần Liên Việt Holdings - Công ty Cổ phần Him Lam đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư xây dựng và khai thác kinh doanh tại khu đất "kim cương" nói trên.

Dự án đầu tư xây dựng công trình đa chức năng Postef có tổng mức đầu tư gần 1.575 tỷ đồng, vốn góp của các bên hơn 1.039 tỷ đồng. Trong đó, Postef thực hiện góp vốn bằng lợi thế quyền sử dụng khu đất tương ứng là 530 tỷ đồng (chiếm 51% tổng giá trị vốn góp), bên liên danh góp vốn bằng tiền với 509,2 tỷ đồng (chiếm 49% tổng giá trị vốn góp).

Đến ngày 24/6/2017, UBND TP. Hà Nội ban hành quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án công trình đa chức năng Postef, với tổng diện tích ô đất nghiên cứu khoảng 9.078m2. Trong đó, khoảng 7.523m2 là diện tích lập dự án, 1.555m2 là diện tích đất trong phạm vi mở đường theo quy hoạch, 3.757m2 là diện tích đất xây dựng công trình (mật độ xây dựng 50%), còn lại khoảng 3.766m2 là diện tích sân đường nội bộ, cây xanh, bãi xe.

Công trình gồm 11 tầng nổi và 6 tầng hầm. Tổng diện tích sàn tầng nổi khoảng 32.306m2, tổng diện tích sàn tầng hầm khoảng 43.023m. Chiều cao công trình tính từ cao độ via hè đến đỉnh tum thang khoảng 43m.

Theo nội dung cuộc họp đại hội cổ đông thường niên 2022, Postef cho biết đã thực hiện nộp tiền ký quỹ để đảm bảo thực hiện dự án và tiền thuê đất trong năm 2018. Sang năm 2019, Postef được Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với mục đích sử dụng mới.

Ngày 4/5/2020, UBND TP. Hà Nội ban hành quyết định điều chỉnh chủ trương dự án công trình đa chức năng Postef và 7 tháng sau, Sở Xây dựng Hà Nội cấp giấy phép xây dựng số 83/GPXD có thời hạn 12 tháng cho phép xây dựng phần ngầm của dự án.

Đáng nói, trước đó hồi năm 2019, nhà máy thiết bị Bưu điện "vang bóng một thời" đã có chủ trương chuyển nhượng toàn bộ dự án này, thế nhưng chưa rõ vì nguyên nhân gì, doanh nghiệp đã tạm ngừng chủ trương vào ngày 8/3/2021.

Ngày 25/6/2021, Postef đã phê duyệt khái toán giá trị xây lắp, chi phí tư vấn, quản lý dự án xây lắp phần ngầm và kế hoạch lựa chọn nhà thầu tư vấn thiết kế bản vẽ thi công và dự toán phần ngầm của dự án.

Đến tháng 10/2021, hội đồng quản trị phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu giai đoạn thi công xây lắp ngầm và thiết kế bản vẽ thi công, dự toán chi phí xây lắp, chỉ phí tư vấn và các chi phí liên quan khác giai đoạn thi công xây lắp phần ngầm của dự án.

Postef có kế hoạch khởi công dự án trong năm 2022. Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2021, thời điểm cuối năm, Postef ghi nhận chi phí xây dựng dở dang tại dự án 61 Trần Phú là hơn 808 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Postef cũng đang thực hiện dự án xây dựng tổ hợp đa chức năng vốn đầu tư gần 1.360 tỷ đồng tại 63 Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân.

Doanh nghiệp đã được UBND TP. Hà Nội đồng ý cho thuê đất tại địa chỉ này hồi tháng 1/2022. Hiện Postef đang hoàn thiện thủ tục giấy tờ để ký hợp đồng thuê đất mới theo hướng dẫn của chính quyền Thủ đô.

Về cơ cấu cổ đông, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam hiện sở hữu 50% vốn điều lệ của Postef, theo sau là thành viên hội đồng quản trị Nguyễn Thị Bích Hồng (7,72%), bà Phạm Thị Thanh Hồng (4,54%), chủ tịch hội đồng quản trị Trần Hải Vân (1,05%)... Cập nhật tình hình hoạt động, kết quả kinh doanh năm 2021 của Postef ghi nhận 1.125 tỷ đồng doanh thu và hơn 13 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 4,4% và giảm 27% so với thực hiện năm trước.

Bộ Xây dựng yêu cầu rà soát quy hoạch, kiến trúc công trình 61 Trần Phú

Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi UBND TP. Hà Nội về việc rà soát tổng mặt bằng và phương án kiến trúc công trình tại số 61 phố Trần Phú của Postef, xuất phát từ thông tin thi công phá dỡ công trình này.

Văn bản của Bộ Xây dựng cho biết, vừa qua các phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh việc phá dỡ công trình nhà máy thiết bị bưu điện. Nội dung phản ánh về việc cần xem xét lại phương án kiến trúc công trình bảo vệ bức phù điêu đắp nổi với hình ảnh dân quân, tự vệ bảo vệ Hà Nội trong kháng chiến chống Mỹ.

Theo quy hoạch chi tiết khu trung tâm chính trị Ba Đình, TP. Hà Nội, tỷ lệ 1/2000 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh tại quyết định số 2411 ngày 10/12/2013, nhà máy thiết bị bưu điện tại lô G1 (khu đất số 61 phố Trần Phú, Hà Nội) được di chuyển ra khỏi khu trung tâm.

Tuy nhiên, khu trung tâm chính trị Ba Đình có tính chất là khu vực có nhiều giá trị mang tầm quốc gia về văn hóa, lịch sử, không gian kiến trúc gắn liền với lịch sử phát triển đất nước, với mục tiêu bảo tồn, tôn vinh các giá trị di sản văn hóa, lịch sử, kiến trúc đô thị.

Với lý do trên, Bộ Xây dựng đề nghị UBND TP. Hà Nội trước mắt tạm dừng thi công; rà soát về các chỉ tiêu quy hoạch, phương án kiến trúc công trình tại số 61 phố Trần Phú.

Đồng thời, bộ này đề nghị việc đảm bảo tuân thủ quy định, phù hợp với quy hoạch, không gian, kiến trúc, cảnh quan khu trung tâm chính trị Ba Đình. Nội dung này, theo Bộ Xây dựng, đã từng được lưu ý tại Văn bản số 515 ngày 24/3/2016 gửi UBND TP. Hà Nội.

Bộ Xây dựng cũng đề nghị Hà Nội nghiên cứu tiếp thu các ý kiến phản ánh để có giải pháp thực hiện phù hợp; công bố thông tin đầy đủ, đảm bảo công khai, minh bạch.

Cùng chuyên mục
Tin khác