Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.
Năm 2016, báo cáo “Việt Nam 2035” lần đầu tiên phác ra một Việt Nam thịnh vượng vào năm 2035, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao. Từ đó khát vọng thịnh vượng được lan tỏa, truyền cảm hứng đến mọi người Việt Nam.
Ngọn lửa khát vọng thắp sáng tư duy và hành động, đề ra và thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững trong các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội để trở thành một quốc gia giàu mạnh.
Khát vọng thịnh vượng là nguyện vọng của các thế hệ người Việt Nam, nhưng do bối cảnh lịch sử của đất nước nên chưa thể thực hiện được. Sau ngày đất nước thống nhất, hai miền Nam- Bắc cùng xây dựng kinh tế trong hòa bình thì khát vọng thịnh vượng trỗi dậy với những mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng.
Do bối cảnh quốc tế không thuận lợi cộng với sai lầm về đường lối phát triển kinh tế nên khoảng 15 năm tiếp đó đất nước lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng, cả nước làm không đủ ăn.
Chủ trương của Đảng đổi mới theo kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế với thế giới đã khơi dậy sức sáng tạo của người Việt Nam, lao động để làm giàu cho cá nhân và gia đình, góp phần làm giàu cho đất nước.
Lần này khát vọng thịnh vượng được khơi dậy bởi sự hài hòa lợi ích giữa cá nhân khi được quyền tự do kinh doanh và lao động để nâng cao thu nhập với lợi ích của xã hội bằng các nguồn thu công cộng được gia tăng nhanh chóng, bảo đảm nhu cầu đầu tư xây dựng, xóa đói giảm nghèo, từng bước giải quyết có kết quả các vấn đề giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, an sinh xã hội.
Kinh tế nước ta đạt được tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 1989-2019 khoảng 6,8%, mức cao trong khu vực ASEAN. Quy mô nền kinh tế tăng 40 lần, từ 6,3 tỷ USD năm 1989 lên 268 tỷ USD năm 2019; GDP/người tăng 29 lần, năm 2019 đạt mức 2796 USD (chưa tính GDP sẽ điều chỉnh sau khi tính lại năm 2017).
Bộ mặt thành thị và nông thôn đã được thay đổi cơ bản, mức sống của các tầng lớp dân cư đã được nâng cao, vài chục triệu người đã trở nên giàu có, phương thức sản xuất, kinh doanh và phân phối đã thay đổi theo hướng tiếp cận với chuẩn mực tiên tiến của thế giới.
Khi đã vượt qua cửa ải nghèo khó, gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình (thấp) thì người Việt Nam lại tin tưởng hơn vào thời gian không xa biến khát vọng thịnh vượng thành hiện thực, do đó hai cột mốc quan trọng trong lịch sử dân tộc được xác định: năm 2030 kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam với mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao và năm 2045 kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với mục tiêu nước có thu nhập trung bình cao.
Từ khi chuyển sang kinh tế thị trường và hội nhập với thế giới, Việt Nam đã từng bước tiến cùng thời đại, tham gia hợp tác khu vực với các nước ASEAN, khôi phục quan hệ với Trung Quốc, thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ, mở rộng hợp tác với EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và nhiều quốc gia, khôi phục quan hệ với Quỹ tiền tệ thế giới (IMF), Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), tham gia Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và nhiều định chế tài chính, tiền tệ quốc tế…
Kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế đã tạo điều kiện để Việt Nam khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, tận dụng có hội để tăng trưởng với tốc độ cao và hướng tới nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số.
Tháng 11/1993 Hội nghị Nhóm các nhà tài trợ cho Việt Nam (Hội nghị CG) lần đầu tiên tổ chức tại Paris dưới sự chủ trì của WB, là hội nghị đầu tiên liên quan đến thu hút và sử dụng ODA ở Việt Nam. Đại diện của Việt Nam dự hội nghị với tư cách là khách mời để trình bày nhu cầu vốn đầu tư phát triển nhằm thuyết phục các nước, các tổ chức quốc tế viện trợ phát triển (ODA) cho nước ta.
Hội nghị CG thường niên trở thành Diễn đàn đối thoại giữa Chính phủ Việt Nam với cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế (VRDF), Việt Nam và WB đồng chủ trì hội nghị được tổ chức tại Việt Nam, dựa trên quan hệ đối tác mang tính xây dựng, trong đó các nhà tài trợ tôn trọng vai trò làm chủ của Việt Nam trong quá trình phát triển.
Cộng đồng tài trợ tại Việt Nam đã được mở rộng, hiện có 51 nhà tài trợ, bao gồm 28 nhà tài trợ song phương như Nhật Bản, Thụy Điển, Đan Mạch, Anh, Pháp, Canada, Đức, Hà Lan, Hàn Quốc, Singapore…và 23 nhà tài trợ đa phương gồm WB, IMF, ADB, Ngân hàng Đầu tư Bắc Âu (NIB), Quỹ Phát triển Bắc u (NDF), Quỹ Phát triển quốc tế của các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC (OFID) và nhiều tổ chức quốc tế khác.
Ngoài ra, còn có khoảng 600 tổ chức phi Chính phủ quốc tế hoạt động với số tiền viện trợ hàng năm khoảng 200 triệu USD.
Từ 1993 đến 2020, tổng số ODA cam kết của Việt Nam là 80 tỷ USD, trong đó có 7 tỷ USD viện trợ không hoàn lại, hơn 70 tỷ USD vay với lãi suất dưới 2% và 1,62 tỷ USD vay lãi suất vẫn thấp hơn vay thương mại.
Các nhà tài trợ đánh giá Việt Nam đã sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay; JICA (Nhật Bản), ADB và WB đánh giá các dự án của cả ba nhà tài trợ này tại Việt Nam đạt kết quả tốt hơn các quốc gia khác như Ấn Độ, Indonesia, Philippines và Sri Lanka; Việt Nam từ một nước nhận viện trợ quốc tế đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, năng động hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới, đồng thời cũng là quốc gia sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và tích cực giải quyết những vấn đề toàn cầu.
Cùng với ODA, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ 1988 đến 20/7/2020 có 29 247 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 352,3 tỷ USD, trong đó, vốn thực hiện ước đạt 202,2 tỷ USD, đầu tư gián tiếp nước ngoài (PFI) và các nguồn vốn quốc tế khác đã tác động tích cực khơi dậy tiềm năng nguồn lực trong nước, nhất là vốn tư nhân và dân cư góp phần biến đổi bộ mặt nông thôn và thành thị Việt Nam.
Theo Tổng cục Hải quan, từ năm 2001 đến năm 2019, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã tăng 17 lần; năm 2001 đạt 30 tỷ USD, năm 2007, đạt 100 tỷ USD, năm 2011 đạt 200 tỷ USD, năm 2015 đạt 300 tỷ USD.
Hai năm sau đó, tháng 12/2017 đạt mức 400 tỷ USD, hai năm tiếp theo, tháng 12/2019 đạt trên 500 tỷ USD.
Do vậy, năm 2006 Việt Nam xếp thứ 50 trên thế giới về xuất khẩu và xếp thứ 44 về nhập khẩu, thì năm 2018, đã có bước phát triển ấn tượng xếp thứ 26 về xuất khẩu và thứ 23 về nhập khẩu. Việt Nam liên tục nằm trong nhóm 30 nước, vùng lãnh thổ có trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất trên phạm vi toàn cầu.
Trong ASEAN, năm 2019 Việt Nam có vị trí thứ 3 về xuất nhập khẩu, chỉ sau Singapore và Thái Lan.
Từ năm 2011 trở về trước, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam luôn trong trạng thái thâm hụt, kéo dài liên tục, đỉnh điểm lên là 18,02 tỷ USD vào năm 2008; từ năm 2012 đến nay liên tục xuất siêu (ngoại trừ năm 2015 nhập siêu 3,55 tỷ USD); năm 2019 xuất siêu 11,12 tỷ USD và 7 tháng năm 2020 xuất siêu 6,5 tỷ USD.
Tương quan lực lượng kinh tế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới đã thay đổi, thị phần của nước ta về GDP, đầu tư, thương mại quốc tế đã nâng cao, do đó vị thế của đất nước trong ASEAN, ở Châu Á và trên thế giới đã được nâng cao.
VRDF 2019 là cơ hội tốt để Chính phủ lắng nghe ý kiến của các nhà tài trợ và tổ chức quốc tế, tìm con đường tốt nhất để hiện thực hóa mục tiêu thịnh vượng của dân tộc. Hội nghị đã bàn về ba trọng tâm: hướng tới thể chế kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập; đổi mới sáng tạo để vượt qua bẫy thu nhập trung bình; ưu tiên hành động vì một Việt Nam thịnh vượng.
Nhiều chuyên gia kinh tế quốc tế và trong nước đều nhận định rằng, khi nước ta đã đạt đến trình độ phát triển kinh tế như hiện nay, để tiếp tục tiến lên một cách bền vững thì cần phải có sự đột phá trong chính sách phát triển theo hướng đổi mới, sáng tạo, lấy nguồn nhân lực chất lượng cao và khoa học, công nghệ làm động lực tăng trưởng, coi trọng hiệu quả kinh tế- xã hội theo hướng kinh tế xanh, kinh tế số, lấy năng suất lao động tổng hợp, năng lực cạnh tranh của sản phẩm, của doanh nghiệp và của quốc gia làm thước đo trình độ phát triển.
Kinh nghiệm của các quốc gia đi trước là quan trọng để từ bài học thành công vận dụng thích ứng với điều kiện của Việt Nam, từ bài học thất bại để tránh đi lại vết xe đổ của họ; nhưng không có mô hình phát triển của bất cứ quốc gia nào có thể áp dụng cho nước khác, vì vậy phương thức tốt nhất là từ kinh nghiệm của chính mình thông qua tổng kết, đánh giá, rút ra bài học kinh nghiệm của quá trình phát triển đất nước, phân tích bối cảnh mới của thế giới và trong nước để tìm ra con đường đi tới.
Giáo sư người Mỹ Michael Porter cho rằng, năng lực cạnh tranh cần nhìn trên hai góc độ: 1) kinh tế vĩ mô là sự minh bạch của chính sách tài khóa và tiền tệ, thể chế công, phát triển con người và xã hội và 2) kinh tế vi mô là doanh nghiệp và môi trường đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong cạnh tranh không nên chỉ coi trọng kinh tế, mà còn cần hài hòa với vấn đề xã hội. Đây được coi là hai vấn đề cần được cân bằng cùng có lợi, không được nghiêng về một phía.
Giáo sư M. Porter khẳng định: “Tôi nghĩ không có công ty nào thành công nhờ sự bắt chước. Đừng tìm cách cạnh tranh với doanh nghiệp Trung Quốc bằng chi phí, giá cả hàng hóa thấp và nhân công giá rẻ. Các bạn phải tìm ra hình thức cạnh tranh khác, như cạnh tranh với công nghệ tốt hơn chẳng hạn, hoặc một cái gì đó độc đáo, khác hẳn họ”.
Ông nói, tất nhiên có nhiều khi doanh nghiệp không có khả năng lựa chọn cái mình làm nhưng nếu có thể thì nhất định phải tìm ra một vị trí độc tôn bằng cách tạo sự khác biệt. Muốn vậy, doanh nghiệp không nên chạy theo đối thủ cạnh tranh, cũng như không hướng tới mọi khách hàng, mà phải định vị mình một cách cụ thể bằng cách xác định nhu cầu mới của khách hàng.
“Nhiều công ty đã bỏ sót rất nhiều nhu cầu mới của những khách hàng mới. Vì vậy, các bạn hãy tạo ra những sản phẩm gần gũi với người tiêu dùng của mình. Hãy địa phương hóa thay vì toàn cầu hóa. Hãy tạo ra những giá trị để chia sẻ”.
Khi đề cập tới việc phân tích cấu trúc ngành để xác định lợi thế cạnh tranh, Giáo sư M. Porter nói rõ rằng cấu trúc ngành khác nhau tùy từng nước, từng khu vực.
Do đó “Việt Nam cần một hệ thống thông tin kinh doanh tốt hơn, nói cách khác là cần minh bạch hơn. Tôi cho là nền kinh tế có độ minh bạch càng cao thì năng suất và hiệu quả tài chính của doanh nghiệp càng cao”.
Thế giới đang thay đổi nhanh chóng do tác động của dịch Covid 19, nhiều quốc gia giàu có đang đối mặt với suy thoái kinh tế nghiêm trọng, trong khi khả năng chống chịu của nền kinh tế Việt Nam đã được đánh giá cao không chỉ phòng chống dịch bệnh, mà cả phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Hơn nữa, khi Việt Nam chủ động, tích cực chuyển sang nền kinh tế số thì lợi thế về con người, trí tuệ người Việt Nam ở trong nước và trên thế giới càng trở nên quan trọng.
Vấn đề là cuộc cải cách nền giáo dục quốc gia cần được thực hiện có kết quả ở tất cả các cấp học để đào tạo được đội ngũ người lao động có tình độ chuyên môn cao thích ứng với công nghiệp và dịch vụ tương lai; đồng thời Nhà nước có chính sách thu hút nhân tài để phục vụ cho sự nghiệp xây dựng đất nước.
Khát vọng thịnh vượng của dân tộc phải trở thành hành động hàng ngày của mỗi người Việt Nam đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng, cho xã hội, lan tỏa trong khát vọng phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân, tạo thành động lực của những con người tiên phong dẫn dắt quá trình phát triển và nguồn sức mạnh của quốc gia để hiện thực hóa giấc mơ thịnh vượng.
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.