Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: ‘Nếu nới trần tín dụng thì nguy cơ có cuộc đua lãi suất’

Ái Châu Tử - 31/07/2022 07:11 (GMT+7)

(VNF) – Cho đến thời điểm hiện tại, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước vẫn kiên trì quan điểm không nới trần tăng trưởng tín dụng năm 2022.

VNF
Bà Nguyễn Thị Hồng

Tại cuộc thảo luận của Chính phủ về kinh tế vĩ mô tổ chức chiều 30/7, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã có những giải thích và bình luận về việc điều hành tiền tệ trong thời gian qua.

Bà Hồng cho rằng hiện tại là thời điểm kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, chưa từng có tiền lệ. Ví dụ như rất hiếm khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất hơn 4%/năm, đồng USD lên giá rất mạnh, lạm phát xuất hiện trên quy mô toàn cầu, lạm phát ở Anh, Mỹ trước đây chỉ 1% - 2% thì nay đã đạt tới 8% - 9%... Kinh tế Việt Nam lại có độ mở lớn, sản xuất trong nước phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào, đặc biệt là khối doanh nghiệp trong nước luôn ở tình trạng nhập siêu.

“Kinh nghiệm cho thấy trong bối cảnh khó khăn như vậy, điều quan trọng nhất là kiên định với mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không được chủ quan với lạm phát. Và với hoạt động ngân hàng, có một mục tiêu quan trọng khác chính là đảm bảo an toàn cho hệ thống”, bà Hồng nhấn mạnh và nói, “Chính phủ đã rất kiên định, nhưng cần yêu cầu các bộ ngành phải đưa ra chính sách phối hợp hợp lý; trước đây ta cũng đặt ra mục tiêu ưu tiên nhưng khi triển khai thì lại nới chỗ nọ, nới chỗ kia nên lạm phát lên cao, như giai đoạn 2008 – 2009”.

Theo bà Hồng, trong thời gian tới, có một số nội dung lớn cần quan tâm. Một là lãi suất. Trên bình diện quốc tế, lãi suất đang tăng rất mạnh, có tới 196 lượt tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương. Trong khi đó, lãi suất của Việt Nam khá ổn định, chỉ tăng 0,2% so với đầu năm. Đây là sự nỗ lực rất lớn.

“Thời gian qua, lãi suất chịu áp lực tăng lớn. Tín dụng 7 tháng đã tăng 9,42%, trong khi huy động vốn của các ngân hàng chỉ tăng 4,21%. Bên cạnh đó, USD lên giá mạnh. Để ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối thì không thể giảm lãi suất, vì như vậy VND sẽ yếu đi, gây ra tình trạng găm giữ ngoại tệ. Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã cho một số ngân hàng điều tiết lãi suất ngắn hạn”, bà Hồng nói.

Vấn đề thứ hai là lạm phát. Dù Việt Nam đã kiểm soát thành công lạm phát trong 7 tháng qua (2,54%) song bà Hồng cho rằng tác động vòng 2 đã xuất hiện. Thời gian tới Ngân hàng Nhà nước phải điều tiết liều lượng hợp lý để kiểm soát tỷ giá, tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Với dự trữ ngoại hối được củng cố thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước luôn sẵn sàng bán ngoại tệ để ổn định tỷ giá.

Vấn đề thứ ba là tăng trưởng tín dụng. Thời gian qua, khá nhiều ngân hàng, doanh nghiệp mong muốn được nới trần tăng trưởng tín dụng (hiện vẫn “khóa cứng” ở mức 14%), tuy nhiên bà Hồng giải thích rằng 14% đã là mức cao hơn năm ngoái, khi đặt ra mức tăng trưởng này, Ngân hàng Nhà nước cũng đã tính toán để có dư địa thúc đẩy phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, điều bất ngờ là đến nay, tình hình diễn biến rất khác, kinh tế phục hồi rất mạnh mẽ. Từ đây đến cuối năm, do chỉ đạo của Chính phủ và đẩy mạnh đầu tư công, sẽ có dòng tiền ra thị trường để hỗ trợ tăng trưởng.

“Với bối cảnh lạm phát như hiện nay, không thể chủ quan được. Trước mắt, Ngân hàng Nhà nước vẫn điều hành theo mục tiêu 14%”, bà Hồng khẳng định và giải thích thêm, “Tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam lên tới 124%, cao bậc nhất thế giới; tỷ lệ tín dụng/huy động vốn đã 99%, tức huy động 100 đồng thì đã cho vay 99 đồng rồi; nếu nới trần tăng trưởng tín dụng thì nguy cơ có cuộc đua lãi suất như hồi 2010 – 2011; muốn ổn định tỷ giá thì Ngân hàng Nhà nước phải ổn định tín dụng”.

Đề cập tới sự khó khăn nguồn vốn của thị trường bất động sản hiện nay – một hệ quả của việc không nới trần tăng trưởng tín dụng, bà Hồng cho rằng quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là nguồn vốn cho bất động sản đến từ nhiều kênh, như FDI, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp. Tín dụng chỉ là một kênh. Mặt khác, bản chất tín dụng của bất động sản là trung – dài hạn, trong khi huy động tiền gửi của ngân hàng lại là ngắn hạn.

“Nếu giải quyết ách tắc dòng tiền cho bất động sản bằng việc nới trần tăng trưởng tín dụng thì chỉ giải quyết được trước mắt, còn trung – dài hạn hệ thống ngân hàng sẽ gặp rủi ro. Ngân hàng Nhà nước kiến nghị giải quyết bài toán dòng vốn cho bất động sản bằng kênh khác”, bà Hồng nêu quan điểm.

Cùng chuyên mục
Tin khác