Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Tín dụng của Việt Nam đã và đang ở ngưỡng cảnh báo

Tuệ Lâm - 03/01/2023 17:27 (GMT+7)

(VNF) - “Nếu quá phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng có thể gây hệ lụy và rủi ro trong tương lai vì các chỉ tiêu tiền tệ, tín dụng của Việt Nam đã và đang ở ngưỡng cảnh báo”.

VNF
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng.

Đây là cảnh báo được Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đưa ra trong tham luận tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương tổng kết công tác năm 2022 và triển khai kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, được tổ chức ngày 3/1.

Ý kiến từ lãnh đạo NHNN cho biết, năm 2022 là một năm vô cùng thách thức đối với việc điều hành chính sách tiền tệ khi cùng một lúc chịu áp lực bởi xu hướng tăng lạm phát, lãi suất, đồng USD trên phạm vi toàn cầu và những khó khăn của thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp ở trong nước.

"Một loạt bài toán khó đặt ra là làm thế nào để điều hành tín dụng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế mà vẫn phải bảo đảm an toàn hệ thống trong khi một số chỉ tiêu tiền tệ như tỉ lệ tín dụng/huy động vốn và dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam đã và đang ở ngưỡng cảnh báo; làm thế nào ổn định được thị trường ngoại hối khi nền kinh tế của ta có độ mở cửa lớn, sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, đồng USD tăng giá mạnh, Việt Nam đang trong giai đoạn giám sát nâng cao về thao túng tiền tệ của phía Hoa Kỳ...; làm thế nào ổn định được an toàn hệ thống khi thanh khoản hệ thống và niềm tin của thị trường chịu tác động mạnh bởi sự cố Ngân hàng SCB chưa từng có tiền lệ", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.

Bước sang năm 2023 tình hình kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn nhiều khó khăn. Người đứng đầu Quỹ tiền tệ quốc tế vừa mới nhận định 1/3 nền kinh tế toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng bởi suy thoái, và cảnh báo thế giới sẽ đối mặt với một năm 2023 khó khăn hơn. Trong nước, lạm phát cơ bản đang có xu hướng tăng cao trong khi vẫn cần thực hiện các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế, những khó khăn trên thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp chưa được giải quyết căn bản.

Minh bạch xu hướng điều hành chính sách 2023, lãnh đạo NHNN cho biết sẽ: tập trung các giải pháp, ưu tiên cao nhất đảm bảo thanh khoản, giữ vững ổn định, an toàn hệ thống ngân hàng; tiếp tục điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ CSTT, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối.

Bên cạnh đó,  điều hành tín dụng phù hợp, góp phần duy trì đà phục hồi của nền kinh tế; hướng dòng vốn tín dụng tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên…

Tuy nhiên, theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, chính sách tiền tệ với bản chất là ngắn hạn nên cần hạn chế sử dụng để giải quyết các vấn đề mang tính trung dài hạn. CSTT ngoài việc góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thì nhiệm vụ quan trọng là phải đảm bảo an toàn hệ thống, bởi vậy xét từ góc độ tổng thể nền kinh tế, các chính sách kinh tế cần có sự cân đối và phối hợp đồng bộ hơn giữa.

Người đứng đầu NHNN phân tích, để tháo gỡ khó khăn, ách tắc thanh khoản trong nền kinh tế, cần thúc đẩy giải ngân đầu tư công, thực hiện giảm, giãn thuế, điều chỉnh giá bất động sản...để khơi thông dòng tiền giữa các khu vực trong nền kinh tế.

“Nếu quá phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng có thể gây hệ lụy và rủi ro trong tương lai vì các chỉ tiêu tiền tệ, tín dụng của Việt Nam đã và đang ở ngưỡng cảnh báo”, bà Hồng cảnh báo.

Về phía mình, lãnh đạo NHNN cho biết, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, ngành ngân hàng tập trung thực hiện các giải pháp cải cách, đơn giản thủ tục cho vay để nâng cao khả năng tiếp cận vốn. Tuy nhiên, đối với nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn, cần các giải pháp chính sách hỗ trợ khác từ phía nhà nước như bảo lãnh tín dụng, các các chính hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cần được thực thi hiệu quả...

Cùng chuyên mục
Tin khác