Thủ tướng chưa duyệt làm dự án thép Cà Ná

Bích Diệp - 10/03/2017 09:15 (GMT+7)

Do Bộ Công Thương chưa có báo cáo cụ thể về dự án, chưa làm rõ được nhiều vấn đề như tính cạnh tranh của sản phẩm với thép Trung Quốc, nguồn cung ứng, công nghệ, thiết bị... nên Thủ tướng chưa đủ cơ sở để xem xét liệu có nên hay không nên cho phép thực hiện dự án thép Cà Ná.

Ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, tại cuộc họp với Thủ tướng ngày hôm qua (8/3) về dự án này, Bộ Công Thương chưa có báo cáo cụ thể về vấn đề nhà đầu tư tham gia hay việc mời tư vấn nước ngoài đánh giá dự thảo Quy hoạch ngành thép. Các báo cáo đến nay mới chỉ đang tổng hợp, dựa trên báo cáo của địa phương.

Do vậy, Thủ tướng cho rằng, chưa đủ căn cứ xem xét việc nên hay không nên thực hiện dự án này. Ngoài ra, một số vấn đề của dự án này còn phải làm rõ, đó là: quy hoạch ngành thép, cung cầu thị trường, điện năng, nước, cạnh tranh sản phẩm (sản phẩm đưa ra thị trường có cạnh tranh được với Trung Quốc hay không), cơ cấu sản phẩm, nguồn cung ứng nguyên liệu đầu vào, công nghệ, thiết bị.

Quan điểm của Thủ tướng là Bộ Công Thương và tỉnh Bình Thuận cũng như các cơ quan liên quan cần phải có những đánh giá chặt chẽ, thận trọng đối với dự án này. Bên cạnh thúc đẩy sự phát triển của ngành và của địa phương thì còn phải đảm bảo bền vững, hiệu quả, không để xảy ra hệ lụy không lường trước cho nền kinh tế.

Hồi cuối năm ngoái, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký phê duyệt nhiệm vụ và đề cương đánh giá Dự thảo Quy hoạch hệ thống sản xuất thép đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, căn cứ trên kiến nghị của Vụ Công nghiệp nặng.

Trong dự thảo quy hoạch ngành thép, Bộ này đã đưa dự án thép Cà Ná (Ninh Thuận) vào quy hoạch và khẳng định đã mời tư vấn để thẩm định, đánh giá quy hoạch thép.

Theo quy định hiện nay, thẩm quyền đưa dự án vào quy hoạch khi cân đối cung cầu là của Bộ Công Thương, tuy nhiên, với những nhà đầu tư có dự án với quy mô vốn trên 5.000 tỷ đồng thì phải có ý kiến của Thủ tướng.

Dự án Khu liên hợp luyện cán thép Cà Ná - Ninh Thuận với tổng vốn đầu tư 10,6 tỷ USD. Theo dự kiến của Hoa Sen Group, dự án thép Cà Ná sẽ được thực hiện theo 2 giai đoạn, mỗi giai đoạn là 2 phân kỳ. Với phân kỳ I.1, vốn đầu tư dự kiến là 10.258 tỷ đồng, trong đó vốn tự có là 2.051,6 tỷ đồng, vốn vay trung hạn 8.206,4 tỷ đồng (tương đương 80%).

Sau khi công bố, nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại về dự án này, đặc biệt là sau sự cố của dự án Formosa Hà Tĩnh. Thậm chí một số ý kiến còn nghi ngại có lợi ích nhóm khi Bộ Công Thương đưa dự án vào quy hoạch.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã khẳng định trước Quốc hội việc "không đánh đổi môi trường để lấy dự án công nghiệp bằng mọi giá và cũng không có chuyện các dự án thép đưa ra để đánh đổi về môi trường" và cho nhấn mạnh "không có chuyện lợi ích nhóm" tại dự án này.

Lãnh đạo ngành công thương cũng quả quyết, nếu đã để xảy ra những hệ luỵ xấu thì việc xem xét từ chức của Bộ trưởng Công Thương cũng là quá nhỏ bé đối với những thiệt hại gây ra.

Theo Theo Dân trí
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.