Tiếp vụ găng tay tái chế tại Hòa Bình: Lần theo 'mạng nhện', bắt giữ nhiều tấn hàng
Lê Nguyễn -
02/08/2020 11:37 (GMT+7)
(VNF) - Sau khi phát hiện nhà xưởng làm găng tay tái chế tại Hòa Bình, lực lượng quản lý thị trường đã mở rộng tìm kiếm, điều tra, bắt giữ thêm nhiều tấn hàng.
Sáng ngày 1/8/2020, Cục nghiệp vụ quản lý thị trường và Cục quản lý thị trường Hòa Bình phối hợp C05 và A03 - Bộ Công an đã tổ chức kiểm tra đột xuất Công ty Cổ phần đầu tư may mặc V-Link (Công ty V-Link), do ông Nguyễn Huy Tân làm giám đốc, địa chỉ tại khu công nghiệp Lương Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.
Theo khai nhận ban đầu tại thời điểm kiểm tra của ông Tân, giám đốc Công ty V-Link cho Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư xây dựng BM (Công ty BM) thuê địa điểm làm xưởng sản xuất.
Công ty BM do bà Nguyễn Thị Hoa có địa chỉ tại số 43, biệt thự lâm viên 2, khu đô thị Đặng Xá, xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Ông Tân khẳng định ông không biết hoặc liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của bà Hoa. Tại thời điểm kiểm tra, ông Tân đã xuất trình cho đoàn kiểm tra hợp đồng thuê nhà xưởng thời hạn 2 năm kể từ ngày 7/4/2020.
Tại thời điểm kiểm tra tại xưởng, ông Trần Văn Quyền là giám đốc phụ trách đại diện Công ty BM đã làm việc với đoàn.
Ghi nhận của lực lượng chức năng cho thấy tại xưởng sản xuất trên tầng 2 của công ty đang diễn ra hoạt động sản xuất khẩu trang đang còn bán thành phẩm.
Ngoài ra tại đây còn có một số lượng hộp khẩu trang đã thành phẩm mang nhãn hiệu khẩu trang y tế cao cấp The World 4 lớp loại 50 chiếc/hộp; hộp khẩu trang cao cấp The World 4 lớp loại 50 chiếc/hộp; hộp khẩu trang 4 lớp HAPAPOLO loại 50 chiếc/hộp; hộp khẩu trang y tế 3 lớp dùng một lần nhãn hiệu An Lành Mask, loại 50 chiếc/hộp.
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng ghi nhận tại xưởng còn có hơn 2.000 vỏ hộp găng tay cao su nhãn hiệu S63 và hộp găng tay S63 đã thành phẩm gắn nhãn "Made in Việt Nam" của Công ty Cổ phần Quốc tế Royal Việt Nam (địa chỉ văn phòng giao dịch tại số 20 khu villa 2 Huynhdai, phường Hà Cầu, Hà Đông, Hà Nội).
Cùng với số hàng hóa trên, lực lượng chức năng phát hiện thêm loại thùng các tông nhãn hiệu S63 và số lượng khẩu trang chưa thành phẩm chuẩn bị đóng bao đem đi tiêu thụ.
Đặc biệt tại xưởng sản xuất khẩu trang, công nhân tại xưởng đang phân loại và trực tiếp đóng gói găng tay cao su đã qua sử dụng, không rõ nguồn gốc và độ an toàn.
Hầu hết số găng tay ở đây đều ở dạng rời, không được bảo quản và đóng gói, được đổ thành đống lên sàn xưởng, để cạnh khẩu trang chưa thành phẩm. Bên cạnh đó còn có một số hộp găng tay đóng hộp nhãn hiệu S63 xếp thành đống trong xưởng.
Kiểm tra tại xưởng, đoàn kiểm tra phát hiện 1.552 kg găng tay cao su đã phân loại và chưa phân loại, 8 bao tải găng tay thành phẩm, 31 bao tải khẩu trang thành phẩm và 24 bao tải khẩu trang chưa thành phẩm.
Đi kèm với đó là 154kg vỏ bao găng tay y tế, 2.409 chiếc hộp đựng găng tay y tế loại 100 chiếc/hộp, 4 máy cắt bán tự động, 39 máy dập quai khẩu trang loại 4 quai, 2 quai và quai đơn, 2 máy sản xuất khẩu trang.
Tại thời điểm đang kiểm tra, Viện kiểm nghiệm an toàn thực phẩm quốc gia đã lấy 1 mẫu khẩu trang thành phẩm và 3 mẫu găng tay để phân tích các chỉ tiêu theo quy định.
Còn một kho chứa nguyên liệu để phục vụ sản xuất chưa tiến hành kiểm đếm bên trong vì lý do khách quan.
Đối với toàn bộ hàng hóa nêu trên, ông Quyền chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ và niêm phong xưởng sản xuất, phòng làm viêc, máy móc, vỏ bao bên trong để đảm bảo cho việc xác minh làm rõ.
Mở rộng vụ việc, Tổng cục Quản lý thị trường đã huy động Đội quản lý thị trường số 8, Cục quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra tại số 43, biệt thự lâm viên 2, khu đô thị Đặng Xá, xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội - tức địa chỉ của Công ty BM theo hợp đồng thuê xưởng tại khu công nghiệp Lương Sơn.
Kiểm tra tại địa điểm này, đoàn kiểm tra phát hiện số lượng lớn găng tay cao su chất đầy nhà. Một số nhân viên đang phân loại găng tay, cái nào cũ cho vào tái chế, cái nào mới cho đi hấp lại để bán. Tuy nhiên số găng tay này chưa kịp bán ra thị trường.
Làm việc với đoàn kiểm tra, bà Trịnh Thị Lý khai nhận thuê nhà của bà Nguyễn Thị Hoa. Bà Lý xuất trình hợp đồng thuê nhà ký từ ngày 29/6/2020 và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty Cổ phần Hoàng Long Bắc Kạn do bà Trịnh Thị Lý làm giám đốc, địa chỉ tại thôn Nà Cao, xã Cao Kỳ, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn.
Sau 22h, đoàn kiểm tra đã kiểm đếm được 9,5 tấn găng tay cao su. Số còn lại tiếp tục làm việc ngày hôm sau, ước tính khoảng trên 15 tấn.
Tại một địa điểm khác tại Hà Đông, Tổng cục Quản lý thị trường đã tiếp tục chỉ đạo Đội quản lý thị trường số 26, Cục quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra Công ty Cổ phần Quốc tế Royal Việt Nam, địa chỉ tại số 20 khu villa 2 Huynhdai, phường Hà Cầu, Hà Đông, Hà Nội.
Kết quả là đội đã tạm giữ 24.000 chiếc găng tay cao su do chưa xuất trình được công bố tiêu chuẩn sản phẩm và vi phạm về nhãn; 142 kg găng tay cao su không rõ nguồn gốc xuất xứ và đã lấy 1 mẫu giám định chất lượng.
Liên quan đến vụ việc kiểm tra và hàng hóa tiêu thụ, lực lượng quản lý thị trường tiếp tục kiểm tra tại Công ty Cổ phần thiết bị y tế Đại Dương Xanh, tại tổ dân phố Tứ Mỹ, phường Phùng Chí Kiên, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên.
Tại đây, Đội quản lý thị trường số 5, Cục quản lý thị trường Hưng Yên phát hiện tại kho của công ty Đại Dương Xanh có 504.000 chiếc găng tay S63 đóng hộp (10 hộp/thùng) mỗi thùng 1.000 chiếc, gần 100 hộp găng tay S63 "Made in Việt Nam" đã thành phẩm của Công ty Cổ phần Quốc tế Royal Việt Nam (địa chỉ văn phòng giao dịch tại số 20 khu villa 2 Huynhdai, phường Hà Cầu, Hà Đông, Hà Nội) và gần 30.000 vỏ hộp các tông có in S63, Royal Việt Nam.
Điều đáng chú ý và đặc biệt tại kho của Công ty Đại Dương Xanh là ngoài việc kho có chứa găng tay S63 thành phẩm và ngoài vỏ hộp tương tự như tại xưởng bà Hoa thuê tại khu công nghiệp Lương Sơn, đoàn kiểm tra của Tổng cục Quản lý thị trường còn phát hiện có vỏ hộp găng tay S63 "Made in Malaysia".
Vụ việc đang dần hé mở ra nhiều tình tiết liên quan đến vụ việc khác mà Tổng cục Quản lý thị trường đang còn tiếp tục điều tra và xác minh thêm.
Hiện đoàn kiểm tra vẫn đang tiếp tục kiểm tra, xác minh thông tin để làm rõ và xử lý theo quy định.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone