'Ngắm' khu đất xây tổ hợp thương mại, văn phòng của TAH Invest tại Tây Hồ Tây
(VNF) - Dự án tổ hợp thương mại và dịch vụ kết hợp văn phòng được triển khai trên lô đất B2-CC4 thuộc Khu đô thị Tây Hồ Tây dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2027.
Không ồ ạt bơm tiền để kích thích kinh tế, năm 2021, Ngân hàng Nhà nước vẫn kiểm soát tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng theo hạn mức cấp hàng kỳ. Vì thế mà mức tăng trưởng tín dụng cuối năm rất sát so với định hướng đầu năm, đạt 13,53%, nâng tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế lên khoảng 10,44 triệu tỷ đồng.
Với cơ chế này, Ngân hàng Nhà nước là bên trực tiếp đứng ra chia thị phần tín dụng, dựa trên sức khỏe, nhu cầu và mức độ tuân thủ của các ngân hàng thương mại, phù hợp với định hướng điều hành chính sách tiền tệ chung.
Nguồn lực tài chính không thể bổ sung liên tục, kém linh hoạt trong điều hành, thận trọng với bối cảnh nền kinh tế khó khăn là những nguyên nhân quan trọng khiến các ngân hàng quốc doanh tỏ ra lép vế so với các ngân hàng ngoài quốc doanh trong cuộc đua thị phần những năm gần đây. Thực trạng này được thể hiện rõ trong năm 2021.
Thống kê đối với 26 ngân hàng thương mại đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2021 với tổng dư nợ cho vay khách hàng đạt hơn 7,2 triệu tỷ đồng cho thấy, tăng trưởng dư nợ năm 2021 ở mức 15%, trong đó, mức tăng của các ngân hàng quốc doanh đều dưới 15%. Cụ thể, tăng trưởng dư nợ cho vay của Vietcombank đạt 14,4%, trong khi con số này ở BIDV và VietinBank lần lượt là 11,6% và 11,4%.
Đáng chú ý, trong số 4 ngân hàng thương mại ghi nhận tăng trưởng dư nợ cho vay trên 20%, có tới 3 ngân hàng ngoài quốc doanh lớn, đó là Techcombank (tăng 25,2%), VPBank (tăng 22,2%) và MB (tăng 21,9%). Đây là những đối thủ lớn nhất của 3 ngân hàng quốc doanh kể trên trong cuộc đua thứ hạng lợi nhuận ngân hàng trong những năm gần đây.
Tính toán cho thấy tổng dư nợ của Techcombank, VPBank và MB chỉ bằng chưa đầy 1/3 tổng dư nợ của Vietcombank, VietinBank và BIDV. Nhỏ hơn, lại hoạt động theo cơ chế tư nhân, nên các ngân hàng ngoài quốc doanh tỏ ra linh hoạt hơn nhiều các ngân hàng quốc doanh. Ngoài ra, các ngân hàng quốc doanh còn có “nhiệm vụ chính trị” là đi đầu trong thực hiện chính sách tiền tệ, trong đó có nhiệm vụ đẩy tín dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh, trong khi các ngân hàng tư nhân không phải gánh vác nhiệm vụ này, giúp tăng trưởng tín dụng dễ xoay xở hơn.
Có thể thấy rất rõ điều này nếu đi sâu vào tăng trưởng dư nợ cho vay của Techcombank và VPBank. Năm 2021, dư nợ cho vay cá nhân của Techcombank tăng tới 45%, từ khoảng 111.000 tỷ đồng lên khoảng 162.000 tỷ đồng, tương đương tăng khoảng 51.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 3/4 tổng mức tăng dư nợ cho vay khách hàng toàn ngân hàng. Đặc biệt, phần lớn mức tăng dư nợ cho vay cá nhân tới từ phân khúc cho vay mua nhà với lượng dư nợ tăng thêm khoảng trên 38.000 tỷ đồng.
Có phần tương tự, dư nợ cho vay mua nhà của VPBank cũng tăng rất mạnh trong năm 2021, từ khoảng 36.300 tỷ đồng lên khoảng 54.300 tỷ đồng, tức tăng 50%, tương đương tăng khoảng 20.000 tỷ đồng, bằng gần 1/3 tổng mức tăng dư nợ cho vay toàn ngân hàng.
Thời sản xuất kinh doanh khó khăn nhưng lại là thời của “tiền rẻ”, nên việc tập trung mạnh vào hoạt động cho vay mua nhà là rất phù hợp trong bối cảnh trên, và các ngân hàng tư nhân đang tỏ ra năng động hơn với nhiều lợi thế từ cả chủ quan lẫn khách quan.
Ở khía cạnh khác, có một thực tế trớ trêu đối với các ngân hàng quốc doanh là dù phải thực hiện các “nhiệm vụ chính trị” nhưng ngân sách nhà nước lại rất khó khăn trong việc rót thêm vốn khi thẩm quyền quyết định nằm ở Quốc hội. Vừa qua, Quốc hội mới chỉ đồng ý rót thêm vốn cho Agribank, trong khi Vietcombank, VietinBank và BIDV đều chỉ được hưởng cơ chế giữ lại lợi nhuận bằng cách chia cổ tức bằng cổ phiếu, thay vì phải chia cổ tức bằng tiền để nộp về ngân sách như trước đây.
Hệ quả là tỷ lệ an toàn vốn của VietinBank thường xuyên ở sát ngưỡng tối thiểu 8% và đã hết dư địa tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ do tỷ lệ sở hữu Nhà nước đã ở mức tối thiểu 65%. Hiện nay, để tăng tỷ lệ an toàn vốn, VietinBank hầu như chỉ trông chờ vào lợi nhuận giữ lại nhưng với tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) không phải là cao, mức tăng tỷ lệ an toàn vốn hàng năm cũng tương đối khiêm tốn. Điều quan trọng là hạn mức tăng trưởng tín dụng phụ thuộc vào tỷ lệ an toàn vốn, nên những năm gần đây, tăng trưởng tín dụng của VietinBank khá thấp và năm 2021 cũng không phải ngoại lệ.
Không chỉ VietinBank, tỷ lệ an toàn vốn của BIDV cũng dầy dặn gì, chưa đến 9%. Nhưng vẫn may là ngân hàng này còn dư địa phát hành cổ phiếu riêng lẻ và đang xúc tiến thương vụ này. Dẫu vậy cũng khó lòng chạm tới tỷ lệ an toàn vốn rất cao của Techcombank là 15% và VPBank là 14,3%. Ngay cả MB hiện cũng ghi nhận tỷ lệ an toàn vốn lên tới 11% và ngân hàng này có ROE nằm trong top 5 hệ thống.
Nhìn chung, trong cuộc đua thị phần tín dụng, có thể thấy cờ đang ở tay các ngân hàng ngoài quốc doanh lớn. Các ngân hàng tư nhân nhỏ tỏ ra chậm chạp khi trong số 26 ngân hàng trong diện thống kê, có 5 ngân hàng ghi nhận tăng trưởng cho vay dưới 10%, đều là các ngân hàng tư nhân nhỏ như ABBank, PGBank, Saigonbank, BacABank và NCB; thậm chí, nhiều ngân hàng tư nhân vừa và nhỏ vẫn còn đang vật lộn với một lượng đáng kể tài sản chất lượng kém còn tồn đọng.
Năm 2021 chứng kiến những cuộc hoán đổi vị trí thú vị trên bảng xếp hạng lợi nhuận ngân hàng. Nhưng trước tiên phải khẳng định, Vietcombank vẫn tiếp tục là ngân hàng đứng đầu với lợi nhuận trước thuế hợp nhất hơn 27.300 tỷ đồng.
Cuộc hoán đổi đầu tiên là giữa Techcombank và VietinBank. Năm 2020, VietinBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 17.000 tỷ đồng và xếp thứ hai trong bảng xếp hạng, chỉ sau Vietcombank. Tuy nhiên, sang năm 2021, lợi nhuận trước thuế của VietinBank chỉ nhích nhẹ 3%, lên hơn 17.500 tỷ đồng. Trong khi đó, Techcombank ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận trước thuế lên tới 47%, đạt hơn 23.200 tỷ đồng trong năm vừa qua, qua đó soán ngôi á quân lợi nhuận của VietinBank.
Ngay phía dưới là cuộc hoán đổi vị trí giữa MB và VPBank. Năm 2020, VPBank đạt mức lợi nhuận trước thuế hơn 13.000 tỷ đồng, xếp sau Vietcombank, VietinBank và Techcombank. Nhưng sang năm 2021, do ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, tăng trưởng của VPBank dù đạt 12% đã là đáng khích lệ, nâng lợi nhuận trước thuế lên hơn 14.500 tỷ đồng, nhưng vẫn đánh mất vị trí vào tay MB. Ngân hàng của quân đội này ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận trước thuế tới 55% trong năm 2021, lên hơn 16.500 tỷ đồng.
Tương tự là cuộc rượt đuổi giữa BIDV và ACB. Không còn suy giảm lợi nhuận như trong năm 2020, sang năm 2021, BIDV ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận trước thuế lên tới 51%, từ hơn 9.000 tỷ đồng lên hơn 13.600 tỷ đồng. Trong khi đó, ACB dù cũng đạt tăng trưởng lợi nhuận trước thuế khá tốt so với năm 2020, ở mức 25%, từ hơn 9.500 tỷ đồng lên hơn 11.900 tỷ đồng, nhưng vẫn phải nhường chỗ cho BIDV.
Năm vừa qua, có những ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận trước thuế trên 100% như MSB tăng từ hơn 2.500 tỷ đồng năm 2020 lên hơn 5.000 tỷ đồng trong năm 2021; như VietABank tăng từ 407 tỷ đồng lên 844 tỷ đồng; hoặc như Kienlongbank, lợi nhuận tăng gấp hơn 6 lần từ 158 tỷ đồng lên hơn 1.000 tỷ đồng. Nhưng ở chiều ngược lại, cũng có những ngân hàng đi thụt lùi như Eximbank, NVB.
Tuy nhiên tựu trung, 2021 vẫn là một năm thành công với ngành ngân hàng xét trên khía cạnh lợi nhuận. Tổng lợi nhuận trước thuế của 26 ngân hàng trong diện thống kê đạt hơn 182.000 tỷ đồng, tăng tới 33% so với năm 2020 và được hình thành từ những yếu tố khá bền vững.
Cụ thể, thu nhập thuần từ hoạt động tín dụng (thu nhập lãi thuần) tăng trưởng cao, đạt 24% nhờ dư nợ tín dụng tiếp tục gia tăng và các ngân hàng tiếp tục hưởng lợi từ việc giảm lãi suất huy động. Song song, thu nhập thuần từ các hoạt động phi tín dụng (tổng lãi thuần) cũng tăng trưởng tốt, đạt 22%, cho thấy nguồn thu của các ngân hàng phát triển khá đồng đều và bền vững.
Trong khi đó, các ngân hàng tiếp tục chiến lược kiểm soát chặt chi phí hoạt động, cộng thêm lợi ích từ số hóa ngân hàng, giúp tổng chi phí hoạt động chỉ tăng vỏn vẹn 8%.
Nhờ đó mà khấu trừ thu nhập – chi phí, lợi nhuận thuần trước dự phòng rủi ro tín dụng của 26 ngân hàng tăng trưởng tới 34%. Trên cơ sở kết quả kinh doanh khả quan này, các ngân hàng cũng tăng mạnh chi phí dự phòng rủi ro tín dụng thêm 34%. Kết quả, lợi nhuận trước thuế sau dự phòng tăng mạnh 33%, như đã đề cập ở trên.
Lẽ thường, sau khi phải đối mặt với làn sóng Covid-19 lần thứ tư với cường độ tác động rất mạnh, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng phải tăng lên. Tuy nhiên, số liệu từ 26 ngân hàng thương mại cho thấy, tỷ lệ nợ xấu nội bảng lại… giảm, từ mức 1,41% cuối năm 2020 xuống 1,34% cuối năm 2021.
Chi tiết hơn, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng 60%, chiếm 0,4% tổng dư nợ; nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 71%, chiếm 0,37% tổng dư nợ; nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) giảm 25%, chiếm 0,57% tổng dư nợ.
Hiện tượng lạ này không khó hiểu, bởi lượng lớn nợ xấu đang ở dạng tiềm ẩn, đặc biệt là tiềm ẩn trong các khoản nợ đang được cơ cấu lại theo Thông tư 14/2021/TT-NHNN liên quan đến khách hàng chịu ảnh hưởng của Covid-19.
Các ngân hàng cũng không chủ quan. Trên cơ sở nguồn thu tăng trưởng tốt và kiểm soát, tối ưu chi phí, các ngân hàng trong năm 2021 có nguồn lực khá lớn để tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, qua đó, một mặt dùng nguồn dự phòng để xóa nợ xấu, mặt khác gia tăng “bộ đệm” dự phòng rủi ro tín dụng.
Thống kê với 26 ngân hàng thương mại cho thấy, tổng dự phòng rủi ro tín dụng đã tăng tới 58% trong năm 2021. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu theo đó tăng rất mạnh từ 101% cuối năm 2020 lên 146% cuối năm 2021. Như vậy, các ngân hàng đã chuẩn bị trước nguồn lực để xử lý không chỉ các khoản nợ xấu nội bảng mà còn cả các khoản nợ xấu tiềm ẩn trong các khoản nợ được tái cơ cấu để không bị “sốc” nếu trong tương lai, Ngân hàng Nhà nước dừng cơ chế tái cơ cấu trên trong bối cảnh nền kinh tế đã bước sang trạng thái “bình thường mới”, sống chung với Covid-19.
Đây là tín hiệu tích cực xét trên góc nhìn toàn cảnh. Tuy nhiên đi sâu hơn, không phải ngân hàng nào cũng tăng mạnh dự phòng rủi ro tín dụng. Càng nghịch lý hơn khi các ngân hàng vốn dĩ đã có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao, ví như có “bộ đệm” dày dặn phòng ngừa rủi ro nợ xấu, lại rất tích cực tăng cường trích lập dự phòng; trong khi các ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp lại có phần “thờ ơ” với việc gia tăng trích lập dự phòng.
Có thể thấy rõ thực trạng này khi nhìn vào Techcombank, ACB, MB và VietinBank. Đây là 4 trong số 7 ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu trên trung bình.
Trong năm 2021, dự phòng rủi ro tín dụng của ACB, MB và VietinBank đều tăng gấp đôi; trong khi của Techcombank tăng 69%. Nhờ đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của VietinBank tăng từ 131% lên 180%, của MB tăng từ 134% lên 268%, của ACB tăng từ 160% lên 209%.
Trên thực tế, ACB là ngân hàng chịu ảnh hưởng khá tiêu cực bởi làn sóng Covid-19 lần thứ tư do địa bàn hoạt động phần lớn tập trung ở TP. HCM và các tỉnh thành phía Nam. Mặc dù khách hàng dần hồi phục sau đợt cao điểm giãn cách nhưng kết thúc năm 2021, tổng dư nợ các khoản cho vay tái cơ cấu theo Thông tư 14 vẫn tăng 26,7% sau 3 tháng lên khoảng 17.000 tỷ đồng, tương đương 4,7% tổng dư nợ, trong đó 58% đến từ các khoản cho vay cá nhân và 36% từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các khoản vay này có tổng giá trị tài sản đảm bảo là 30,5 nghìn tỷ đồng và đã được trích lập dự phòng 2,3 nghìn tỷ đồng.
Theo phía ACB, tỷ lệ nợ xấu và các khoản vay tái cơ cấu có thể chuyển thành nợ xấu ước tính khoảng 3% vào cuối năm 2021 và có thể giảm xuống 2% trong thời gian tới. Với việc tăng cường trích lập dự phòng như trong năm vừa qua, có thể thấy không khó để ACB vượt qua hệ quả của dịch Covid-19, dù ngân hàng này từng chịu tác động rất nặng nề.
Riêng với Techcombank, tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm từ 171% xuống 163% do nợ xấu nội bảng của ngân hàng tăng khá mạnh (tăng 77%), nhưng cần khẳng định mức bao phủ này vẫn là cao. Đặc biệt, Techcombank đã trích lập dự phòng 100% đối với toàn bộ nợ tái cơ cấu theo Thông tư 14 (dư nợ tái cơ cấu khoảng 1.900 tỷ đồng, tương đương 0,5% tổng dư nợ), dù Ngân hàng Nhà nước cho phép trích lập dự phòng 30% trong năm đầu.
Trái lại, với các ngân hàng cỡ vừa và nhỏ như ABBank, VietABank, Eximbank, PGBank, dẫu cho tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức thấp, cuối năm 2020 đều chưa tới 54%, “sức khỏe” cũng như sức cạnh tranh thua xa các ngân hàng lớn, dễ bị tổn thương hơn, nhưng mức tăng dự phòng rủi ro tín dụng trong năm 2021 đều chưa tới 10%.
Sự phân hóa này dần dần sẽ kéo theo sự phân hóa về chất lượng tài sản và lợi nhuận giữa các ngân hàng trong tương lai, khi các thông tư hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 hết hiệu lực. Ngân hàng nào đã chuẩn bị tốt nguồn lực dự phòng rủi ro tín dụng sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định, trong khi đó, gánh nặng chi phí cũng như rủi ro tín dụng sẽ đè nặng lên các ngân hàng có “bộ đệm” dự phòng mỏng.
Trong báo cáo chiến lược năm 2022, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) kỳ vọng doanh thu hoạt động của các ngân hàng trong danh sách theo dõi sẽ có mức tăng trưởng thấp hơn vào năm 2022 so với năm 2021 do đà tăng trưởng NIM hạ nhiệt so với mức tăng mạnh vào năm 2021.
VCSC cũng dự báo chi phí dự phòng/cho vay gộp sẽ suy giảm trong năm 2022 do việc trích lập dự phòng tại các ngân hàng quốc doanh trong năm 2021 sẽ ít áp lực hơn vào năm 2022.
Trên cơ sở đó, VCSC dự báo tăng trưởng tổng lợi nhuận ròng năm 2022 đạt 30,8% so với năm 2021, cao hơn mức dự báo chung của Bloomberg là 26,1%. Sự khác biệt chủ yếu nằm ở các giả định về phí bancassurance (bán bảo hiểm qua ngân hàng) ứng trước.
(VNF) - Dự án tổ hợp thương mại và dịch vụ kết hợp văn phòng được triển khai trên lô đất B2-CC4 thuộc Khu đô thị Tây Hồ Tây dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2027.