(VNF) - Năm 2022, thị trường mua bán, sáp nhập (M&A) tại Việt Nam phục hồi rõ rệt, ghi nhận khá nhiều giao dịch quy mô lớn với sự tham gia của nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Vietnamfinance xin giới thiệu bình chọn top 10 sự kiện M&A tiêu biểu nhất năm 2022.
1. Ngân hàng UOB (Singapore) mua lại toàn bộ mảng ngân hàng bán lẻ của Citigroup
Ngay đầu năm 2022, Ngân hàng Singapore United Overseas Bank (UOB) công bố việc mua lại mảng bán lẻ của Citigroup tại 4 quốc gia Đông Nam Á là Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam với giá khoảng 4,915 tỷ đô la Singapore (tương đương 3,65 tỷ đô la Mỹ).
UOB, vốn đã hiện diện rộng khắp tại khu vực ở Đông Nam Á, cho biết sẽ mua lại các danh mục cho vay tín chấp và có bảo đảm, các doanh nghiệp quản lý tài sản và tiền gửi bán lẻ của Citigroup tại 4 quốc gia này.
UOB cũng cho hay số tiền phục vụ hoạt động mua lại sẽ được tính toán dựa trên tổng phí bảo hiểm tương đương 915 triệu đô la Singapore cộng với giá trị tài sản ròng của mảng bán lẻ khi hoàn thành.
Về Citigroup, đây là một trong những tổ chức tài chính quốc tế đầu tiên có mặt tại Việt Nam, hoạt động dưới tên gọi First National City Bank trong giai đoạn 1972-1975. Năm 1993, ngân hàng tái thiết lập hoạt động với văn phòng đại diện đầu tiên tại Hà Nội. Citi cũng là ngân hàng Mỹ đầu tiên được cấp phép thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài với đầy đủ chức năng và dịch vụ tại Hà Nội năm 1994. Sau đó mở chi nhánh thứ hai tại TP. HCM vào năm 1998.
Vào tháng 4/2021, Citigroup từng cho biết có kế hoạch dừng mảng ngân hàng bán lẻ tại 13 thị trường khắp châu Á và châu Âu, Trung Đông và châu Phi, trong đó có Việt Nam. Hoạt động tại các khu vực này sẽ được Citigroup điều phối từ bốn trung tâm quản lý tài sản tại Singapore, Hong Kong, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và London.
2. Vinachem thoái xong vốn tại Hóa chất Đức Giang
Tháng 3/2022, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã bán xong hơn 6 triệu cổ phiếu DGC, chính thức đưa tỷ lệ sở hữu tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (HoSE: DGC) về 0%.
Số cổ phiếu này chiếm 3,53% vốn của Hóa chất Đức Giang. Trước đó, Vinachem đã bán thành công hơn 9,1 triệu cổ phiếu DGC trong thời gian từ ngày 8/11 đến ngày 7/12, theo phương thức khớp lệnh.
Cổ phiếu DGC giao dịch trong khoảng giá từ 172.000-188.710 đồng/cổ phiếu trong khoảng thời gian Vinachem thực hiện giao dịch. Như vậy, số tiền mà Vinachem đã thu về khi thực hiện thoái vốn Hóa chất Đức Giang có thể lên đến hơn 1.000 tỷ đồng.
3. Thế Giới Di Động liên doanh với công ty con của Tập đoàn Erajaya để thành lập PT Era Blue Elektronic
Thế Giới Di Động (MWG) ngày 15/3/2022 công bố chính thức hợp tác với PT Erafone Artha Retailindo (Erafone), một công ty con của Tập đoàn Erajaya để thành lập liên doanh PT Era Blue Elektronic (thương hiệu Era Blue).
Thế Giới Di Động đang vận hành mạng lưới hơn 3.000 cửa hàng, bao gồm Thegioididong.com (khoảng 1.000 cửa hàng và chiếm hơn 50% thị phần bán lẻ điện thoại di động toàn quốc); Điện máy Xanh (trên 2.000 cửa hàng và chiếm hơn 40% thị phần bán lẻ điện máy toàn quốc); Bluetronics - chuỗi bán lẻ lớn nhất trong lĩnh vực điện thoại di động và điện tử tiêu dùng tại Campuchia với 50 cửa hàng.
Trong khi đó, PT Erafone Artha Retailindo là nhà bán lẻ sản phẩm công nghệ số 1 tại Indonesia - vận hành mạng lưới khoảng 1.200 cửa hàng bán lẻ rộng khắp Indonesia, cung cấp thiết bị viễn thông, máy tính bảng, laptop và các sản phẩm khác trong cùng hệ sinh thái.
Đến tháng 11, Era Blue đã khai trương cửa hàng đầu tiên. Theo dự kiến, thời gian đầu tiên, cửa hàng điện máy của MWG sẽ tập trung ở một số thành phố lớn của Indonesia. Mục tiêu 5 năm, MWG sẽ mở một số lượng nhất định. Dù chưa thể tiết lộ về kế hoạch cụ thể, CEO Đoàn Văn Hiểu Em cho biết có thể không chỉ là mục tiêu về quy mô cửa hàng, doanh thu… MWG còn có cả chiến lược lên sàn.
Liên doanh Era Blue đánh dấu bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển ở nước ngoài của MWG và kỳ vọng sẽ đóng góp tích cực giúp nối dài chuỗi tăng trưởng trong tương lai.
4. Shinhan (Hàn Quốc) mua 10% Tiki Global
Đầu tháng 5/2022, Ngân hàng lớn thứ hai Hàn Quốc, Shinhan Financial Group đã tuyên bố quyết định mua lại 10% cổ phần tại công ty thương mại điện tử Tiki. Tập đoàn này cho hay, hai đơn vị Shinhan Bank và Shinhan Card của tập đoàn sẽ lần lượt nắm giữ 7,44% và 2,56% cổ phần Tiki.
Tập đoàn cũng cân nhắc đầu tư tổng cộng 40 triệu USD vào Tiki, có thể bao gồm cả việc mua lại các cổ phiếu hiện hữu.
Với nguồn tài nguyên 20 triệu người dùng trên Tiki, Shinhan Financial thể hiện mong đợi sẽ phối hợp được nguồn lực để tạo nên sự phát triển bùng nổ trên nhiều lĩnh vực, ví dụ như đa dạng hoá điểm chạm khách hàng, nâng cao khả năng đánh giá tín dụng nhờ vào sử dụng các nguồn dữ liệu khác nhau, và thích ứng nhanh chóng với môi trường số.
Bằng việc kết hợp giữa kinh nghiệm lâu năm trong dịch vụ tài chính của Shinhan Financial và cơ sở dữ liệu của Tiki, nhà đầu tư Hàn Quốc tham vọng phát triển một hệ sinh thái kỹ thuật số hội tụ mới tại Việt Nam, theo như một đại diện của Shinhan Financial phát biểu.
Tiki trước đó đã hoàn thành vòng gọi vốn series E dẫn dắt bởi AIA với trị giá 258 triệu USD vào tháng 11/2021. AIA đã góp 60 triệu USD vào nền tảng thương mại điện tử, và trở thành đối tác chiến lược của Tiki trong mảng bảo hiểm, cung cấp cho các khách hàng Tiki qua chính nền tảng ứng dụng thương mại điện tử.
5. CVC Capital Partners mua 60% cổ phần Phương Châu Group
Trong tháng 5/2022, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã tiếp nhận hồ sơ thông báo tập trung kinh tế đầy đủ, hợp lệ của Viet Care Company Pte. Ltd., Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Phương Châu và Bà Nguyễn Thị Ngọc Hồ.
Theo thông tin hồ sơ thông báo tập trung kinh tế, Viet Care Company Pte. Ltd. dự kiến mua cổ phần của Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Phương Châu từ Bà Nguyễn Thị Ngọc Hồ tương đương với 60% tỷ lệ sở hữu cổ phần của Phương Châu. Sau khi hoàn tất giao dịch dự kiến, Viet Care Company Pte. Ltd. là cổ đông lớn của Công ty Phương Châu với tỷ lệ sở hữu cổ phần là 60%. Các cổ đông gồm Bà Nguyễn Thị Ngọc Hồ và các cá nhân Việt Nam khác sở hữu 40% vốn điều lệ của Công ty Phương Châu. Căn cứ theo Khoản 4 Điều 29 Luật Cạnh tranh 2018, giao dịch là tập trung kinh tế giữa các doanh nghiệp được xác định là tập trung kinh tế theo hình thức mua lại doanh nghiệp.
Viet Care Company Pte. Ltd là công ty con của Viet Care Holding Ltd (Singapore) hoạt động trong lĩnh vực đầu tư vốn và chịu sự kiểm soát cao nhất bởi CVC Capital Partners SICAV-FIS S.A (gọi tắt là CVC). CVC là công ty tư nhân hoạt động trong lĩnh vực tư vấn đầu tư, hoặc quản lý đầu tư thay mặt cho một số quỹ và nền tảng đầu tư vào nhiều ngành nghề khác nhau chủ yếu ở châu Âu, Hoa Kỳ, Châu Á – Thái Bình Dương.
Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Phương Châu là công ty cổ phần sở hữu bởi Bà Nguyễn Thị Ngọc Hồ (88,9% tỷ lệ sở hữu cổ phần trong Công ty) và các cổ đông cá nhân Việt Nam khác. Hiện nay, Công ty Phương Châu có 02 công ty con là Công ty TNHH MTV Phương Châu Sóc Trăng, Công ty TNHH MTV Dược Phẩm và Trang Thiết bị Y tế Phương Châu và 03 chi nhánh vận hành 03 bệnh viện Đa khoa Quốc tế Phương Châu tại Cần Thơ, Sa Đéc và Sóc Trăng.
Ngày 9/6/2022, trên cơ sở các quy định hiện hành của pháp luật cạnh tranh, Bộ Công Thương đã thông báo việc tập trung kinh tế giữa Viet Care Company Pte. Ltd., Công ty Phương Châu và bà Nguyễn Thị Ngọc Hồ không thuộc trường hợp bị cấm theo quy định tại Điều 30 Luật Cạnh tranh.
6. Liên doanh giữa Hoàng Anh Gia Lai và Công ty Dược phẩm Đông Á để thành lập Công ty Bapi
Cuối tháng 5/2022, Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã thông qua việc góp vốn thành lập Công ty Cổ phần Bapi Hoàng Anh Gia Lai (Bapi HAGL).
Theo đăng ký, Bapi HAGL có ngành nghề chính là bán buôn thực phẩm, cụ thể là mua bán hàng công nghệ thực phẩm, rau, củ quả tươi và đông lạnh, thịt và các sản phẩm từ thịt.
Doanh nghiệp có vốn điều lệ của công ty là 50 tỷ đồng, trong đó, tập đoàn của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) sẽ góp 27,5 tỷ đồng, tương đương với 55% vốn.
Ngoài ra, Bapi HAGL còn có 2 cổ đông sáng lập khác gồm: Công ty TNHH Thương mại Dược phẩm Đông Á góp 20 tỷ đồng (chiếm 40% vốn điều lệ) và bà Hoàng Thị Kim Nhung góp 2,5 tỷ đồng (tương đương 5% vốn điều lệ).
Dù nắm cổ phần chi phối nhưng HAGL không điều hành Bapi HAGL, thay vào đó, Tổng giám đốc đồng thời là người đại diện theo pháp luật của công ty là ông Đinh Văn Lộc.
Trước đó, tại đại hội thường niên tổ chức hồi đầu tháng 4, bầu Đức hé lộ liên doanh của HAGL sẽ bán thịt heo và các sản phẩm chế biến như xúc xích, chả giò do công ty ông cung cấp, còn Đông Á chịu trách nhiệm phân phối, phát triển hệ thống cửa hàng.
Chủ tịch HAGL cũng chia sẻ, mục tiêu thành lập Bapi HAGL để phát triển buôn bán thịt heo có hệ thống và chuyên nghiệp.
Chủ tịch HAGL đặt tham vọng sẽ đạt doanh số tiêu thụ lên đến 1 triệu con heo thịt mỗi năm, đồng thời xây dựng hệ thống 5.000 cửa hàng để phân phối thịt heo có thương hiệu. Theo ông, việc sử dụng lượng chuối tươi bỏ đi trong quá trình thu hoạch để làm thức ăn cho heo giúp công ty sở hữu lợi thế cạnh tranh lớn về chi phí đầu vào.
Công ty cũng sẽ xây dựng và nhượng quyền thương hiệu. Bắt đầu từ tháng 7 công ty đã đi vào hoạt động và bán thịt heo ra thị trường.
7. Novaland nhận 250 triệu USD từ nhóm quỹ đầu tư do Warburg Pincus
Đầu tháng 6/2022, Tập đoàn Novaland công bố nhận khoản đầu tư 250 triệu USD từ nhóm quỹ đầu tư do Warburg Pincus dẫn đầu.
Warburg Pincus có tổng tài sản đang quản lý (AUM) giá trị hơn 80 tỷ USD, đồng thời sở hữu danh mục đầu tư gồm hơn 245 công ty ở các giai đoạn phát triển, lĩnh vực và khu vực địa lý khác nhau.
Khoản huy động 250 triệu USD sẽ được phân bổ cho việc gia tăng quỹ đất và phát triển các dự án của Novaland tại các vị trí chiến lược, tận dụng cơ sở hạ tầng đang dần hoàn thiện ở miền Nam. Đây cũng là lần huy động vốn có quy mô lớn thành công tiếp theo của Novaland với các nhà đầu tư quốc tế trong vòng chưa đầy một năm kể từ khi phát hành trái phiếu chuyển đổi quốc tế niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore vào tháng 7/2021. Ngoài ra, trong giao dịch này, Credit Suisse đóng vai trò là cố vấn tài chính duy nhất cho Novaland.
Ông Bùi Xuân Huy - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Novaland cho biết, Warburg Pincus là đối tác chiến lược quan trọng và việc đồng hành cùng Novaland với giá trị giải ngân lớn cho thấy niềm tin mạnh mẽ mà họ đặt vào tiềm năng tăng trưởng của tập đoàn.
"Bề dày kinh nghiệm của Warburg Pincus trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản ở Việt Nam và châu Á có giá trị rất lớn với Novaland. Chúng tôi kỳ vọng mối quan hệ này sẽ đem lại những trái ngọt trong giai đoạn phát triển mới của tập đoàn", ông Huy nhấn mạnh.
8. Nova Consumer và Công ty TNHH Thực phẩm Mặt trời mọc (Sunrise Foods)
Quý II năm nay, Nova Consumer đã hoàn tất thương vụ M&A công ty TNHH Thực phẩm Mặt trời mọc (Sunrise Foods), qua đó sở hữu công ty Anco Family Food. Đây cũng là doanh nghiệp có hệ thống phân phối rộng khắp cả nước với 80.000 điểm bán lẻ truyền thống và hơn 4.000 điểm bán tại siêu thị.
Thương vụ này thành công đánh dấu bước hoàn thiện của Nova Consumer vào chuỗi 3F (Feed – thức ăn chăn nuôi, Farm – nông trại, Food – thực phẩm) để sản xuất thực phẩm chất lượng cao, an toàn đến tay người tiêu dùng. Chiến lược này giúp Nova Consumer tự chủ được các yếu tố đầu vào, khép kín chuỗi sản xuất và tránh những tác động từ bên ngoài, kiểm soát được nguồn gốc và chất lượng đầu vào của vật nuôi, đồng thời đảm bảo chất lượng đầu ra cao nhất. Do mô hình sản xuất khép kín, Nova Consumer có thể tối đa hóa biên lợi nhuận của công ty, đồng thời tạo đòn bẩy và động lực phát triển cho những mảng kinh doanh khác.
Theo đó, từ quý III trở đi, doanh thu và lợi nhuận hợp nhất của doanh nghiệp sẽ được bổ sung từ mảng hàng tiêu dùng. Từ quý IV trở đi, dự kiến Nova Consumer mở rộng thêm mảng trang trại heo, qua đó tiếp tục bổ sung thêm vào doanh thu và lợi nhuận hợp nhất. Đây sẽ là những cơ sở vững chắc để đảm bảo hoàn thành kế hoạch lợi nhuận đề ra cho 2022.
9. Thương vụ trị giá 280 triệu USD - Công ty TNHH The Sherpa (thuộc Masan Group) mua lại 85% Phúc Long Heritage.
Công ty TNHH The SHERPA (công ty con sở hữu gián tiếp của Masan) đã mua thêm 10,8 triệu cổ phiếu phổ thông, tương đương 34% lợi ích vốn chủ sở hữu của Công ty Cổ phần Phúc Long Heritage vào ngày 1/8. Thương vụ có giá trị khoảng 3.617 tỷ đồng.
Đây là lần thứ 3 Masan Group rót vốn vào chuỗi trà, cà phê Phúc Long, qua đó nâng lợi ích vốn chủ sở hữu lên 85%. Tổng cộng, tập đoàn đã đầu tư 6.453 tỷ đồng vào chuỗi đồ uống này, với mức định giá trong đợt rót vốn gần nhất khoảng 10.640 tỷ đồng.
Masan lần đầu tiên rót vốn vào Phúc Long hồi tháng 5/2021 thông qua công ty con The SHERPA. Với giá trị giao dịch 346 tỷ đồng đổi lấy 20% cổ phần, mức định giá lần đầu Masan dành cho chuỗi trà, cà phê này là 1.728 tỷ đồng.
Đến đầu năm nay, Masan tiếp tục bỏ ra 2.490 tỷ đồng để nâng tỷ lệ sở hữu tại Phúc Long lên 51%, tương đương mức định giá 8.034 tỷ đồng.
10. Gamuda Land thâu tóm dự án Uni Galaxy gần 1.300 tỷ đồng
Tháng 9/2022, Công ty Cổ phần Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (HoSE: TDC) đã thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ dự án Khu nhà ở thương mại dãy phố ngân hà (Uni Galaxy).
Theo đó, HĐQT công ty thống nhất thông qua việc ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ dự án khu nhà ở thương mại dãy phố ngân hà (Uni Galaxy) cho Công ty TNHH Gamuda Land Bình Dương với tổng giá trị chuyển nhượng là hơn 1.284 tỷ đồng; trong đó giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất là 1.250 tỷ đồng và giá chuyển nhượng hạ tầng kỹ thuật chưa bao gồm thuế GTGT là 34,6 tỷ đồng.
TDC là doanh nghiệp được thành lập trên cơ sở cổ phần hóa bộ phận kinh doanh bán buôn, bán lẻ trực thuộc Becamex IDC. Hiện Becamex IDC là cổ đông lớn, nắm giữ tới 60,7% vốn điều lệ của TDC.
Được biết, khoảng 3 năm trước Becamex IDC công bố mua lại Dự án Uni Galaxy từ TDC với giá trị 1.137 tỷ đồng (tương đương với giá 20,3 triệu/m2).
Dự án Uni Galaxy được triển khai tại các lô đất có tổng diện tích hơn 56.000 m2 tại phường Hòa Phú, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Thời hạn sử dụng đất của dự án này là lâu dài.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone