TP. HCM kiến nghị loạt giải pháp gỡ khó trong cung ứng xăng dầu

Trần Lê - 16/11/2022 09:59 (GMT+7)

(VNF) - Sở Công Thương TP. HCM gửi UBND TP. HCM dự thảo xem xét trình Thủ tướng Chính phủ các giải pháp tháo gỡ khó khăn và đảm bảo cung ứng xăng dầu trên địa bàn thành phố.

VNF
Tính đến ngày 14/11, trên địa bàn TP. HCM có 15 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, 61 thương nhân phân phối, 1 thương nhân làm tổng đại lý, 32 đại lý bán lẻ và 549 cửa hàng bán lẻ xăng dầu (ảnh minh họa).

Tính đến ngày 14/11, trên địa bàn TP. HCM có 15 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, 61 thương nhân phân phối, 1 thương nhân làm tổng đại lý, 32 đại lý bán lẻ và 549 cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

Trên địa bàn TP. HCM có 4/549 cửa hàng xăng dầu tạm ngưng kinh doanh để sửa chữa. Bên cạnh đó, trong thời gian qua, nhất là từ ngày 1/10 đến nay, có tình trạng một số cửa hàng kinh doanh xăng dầu gián đoạn do tạm hết xăng.

Trung bình mỗi ngày có 9-20% số cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại TP. HCM tạm thời thiếu hụt mặt hàng xăng.

Ngoài những nguyên nhân khách quan ảnh hưởng đến nguồn cung, có một số trường hợp thương nhân không chủ động nhập hàng dẫn đến thiếu nguồn hàng cung ứng cho thị trường…

Trước thực tế này, TP. HCM đề xuất cần rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng dầu. Bên cạnh đó, cần có giải pháp điều hành theo biên độ giá xăng dầu tăng/giảm phù hợp với thị trường; đồng thời đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh còn từ 3-5 ngày (kể cả ngày nghỉ) so với quy định hiện hành là 10 ngày.

Tiếp đến, đề xuất điều chỉnh chi phí định mức áp dụng trong tính toán cơ cấu giá cơ sở đối với mặt hàng xăng dầu. Chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức do Bộ Tài Chính xác định và thông báo hàng năm để Bộ Công Thương áp dụng trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu đã được áp dụng tứ năm 2014 nên không còn phù hợp với thực tiễn.

TP. HCM cũng kiến nghị điều chỉnh cách thức áp dụng giá trị trong tính toán giá cơ sở. Quy định chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, khoảng chênh lệch giá trong nước so với giá thế giới và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng đang áp dụng đơn vị tính đồng/lít để tính toán trong giá cơ sở.

Trong khi đó, tập quán giao dịch của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu với nhà cung cấp được tính theo giá USD/thùng. Chưa kể thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước điều hành tỷ giá linh hoạt theo chiều hướng tăng liên tục.

TP. HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương nghiên cứu áp dụng theo đơn vị tính phù hợp với công thức tính bù trừ tương thích để phản ánh phù hợp biến động của tỷ giá và định kỳ hàng quý rà soát số liệu để điều chỉnh kịp thời trong trường hợp có biến động bất thường. TP. HCM đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo các thương nhân đầu mối chia sẻ nguồn cung, lợi nhuận trong hệ thống phân phối cho các đại lý, cửa hàng bán lẻ, đảm bảo mức chiết khấu tối thiểu 500 đồng/lít…

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và tạo điều kiện cho thương nhân đầu mối nhập khẩu xăng dầu cung cấp cho thị trường trong nước, TP. HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định việc gia hạn nộp thuế đúng quy định cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong một giai đoạn nhất định.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, từ cuối năm 2021 đến nay, các chi phí kinh doanh xăng dầu thực tế (chi phí vận chuyển, premium…) tăng liên tục và tăng cao nhưng những chi phí này chưa được rà soát, điều chỉnh tăng và tính đúng, tính đủ khi tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu do Nhà nước điều hành, nên chưa khuyến khích doanh nghiệp nhập xăng, dầu để cung ứng cho thị trường trong nước.

Trong khi giá xăng dầu tăng, tỷ giá USD/VND tăng thì nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn, khó tiếp cận nguồn ngoại tệ, nguồn tín dụng (các doanh nghiệp không đủ điều kiện để vay tiền tại các tổ chức tín dụng). 

Vì vậy, nguồn tài chính của các doanh nghiệp đầu mối bị ảnh hưởng nên các doanh nghiệp xăng dầu chỉ duy trì nhập khẩu lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối trực thuộc của doanh nghiệp mình và duy trì lượng hàng dự trữ tồn kho theo quy định.

Cùng chuyên mục
Tin khác