TP. HCM ủy quyền cho các quận được quyết định dự án đầu tư công dưới 120 tỷ đồng

Trần Lê - 24/05/2023 13:20 (GMT+7)

(VNF) - Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi vừa ký quyết định ủy quyền cho Chủ tịch UBND các quận quyết định đầu tư đối với các dự án đầu tư công nhóm C trước đây sử dụng nguồn vốn ngân sách quận hoặc sử dụng vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách TP. HCM cho ngân sách quận.

VNF
TP. HCM ủy quyền cho các quận được quyết định dự án đầu tư công dưới 120 tỷ đồng(ảnh minh họa)

Thời hạn ủy quyền từ ngày 29/5/2023 đến ngày 31/12/2025. Để quyết định này thực thi không chồng chéo, UBND thành phố cũng chấm dứt các nội dung ủy quyền khác trái với quy định trên.

Việc chủ tịch UBND các quận được ủy quyền duyệt dự án đầu tư công nhóm C sẽ giúp địa phương tháo gỡ điểm 'nghẽn' trong xây dựng các dự án trường học, chỉnh trang đô thị.

Như vậy, Chủ tịch UBND các quận sẽ được thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của người có thẩm quyền quyết định đầu tư theo Luật Đầu tư công năm 2019, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng và các quy định có liên quan.

Dự án nhóm A gồm các dự án có tổng mức đầu tư từ 800 tỷ đồng đến hơn 2.300 tỷ đồng; nhóm B từ 45 tỷ đồng đến dưới 2.300 tỷ đồng; nhóm C từ dưới 45 tỷ đồng đến dưới 120 tỷ đồng.

Đặc biệt, nếu dự án đầu tư công nhóm B, C thuộc thẩm quyền quyết định của chủ tịch UBND cấp huyện thì chủ tịch UBND huyện tổ chức thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công mà không phải để cơ quan khác tổ chức thẩm định, báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo kinh tế kỹ thuật... như quy định trước đây.

Không chỉ vậy, các dự án trên dù thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin cũng không phải thông qua Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi như trước, trừ chương trình, dự án thuộc thẩm quyền thẩm định của hội đồng thẩm định các chương trình, dự án đầu tư công do chủ tịch UBND thành phố thành lập. 

Hiện nay, TP. HCM có tổng cộng 16 quận, 5 huyện và 1 thành phố.

Đây được xem là một quyết định kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện đầu tư công mà các quận nghẽn trong suốt thời gian qua khi TP. HCM thực hiện mô hình chính quyền đô thị.

Khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị, thẩm quyền này được giao về cho các sở, ngành, dù có những dự án với kinh phí quận hoàn toàn có thể đảm đương.

Hệ lụy là nhiều dự án trường học, chỉnh trang đô thị (sửa chữa, nâng cấp hẻm, vỉa hè…) dù kinh phí đầu tư không nhiều vẫn phải chờ sở, ngành tổng hợp, tham mưu trình UBND TP. HCM duyệt cấp ngân sách.

Cùng chuyên mục
Tin khác