Tranh chấp giữa Vinasun - Grab: Phía Grab có thể bị phạt 41,2 tỷ đồng

Trí Anh - 24/10/2018 08:21 (GMT+7)

(VNF) - Sau 4 ngày xét xử, chiều ngày 23/10, Viện kiểm sát (VKS) đã đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) chấp nhận toàn bộ yêu cầu bồi thường của Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun), buộc Grab bồi thường hơn 41,2 tỷ đồng.

VNF
Viện kiểm sát kiến nghị Grab bồi thường 41,2 tỷ đồng vì gây thiệt hại cho Vinasun

Trước khi tòa nghị án, đại diện VKS nhận định, theo đơn khởi kiện của nguyên đơn thì đây là tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đã được nguyên đơn chứng minh trong quá trình xét hỏi.

Ngoài ra, đề án 24 không phải là đối tượng khởi kiện trong vụ án này nên việc bị đơn cho rằng vụ án không thuộc thẩm quyền của tòa, chỉ là khiếu kiện hành chính là không phù hợp. Việc Grab đề nghị đưa Bộ GTVT về để làm sáng tỏ vụ án nhưng do đề án 24 không phải là đối tượng khởi kiện nên không cần thiết đưa Bộ GTVT vào tham gia tố tụng. 

Về nội dung, giấy đăng ký kinh doanh của Grab thể hiện lĩnh vực đăng ký kinh doanh vận tải mặc dù theo đề án 24 Grab chỉ cung cấp nền tảng kết nối. Grab đã lợi dụng đề án 24 để điều hành dịch vụ vận tải taxi: thu tiền cước, quản lý tài xế, quyết định mức chiết khấu, thưởng phạt với tài xế,…Grab thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, trong đó có cả cuốc xe 0 đồng.

Do đó, có đủ cơ sở xác định Grab là doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi, kinh doanh không đúng đề án 24, vi phạm Luật Doanh nghiệp 2014 về kê khai không trung thực.

Theo kết quả khảo sát của trung tâm nghiên cứu, có 40% khách hàng của Vinasun chuyển qua sử dụng dịch vụ của Grab. Theo báo cáo giám định của công ty Cửu Long, số lượng xe của Grab gần 13.000 xe. Các kết quả này hoàn toàn phù hợp.

Do đó, VKS đề nghị HĐXX chấp nhận toàn bộ yêu cầu bồi thường của Vinasun, buộc Grab bồi thường hơn 41,2 tỷ đồng.

Ông Trương Đình Quý, Phó Tổng giám đốc của Vinasun khẳng định, hợp tác xã chỉ là bình phong để Grab thực hiện chức năng của một doanh nghiệp vận tải taxi.

Phản ứng lại lập luận của Vinasun, đại diện Grab cho rằng, Grab là công ty cung cấp công nghệ để kết nối giữa các công ty vận tải với tài xế và hành khách. Quyết định 24 là quyết định mở cho các công ty cung cấp công nghệ để kết nối ở một ngành nghề nào đó.

Chính Vinasun cũng được tham gia đề án 24 và đó hoàn toàn là công bằng. Chưa bao giờ có chuyện một công ty kiện một công ty khác khi công ty mình không áp dụng được công nghệ.

“Nếu Grab vi phạm Quyết định 24 thì các cơ quan chức năng hoàn toàn có thể xử lý, nhưng tới nay chúng tôi không hề bị xử lý”, đại diện Grab khẳng định .

Về số tiền thiệt hại mà Vinasun đề cập, đại diện Grab cho rằng bản chứng thư giám định của Công ty Cửu Long có rất nhiều 'vấn đề'.

Ngoài ra, Vinasun còn “tố” Grab bị Cục thuế TP. HCM ra quyết định xử phạt 2,9 tỷ đồng. Phản đối lại lời tố này, đại diện Grab khẳng định mình được kiểm toán bởi Cục thuế TP. HCM, cơ quan chức năng không có xử phạt nào liên quan đến thuế. Grab cho rằng phía doanh nghiệp này đã hoàn thành tất cả nghĩa vụ về thuế theo pháp luật.

Xét thấy vụ án phức tạp cần có thời gian nghị án, HĐXX quyết định tuyên án vào 14h ngày 29/10.

Trước đó, tại các ngày xét xử, phía luật sư của Vinasun vẫn giữ quan điểm, khẳng định Grab vi phạm đề án 24 của Bộ GTVT, đăng ký dịch vụ cung ứng phần mềm nhưng lại kinh doanh vận tải taxi, chiêu mộ lực lượng tài xế khổng lồ nên gây thiệt hại cho Vinasun.

Đại diện của Vinasun chỉ ra Grab vi phạm quy định về khuyến mãi, cụ thể là có 40 chương trình khuyến mại không thông báo và kéo dài thời gian khuyến mại. Vinasun nhấn mạnh Grab không chỉ vi phạm đề án 24 mà còn vi phạm Luật Thương mại, Luật Lao động, Thương mại điện tử, Thuế,...

Vinasun cũng cho rằng dựa vào việc báo lỗ 4 năm hơn 1.700 tỷ thì việc Grab cho biết có đóng thuế Thu nhập doanh nghiệp là điều mà tòa cần xem xét lại.

Về phần Grab, công ty này khẳng định cung cấp dịch vụ công nghệ cho công ty taxi chứ không kinh doanh vận tải. Bị đơn cho biết cũng như Vinasun, Grab cũng đăng ký nhiều ngành nghề kinh doanh vì không biết sẽ chọn kinh doanh nào nhưng không sử dụng lĩnh vực đó. Đại diện doanh nghiệp này cho biết  từ ngày 2/3/2017, Grab nhận quyết định từ Bộ Công Thương, yêu cầu rút ngành nghề kinh doanh vận tải vì chưa bao giờ sử dụng ngành nghề kinh doanh này.

Đối với phần trăm chiết khấu dành của lái xe thay đổi liên tục, Grab cho rằng dựa vào chi phí vận hành càng ngày càng tăng và doanh nghiệp này cung cấp nhiều dịch vụ hỗ trợ cho tài xế. Căn cứ để thay đổi dựa vào hợp đồng hợp tác kinh doanh và thỏa thuận giữa các bên. Nếu hợp tác xã không đồng ý với mức chiết khấu đó thì có quyền chấm dứt.

Grab cho biết mục tiêu kinh doanh nhắm đến việc cung cấp dịch vụ về công nghệ để hỗ trợ xã hội và người dân, hướng đến nền công nghệ 4.0. Grab tin tưởng về lâu dài sẽ tạo ra lợi nhuận.

Cùng chuyên mục
Tin khác