Tránh sập bẫy tội phạm công nghệ cao: 'Bảo mật thông tin cá nhân là then chốt'

Khánh Hồng - 02/06/2024 15:00 (GMT+7)

(VNF) - Tội phạm công nghệ cao hoạt động ngày càng nhiều với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó phát hiện đặt ra nhiều thách thức cho lực lượng công an. Chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tội phạm công nghệ cao là hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Đầu tư Tài chính đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Nguyễn Đức Dũng, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam về vấn đề này.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Dũng, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam

- Thiếu tướng đánh giá thế nào về tình hình tội phạm công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Quảng Nam?

Thiếu tướng Nguyễn Đức Dũng: Tình hình tội phạm công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Quảng Nam tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó dự đoán. Chỉ tính riêng trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam xảy ra 119 vụ gồm 139 đối tượng liên quan đến công nghệ cao với nhiều loại tội phạm như: Tổ chức đánh bạc, tín dụng đen, xâm nhập trái phép mạng máy tính, phát tán tin nhắn rác…

Trong đó, chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tội phạm công nghệ cao là hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng với 97 vụ, sử dụng công nghệ cao để lừa đảo đang là xu hướng phạm tội của loại tội phạm này.

- Lực lượng Công an tỉnh Quảng Nam đã gặp khó khăn, thách thức thế nào trong đấu tranh và phòng, chống đối với loại tội phạm này?

Trong công tác đấu tranh và phòng, chống tội phạm nói chung, tội phạm sử dụng công nghệ cao nói riêng, lực lượng công an gặp nhiều khó khăn, thách thức. Đó là phương thức thủ đoạn hoạt động tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức hoạt động thực hiện hành vi gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.

Trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ tại công an các đơn vị, địa phương còn thiếu; số lượng, chất lượng cán bộ điều tra về phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao còn thiếu.

Bên cạnh đó, đối tượng phạm tội đa phần là đối tượng trẻ, am hiểu và có nghiên cứu công nghệ thông tin chuyên sâu; thường xuyên thay đổi địa bàn hoạt động gây khó khăn trong việc điều tra, xác minh. Việc phát hành và quản lý thẻ ATM của các ngân hàng rộng rãi dẫn đến đối tượng lợi dụng để khai thác sử dụng (mua bán thẻ ATM, nhờ người khác làm thẻ) gây khó khăn trong việc điều tra làm rõ người giao dịch thật sự.

Ngoài ra, tội phạm sử dụng công nghệ cao có độ “ẩn” cao, phạm vi ảnh hưởng xuyên biên giới hoặc thành lập các doanh nghiệp núp bóng, thuê người đứng tên; sử dụng sim rác, tài khoản không chính chủ, tài khoản xã hội ảo... Đồng thời lợi dụng các công ty trung gian thanh toán, thương mại điện tử, dịch vụ vận chuyển để hoạt động gây khó khăn trong công tác điều tra, xác minh.

- Để đấu tranh với những tội phạm giữa “ma trận” thông tin trên không gian mạng trong tình hình mới, đòi hỏi người cán bộ, chiến sĩ công an phải như thế nào, thưa Thiếu tướng?

Trong công cuộc chạy đua với nền công nghệ số, công tác phòng chống tội phạm đối với những loại tội phạm này cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức lớn, đòi hỏi người cán bộ, chiến sỹ công an cần phải có phẩm chất, năng lực đáp ứng, vững về chính trị, tinh thông về nghiệp vụ, nắm vững pháp luật, có kiến thức cần thiết về khoa học – kỹ thuật, am hiểu về công nghệ nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế.

Người cán bộ, chiến sĩ công an cũng phải có lập trường tư tưởng vững vàng; trao đổi, cập nhật kiến thức công nghệ thông tin, nhận diện, nắm bắt kịp thời sự chuyển hướng của tội phạm từ truyền thống sang sử dụng không gian mạng để từ đó chủ động trong công tác tham mưu, triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh.

Ảnh minh hoạ

- Lực lượng Công an tỉnh Quảng Nam đã triển khai những giải pháp gì để công tác đấu tranh và phòng, chống tội phạm công nghệ cao được hiệu quả, thưa Thiếu tướng?

Để công tác phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đạt hiệu quả cao, lực lượng công an tỉnh luôn bám sát những nội dung chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an trong công tác phòng, chống tội phạm. Căn cứ yêu cầu, tình hình thực tiễn để đề ra nhiều giải pháp cụ thể. Cụ thể, công an tỉnh đã triển khai thực hiện nghiêm túc các ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an về các mặt công tác gắn với công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện có hiệu quả thực chất. Đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất (nguồn kinh phí do UBND tỉnh hỗ trợ).

Xác định tội phạm lợi dụng không gian mạng xâm phạm trật tự an toàn xã hội là tội phạm ẩn, nên tăng cường công tác nắm tình hình địa bàn, đối tượng. Bên cạnh đó, chú trọng nâng cao chất lượng cán bộ chiến sĩ trực tiếp làm công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Công tác thông tin, tuyên truyền đóng vai trò rất quan trọng để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội đối với công tác phòng, chống tội phạm lợi dụng không gian mạng xâm phạm trật tự an toàn xã hội trong tình hình hiện nay. Cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí trong công tác tuyên truyền; thường xuyên cảnh báo phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm, hướng dẫn nhân dân tố giác tội phạm trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an và phương tiện truyền thông khác nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

Trong thời gian qua, Công an tỉnh Quảng Nam đã có nhiều kết quả, thành tích nổi bật được lãnh đạo các cấp và quần chúng nhân dân ghi nhận, trong đó khám phá đấu tranh nhiều chuyên án liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tín dụng đen, triệt xóa nhiều tụ điểm tổ chức đánh bạc, đánh bạc trên không gian mạng.

Chỉ tính riêng năm 2023, Công an tỉnh Quảng Nam đã khởi tố 88 vụ, 140 bị can về các hành vi sử dụng không gian mạng xâm phạm trật tự xã hội. Đặc biệt, phải kể đến chiến công đặc biệt xuất sắc của lực lượng Công an tỉnh trong năm 2023 về đấu tranh với đường dây cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự dưới hình thức cho vay qua app với quy mô lên đến 20.000 tỷ đồng.

- Thiếu tướng có khuyến cáo gì với người dân để tránh bẫy của tội phạm công nghệ cao?

Đối với loại tội phạm công nghệ cao, phần lớn các đối tượng là thanh thiếu niên trẻ tuổi, có trình độ công nghệ thông tin; các đối tượng thường tìm tòi, sử dụng nhiều thủ đoạn, phương thức mới để người dân “sập bẫy”. Đối tượng nhắm đến của loại tội phạm này là tất cả mọi người dân, mọi thành phần và lứa tuổi đều là mục tiêu tấn công của tội phạm. Để phòng ngừa, tránh “bẫy” của tội phạm này, người dân cần lưu ý yếu tố then chốt đầu tiên là bảo mật thông tin cá nhân và người thân, như hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng, sử dụng mật khẩu an toàn để bảo vệ các tài khoản trên mạng…

Người dân cũng cần nâng cao tinh thần cảnh giác, thận trọng khi tiếp cận với công nghệ, tránh “sập bẫy” kẻ xấu. Cần nâng cao, trang bị kỹ năng về an toàn thông tin. Ngoài ra, khi xảy ra vụ việc hoặc nghi vấn đối tượng dẫn dụ, người dân cần kịp thời thông báo cho cơ quan công an gần nhất để được tiếp nhận, giải quyết.

- Xin cảm ơn Thiếu tướng!

Cùng chuyên mục
Tin khác