Mỹ sẽ chính thức chấm dứt giám sát Tập đoàn Internet cấp số và tên miền (ICANN) vào ngày 1/10 tới bất chấp nhiều tiếng nói phản đối trong nước. ICANN là tổ chức phi lợi nhuận được thành lập vào năm 1998, đặt trụ sở tại Los Angeles và được giao nhiệm vụ cấp địa chỉ IP toàn cầu cũng như giám sát hệ thống tên miền internet (DNS).
Trong bối cảnh địa chính trị toàn cầu có nhiều xung đột và bất ổn, việc Chính phủ Mỹ nắm quyền kiểm soát tổ chức quản lý hệ thống tên miền cấp cao quốc tế khiến không ít quốc gia lo ngại. Gần đây, ICANN liên tục bị cộng đồng quốc tế chỉ trích nặng nề về chuyện hoạt động dưới sự kiểm soát của Chính phủ Mỹ.
Hai bên đã nhất trí về các điều khoản liên quan vào năm 2014. Quá trình "chuyển giao quyền lực" dự kiến hoàn tất vào tháng 9/2015 nhưng sau đó bị trì hoãn. Tuy nhiên, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Lawrence E. Strickling hôm 16/8 cho biết kể từ ngày 1/10, Cơ quan Quản lý viễn thông và thông tin quốc gia (NITA, trực thuộc Bộ Thương mại Mỹ) và ICANN sẽ không còn cùng nhau kiểm soát Tổ chức Cấp phát số hiệu internet (IANA).
Bước đi trên không ảnh hưởng đến 3 tỉ người dùng internet hiện nay và nhận được sự ủng hộ của không ít quốc gia. Tuy nhiên, không ít quan chức, chính khách Mỹ, nhất là phe Cộng hòa, lại phản đối mạnh mẽ. Một bài viết trên trang web của Thượng nghị sĩ Ted Cruz nhấn mạnh, "Nếu đề xuất này được thông qua, các quốc gia như Nga, Trung Quốc và Iran có thể kiểm duyệt ngôn luận trên internet, kể cả ở Hoa Kỳ, bằng cách ngăn chặn truy cập vào các trang web mà họ không thích".
"Tổng thống Barack Obama đã ném internet vào bầy sói và những nước như Nga, Trung Quốc, Iran… sẵn sàng ăn tươi nuốt sống nó" - tài liệu của Đảng Cộng hòa công bố vào tháng vừa rồi ví von.
Kể từ sau khi Hoa Kỳ ra thông báo trên năm 2014, Trung Quốc đã không che giấu động thái sắp tới của họ.
Tháng 11/2014, Li Yuxiao, một nhà nghiên cứu tại Học viện Không gian ảo Trung Quốc, đã nói rằng "Hiện tại là thời điểm để Trung Quốc hiện thực hóa trách nhiệm của mình. Nếu Hoa Kỳ sẵn sàng từ bỏ quyền kiểm soát internet toàn cầu, câu hỏi đặt ra là ai sẽ tiếp quản gậy chỉ huy và sẽ điều hành như thế nào?", China Daily đưa tin.
Trong hai năm qua, chính quyền Trung Quốc đã soạn thảo một một bộ luật kiểm soát mọi khía cạnh của internet, đồng thời thành lập hoặc nắm quyền kiểm soát những tổ chức trong nước và quốc tế để thúc đẩy các luật kiểm soát internet mới này.
Theo tờ Wall Street Journal, chính quyền Trung Quốc cũng đã bắt đầu kêu gọi các công ty, bao gồm tập đoàn Microsoft, tập đoàn Intel, Cisco và IBM vào Ủy ban Công nghệ 260. Ủy ban này sẽ giúp đỡ chính quyền Trung Quốc soạn thảo các quy tắc gồm mã hóa, big data và an ninh mạng, và xác định các công nghệ nào nên được "đảm bảo an toàn và có thể kiểm soát được" bởi chế độ Trung Quốc.
Vào ngày 25/3/2016, Hiệp hội An ninh mạng Trung Quốc, một tổ chức phi lợi nhuận của quốc gia (NPO) đã được thành lập, nhưng theo một báo cáo từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Hiệp hội này đặt dưới quyền chỉ đạo trực tiếp của Tiểu ban An ninh mạng và Thông tin, chủ trì bởi lãnh đạo Chủ tịch Tập Cận Bình và "chịu trách nhiệm định hướng và thực thi các chính sách an toàn thông tin, chính sách internet và luật."
Bản báo cáo cho biết Trung Quốc "đang thực hiện với một tốc độ chóng mặt để phát triển các tổ chức, cũng như các cơ chế pháp lý cần thiết để tăng cường quản lý mạng".