Trung Quốc phá giá nhân dân tệ, kinh tế Việt Nam khó tránh cảnh chịu áp lực
Nguyễn Mạnh -
17/05/2019 06:47 (GMT+7)
Nhiều chuyên gia nhận định, khi Trung Quốc thực hiện phá giá đồng NDT thì nước này sẽ phải đối mặt với nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô trầm trọng, ngoài tầm kiểm soát. Động thái này cũng được đánh giá là có tác động không nhỏ đến nhiều nền kinh tế khác, trong đó có Việt Nam.
Đồng NDT của Trung Quốc đang bị phá giá thấp nhất so với đồng USD kể từ tháng 12 khi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang. Theo CNBC, đồng nhân dân tệ đã giảm 2,5% giá trị trong tháng này.
Nhiều chuyên gia nhận định, khi Trung Quốc thực hiện phá giá đồng NDT thì nước này sẽ phải đối mặt với nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô trầm trọng, ngoài tầm kiểm soát. Động thái này cũng được đánh giá là có tác động không nhỏ đến nhiều nền kinh tế khác, trong đó có Việt Nam.
Trao đổi với PV, chuyên gia kinh tế Võ Đaị Lược - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới cho biết việc Trung Quốc hạ giá nhân dân tệ khó tránh những ảnh hưởng lên nền kinh tế Việt Nam. Theo ông Lược, động thái này gây áp lực đáng kể lên VND.
Ông Lược từng nhiều lần nhấn mạnh, việc VND bị định giá cao gây tác động xấu tới nền sản xuất trong nước, không hỗ trợ xuất khẩu, ảnh hưởng đến cơ cấu kinh tế.
“Việc Trung Quốc tiếp tục hạ giá đồng NDT vừa qua càng khiến đồng VND lại càng chịu thêm sức ép. Khi đồng NDT giảm giá, hàng Trung Quốc cạnh tranh một cách áp đảo với hàng hoá Việt Nam”, ông Võ Đại Lược lo ngại khả năng nếu NDT tiếp tục giảm giá, áp lực nhập siêu từ Trung Quốc sẽ càng nặng nề. Điều này có thể khiến các doanh nghiệp nội địa Việt Nam phải chịu cạnh tranh quyết liệt không chỉ ở lĩnh vực xuất khẩu mà ngay cả trên sân nhà.
Ông Lược cũng lo ngại khi chiến tranh thương mại ngày càng căng thẳng thì doanh nghiệp Trung Quốc sẽ “mượn đường” Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ. Trong khi đó, Việt Nam hiện cũng đang xuất siêu vào Mỹ. Nếu không kiểm soát tốt, theo ông Lược thì nguy cơ thương mại Việt Nam bị ảnh hưởng trong mối quan hệ kinh tế với Mỹ là rất cao.
Trước bối cảnh này, vị chuyên gia cho rằng các nhà điều hành chính sách cần có những giải pháp thích hợp. Việc phá giá tiền đồng tương ứng với nhân dân tệ có thể được tính nhằm tránh thiệt hại quá lớn về thương mại nhưng cần cẩn trọng bởi động thái này có thể làm chững lại dòng vốn đang dịch chuyển vào Việt Nam.
Với việc Nhân dân tệ giảm giá mạnh, nhiều ý kiến cho rằng điều này sẽ càng kích thích dòng vốn đầu tư nước ngoài dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam nhằm tránh rủi ro tỷ giá. Số liệu từ Tổng cục thống kê cho thấy, trong 4 tháng đầu năm, tổng số vốn FDI đăng ký lên tới 14,6 tỷ USD, tăng 81% so với cùng kỳ năm trước. Lượng vốn FDI giải ngân cũng tăng 7,5% lên 5,7 tỷ USD.
Tuy nhiên theo nhận định của chuyên gia Võ Đại Lược, việc nhân dân tệ giảm không phải nguyên nhân lớn khiến nhà đầu tư chạy sang Việt Nam. Lý do chính khiến các nhà đầu tư đổ vốn vào Việt Nam là do Mỹ áp thuế rất nặng đối với hàng hoá Trung Quốc. Do vậy kể cả nhà đầu tư Trung Quốc cũng “tháo chạy”. Thêm nữa cũng cần kể đến lợi thế của Việt Nam trong thu hút đầu tư.
“Việt Nam là một trong số những nước được đánh giá là có nền kinh tế xã hội ổn định, sức hấp dẫn đầu tư rất lớn. Việt Nam cũng ký nhiều hiệp định thương mại tự do, thị trường mở rộng trong khi bản thân doanh nghiệp nội chưa chiếm lĩnh được bao nhiêu”, ông Lược nhận xét.
Ở một góc nhìn khác lạc quan hơn, chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng tác động việc điều chỉnh tỷ giá của Trung Quốc vừa qua không quá đáng quan ngại.
Vị chuyên gia này nói: Chúng ta cần hết sức bình tĩnh và phải đánh giá tác động cả về mặt tâm lý của nhà đầu tư, người dân và doanh nghiệp Việt trong bối cảnh có nhiều rủi ro như hiện nay. Từ đó đưa ra những quyết sách phù hợp, chặt chẽ, đồng thời truyền thông tốt hơn về vấn đề này.
Cũng theo ông Lực, Ngân hàng Nhà nước cần theo dõi, phân tích đánh giá thị trường và tác động của biến động tỷ giá; điều hành tỷ giá bình thường và sớm có thông điệp đến thị trường để trấn an thị trường và sẵn sàng can thiệp thị trường ngoại hối khi cần thiết.
Ông Lực nhận định, trong bối cảnh quan hệ cung cầu ngoại tệ ổn định, tiềm lực dự trữ ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước có đủ công cụ để can thiệp thị trường và ổn định tỷ giá trước mắt và thời gian tới. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần hết sức bình tĩnh và đánh giá kỹ hơn tác động của chiến tranh thương mại để đưa ra các giải pháp phù hợp.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone