Trung Quốc vướng ‘hạn tam tai’: Bất động sản lao đao, nhân dân tệ đuối sức

Mộc An - 15/08/2023 23:08 (GMT+7)

(VNF) - Từ vài tháng qua, nền kinh tế Trung Quốc liên tục cho thấy những tín hiệu đáng lo ngại, mới nhất là rắc rối nợ nần liên quan đến “ông lớn” bất động sản Country Garden. Trong khi đó, những cơn gió ngược về thương mại và áp lực giảm phát cũng đang khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chao đảo.

VNF
Từ vài tháng qua, nền kinh tế Trung Quốc liên tục cho thấy những tín hiệu đáng lo ngại.

Rơi vào giảm phát

Trung Quốc đang trải qua giai đoạn giá giảm hiếm hoi, khi cả nhu cầu của người tiêu dùng và doanh nghiệp yếu đi. 

Theo số liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 7 tại Trung Quốc đã giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 2/2021, CPI Trung Quốc đi xuống. Chỉ số này đã cận kề mức giảm phát từ vài tháng nay.

CPI tháng 7 của Trung Quốc đã giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chỉ số giá sản xuất (PPI) trong tháng 7 cũng giảm 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái, ghi nhận mức giảm tháng thứ 10 liên tiếp. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 11/2020, cả CPI và PPI cùng giảm.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này được cho là do các gói kích thích kinh tế của Trung Quốc vẫn còn hạn chế. Sau khi đại dịch diễn ra, Bắc Kinh chi tổng cộng 2.400 tỷ NDT (gần 300 tỷ USD), chủ yếu phân bổ cho xây dựng hạ tầng, giảm trực tiếp vào tiền lương cho lao động và thuế cho doanh nghiệp.

Trong khi đó, thị trường bất động sản trì trệ, nhu cầu hàng xuất khẩu lao dốc và tiêu dùng trong nước ì ạch đã gây sức ép mạnh mẽ lên đà phục hồi của Bắc Kinh.

Bên cạnh đó, làn sóng nợ công kỷ lục tại các địa phương đặt ra nhiều thách thức với kinh tế Trung Quốc. Đặc biệt, khu vực kinh tế tư nhân dư thừa công suất, cắt giảm đầu tư,… là các nguyên nhân dẫn đến tình trạng giảm phát ở Trung Quốc.

Theo số liệu thống kê của Chính phủ Trung Quốc, kim ngạch thương mại của nước này trong tháng 7, bao gồm cả xuất khẩu và nhập khẩu, đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu giảm 14.5%, trong khi kim ngạch nhập khẩu giảm 12.4% so với cùng kỳ năm 2022.

Bất động sản, quỹ tín thác "ngập trong nợ"

Từng được xem là “trụ cột cuối cùng” trong thị trường bất động sản hỗn loạn của Trung Quốc, hãng bất động sản tư nhân lớn nhất nước này là Country Garden mới đây đã thừa nhận tập đoàn này đang gặp phải khó khăn lớn nhất kể từ khi thành lập và dự kiến sẽ phải gánh khoản lỗ lên tới 7,6 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2023.

Country Garden đã công bố trong hồ sơ giao dịch chứng khoán vào ngày 13/8 rằng họ đã đình chỉ giao dịch ít nhất 10 lô trái phiếu doanh nghiệp của công ty, vài ngày sau khi nhà phát triển bất động sản hàng đầu Trung Quốc cho biết họ chưa trả lãi cho hai trái phiếu quốc tế đáo hạn vào ngày 6/8 với giá trị tổng cộng 22,5 triệu USD.

Nếu không thanh toán cho các nhà đầu tư khi kết thúc 30 ngày ân hạn, Country Garden Holdings sẽ vỡ nợ với nghĩa vụ tài chính này, với mỗi lô có giá trị danh nghĩa 500 triệu USD.

Sự sụp đổ của Country Garden có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với hệ thống tài chính và nền kinh tế Trung Quốc.

Cổ phiếu của Country Garden đã giảm 18,4% tại sàn Hong Kong trong phiên chiều 14/8, sau khi kết thúc một tuần khó khăn khiến cổ phiếu của công ty này giảm 31%, theo dữ liệu của FactSet.

Trong khi đó, một trong những nhà quản lý tài sản hàng đầu của Trung Quốc là Zhongrong International Trust, đơn vị liên kết của Tập đoàn quản lý tài sản Zhongzhi Enterprise Group, đã bỏ lỡ các khoản thanh toán đến hạn cho các sản phẩm quản lý tài sản mà công ty phát hành.

Thông tin này kích hoạt mối lo ngại mới về sức khỏe của ngành công nghiệp quỹ tín thác khổng lồ trị giá 2,9 nghìn tỷ USD của Trung Quốc.

Caixin cho biết từ cuối tuần trước, trên thị trường bắt đầu xuất hiện tin tức Zhongzhi, quỹ quản lý tài sản có quy mô lên tới 1.000 tỷ nhân dân tệ, đang gặp khủng hoảng thanh khoản. Là 1 tập đoàn tài chính khổng lồ có tầm ảnh hưởng lớn đến các quỹ tín thác, quỹ PE và nhiều quỹ quản lý tài sản ở Trung Quốc, ZhongZhi hiện sở hữu một lượng lớn cổ phần ở Zhongrong.

Ngành quản lý quỹ của Trung Quốc đang phải chịu nhiều sức ép từ cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản. Vài năm trở lại đây, nhiều công ty đã bị phá sản vì những sản phẩm đầu tư có liên quan đến các nhà phát triển bất động sản.

Theo Bloomberg, cơ quan quản lý ngân hàng của Trung Quốc đã thành lập một nhóm đặc nhiệm vào tháng trước để kiểm tra các rủi ro tại Zhongzhi.

Nhân dân tệ suy yếu

Lo ngại gia tăng về lĩnh vực bất động sản đang liên tục gặp biến cố thời gian gần đây khiến đồng nội tệ của Trung Quốc ngày 14/8 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11 năm ngoái khi được giao dịch ở mức 7,28 nhân dân tệ đổi 1 USD.

Đầu năm nay, đồng Nhân dân tệ tăng giá mạnh vì thị trường tài chính toàn cầu kỳ vọng nhiều ở việc nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại. Tuy nhiên hiện nay, khi những số liệu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc không hồi phục mạnh mẽ như dự báo dù đã thoát khỏi cơn ác mộng “zero-Covid, đồng nhân dân tệ trở thành một trong những đồng tiền giảm giá mạnh nhất ở khu vực châu Á. Kể từ đầu năm tới nay, đồng tiền này đã giảm hơn 5%.

Kể từ đầu năm tới nay, những lo ngại về triển vọng kinh tế đã khiến đồng nội tệ Trung Quốc giảm 5% và là đồng tiền có hiệu suất kém thứ hai ở châu Á, chỉ sau đồng Yen Nhật.

Giới phân tích nhận định Chính phủ Trung Quốc đang lo ngại việc đồng nhân dân tệ trượt giá kéo dài so với đồng USD sẽ vừa tác động tiêu cực đến dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào nước này, vừa kích hoạt dòng vốn trong nước tháo chạy ra bên ngoài.

Theo dữ liệu mới do Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc công bố hôm 15/8, doanh số bán lẻ ở Trung Quốc đã tăng 2,5% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái, giảm so với tháng 6 (3,1%) và thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 4,4% mà các nhà kinh tế dự đoán.

Sản lượng công nghiệp của Trung Quốc tăng 3.7% so với cùng kỳ, những cũng thấp hơn dự báo 4.3% từ các chuyên gia. Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị tăng từ 5.2% lên 5.3%.

Loạt dữ liệu này tiếp tục cho thấy sự chững lại của nền kinh tế Trung Quốc. Theo đó, đà sụt giảm của nhân dân tệ có thể được nối dài, buộc giới chức Trung Quốc phải đưa ra thêm các biện pháp ứng phó.

Mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm?

Ông Brad Bechtel, Giám đốc ngoại hối toàn cầu ở Ngân hàng Jefferies, cho biết: “Dường như có rất nhiều điều đang diễn ra trong thị trường tài chính Trung Quốc những ngày này với Country Garden và Zhongzhi là hai công ty nổi bật nhất. Theo tôi, chúng ta mới chỉ nhìn thấy phần nổi của tảng băng chìm”.

Theo ông Bechtel, càng nhiều ngày trôi qua mà không có kế hoạch kích thích tài khóa toàn diện thì càng có vẻ như không có kế hoạch nào.

Nền kinh tế Trung Quốc đang có biến động lớn.

Ở động thái liên quan, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) vừa bất ngờ hạ lãi suất của các khoản vay kỳ hạn 1 năm xuống còn 2,5%, tức giảm 15 điểm cơ bản. Lãi suất mua lại đảo ngược kỳ hạn 7 ngày (vốn được coi là lãi suất chính sách ngắn hạn) giảm 10 điểm cơ bản, xuống còn 1,8%. 

Theo giới phân tích, động thái này sẽ mở đường cho việc giảm lãi suất cho vay cơ bản (LPR) tuần tới.

PBoC cũng đưa ra thông điệp cho biết các cơ quan chức năng của nước này sẽ giảm chi phí tài chính cho các doanh nghiệp, ổn định kỳ vọng về thị trường và tiếp tục hỗ trợ lĩnh vực bất động sản trong những tháng tới.

Cụ thể, PBoC cam kết sẽ hỗ trợ thị trường bất động sản "phát triển ổn định và lành mạnh" trong nửa cuối năm 2023, bao gồm cả việc tiếp tục các chỉ dẫn giảm lãi suất cho vay mua nhà ở cá nhân và tỷ lệ các khoản đặt cọc mua nhà.

PBoC cũng sẽ đưa ra các chỉ dẫn đối với các ngân hàng thương mại nhằm điều chỉnh lãi suất đối với các khoản thế chấp hiện tại một cách hợp lý và có trật tự.

Tuyên bố của PBOC cho biết Trung Quốc cũng sẽ chú ý đến những biến động vốn xuyên biên giới, giữ cho đồng nhân dân tệ ổn định về cơ bản và tăng cường hỗ trợ các công ty phòng ngừa rủi ro tỷ giá hối đoái.

Xem thêm >> Bất chấp Nga nỗ lực ‘giải cứu’, đồng ruble xuống đáy 17 tháng

Cùng chuyên mục
Tin khác