Trung tâm Triển lãm quy hoạch TP. HCM hoang tàn 8 năm, trách nhiệm tại ai?

Nam Phương - 23/07/2022 17:05 (GMT+7)

(VNF) - Chính quyền TP. HCM đã đầu tư tới 40 triệu USD (hơn 800 tỉ đồng) để xây Trung tâm Triển lãm quy hoạch, nằm kế bên khu đất dự kiến xây nhà hát 1.500. Công trình được hứa hẹn sẽ tạo sức hút để khu đô thị Thủ Thiêm cất cánh. Tuy nhiên, 8 năm qua dự án vẫn bỏ dở, hoang tàn.

VNF
Trung tâm Triển lãm quy hoạch TP. HCM hoang tàn 8 năm, trách nhiệm tại ai?

Vẫn hoang tàn sau 8 năm khởi công

Căn cứ quyết định số 2287/QĐ-UBND do Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Tín ký, TP. HCM đã tiến hành khởi công xây dựng Trung tâm Triển lãm quy hoạch thành phố với số tiền đầu tư 40 triệu USD (tương đương hơn 800 tỷ đồng).

Ngày 1/11/2011, UBND TP. HCM đã ban hành Quyết định số 5277/QĐ-UBND để thành lập Ban Quản lý xây dựng Trung tâm Triển lãm quy hoạch Thành phố, trực thuộc UBND TP. HCM. Như vậy, BQL Xây dựng Trung tâm Triển lãm quy hoạch là chủ đầu tư, đơn vị đầu mối chịu trách nhiệm chính trong việc xây dựng công trình này.TT Triển lãm TP hoang tàn suốt 8 năm qua

Trung tâm triển lãm quy hoạch TP. HCM hoang tàn suốt 8 năm qua

Công trình có diện tích hơn 18.000m2, cao 5 tầng, tổng mức đầu tư hơn 836 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng 357 tỷ, chi phí thiết bị 268 tỷ và các chi phí còn lại là hơn 211 tỷ đồng. Địa điểm xây dựng thuộc lô I-19, khu đô thi Thủ Thiêm, nằm kế bên lô I -21 là khu đất dự kiến xây dựng nhà hát giao hưởng 1.500 tỷ đồng.

Ngoài chức năng chính là triển lãm quy hoạch và kiến trúc, tòa nhà còn hứa hẹn là nơi giao lưu của giới chuyên môn, người dân và khách du lịch. Đây được xem là nơi trưng bày, kêu gọi các nhà đầu tư đến khu đô thị Thủ Thiêm và được kỳ vọng sẽ là một khởi đầu cho làn sóng những nhà đầu tư trong tương lai.

Khởi công năm 2014, lãnh đạo TP dự kiến công trình sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng vào năm 2016. Tuy nhiên, đến nay công trình vẫn hoang tàn.

Theo ghi nhận của PV, công trình triển lãm hiện tại nằm cô độc giữa những bụi cỏ mọc quá đầu người. Thậm chí, nhiều người dân TP. HCM còn ví von nhà triển lãm tựa như “nấm mồ hoang phế” vì chẳng mấy ai đến khu vực này. Khu để xe của trung tâm thì ngập đầy nước mưa, tường bám rêu phong, cũ kỹ.

Phía bên ngoài, quy hoạch hệ thống đường xá, giao thông cũng chưa được xây dựng hoàn chỉnh khiến công trình càng bị cô lập. Hiện công trình vẫn còn một số hạng mục đang thi công, nhưng số lượng công nhân chỉ có vài người và tốc độ làm việc cực kỳ chậm chạp.

Ai chịu trách nhiệm?

Công ty Tư vấn Kiến trúc Pháp DeSo-Defrain-Souquet đã đoạt được giải nhất cuộc thi quốc tế thiết kế ý tưởng kiến trúc dự án này với ý tưởng không chỉ triển lãm về quy hoạch kiến trúc, tòa nhà còn là nơi giao lưu của giới chuyên môn, của mọi tầng lớp người dân thành phố và cả khách tham quan du lịch.Như một mảng tối của thành phố

Như một mảng tối giữa Trung tâm thành phố

Bởi vậy, hình thái kiến trúc tòa nhà khá phức tạp. Kiến trúc tổng thể gồm hai cánh đặt nghiêng và chụm vào nhau bên trên một không gian thông tầng rộng lớn. Mặt tiền chính hướng về phía quảng trường là cả một mảng vườn treo được bảo vệ bởi hệ thống thanh lam kim loại che nắng.

Theo kinh nghiệm của nhiều chuyên gia xây dựng thì đây là một công trình thiết kế đồ sộ về khung thép phức tạp (hệ khung nghiêng 72 độ), lại có độ nghiêng dốc mái, rất khó về kỹ thuật, đòi hỏi kinh nghiệm cao của các nhà thầu khung sàn, thép, nhôm kính.

Cho dù nhà thầu chính khung thép có dày kinh nghiệm nhưng không có sự thống nhất và hợp tác của các nhà thầu phụ phần nhôm, kính, nội thất thì cũng dễ “bó tay". Càng để lâu thì dẫn đến một số cấu kiện bên ngoài bị ảnh hưởng, công trình lại càng khó hoàn thành.

Mới đây, thông tin từ Sở Quy hoạch kiến trúc TP. HCM cho thấy, công trình có tín hiệu khởi động trở lại. Tuy nhiên, trong quá trình khởi động lại, BQL dự án và nhà thầu chưa thống nhất ý kiến trong lựa chọn vật liệu bao che nên vẫn ì ạch.

UBND TP cũng quyết định tổ chức lại Ban Quản lý Xây dựng Trung tâm triển lãm quy hoạch TP trực thuộc UBND TP thành Ban Quản lý Xây dựng Trung tâm triển lãm quy hoạch TP trực thuộc Sở Quy hoạch - Kiến trúc trên cơ sở bàn giao nguyên trạng cho Sở Quy hoạch - Kiến trúc.

Ban Quản lý mới có chức năng tham mưu, tư vấn cho Sở Quy hoạch - Kiến trúc và UBND TP thực hiện dự án.

Tuy nhiên trước thực trạng đã đình trệ 8 năm qua, dư luận đặt ra câu hỏi, công trình bị chậm tiến độ so với kế hoạch ban đầu thì nguyên nhân do đâu, ai là người chịu trách nhiệm? Việc lựa chọn năng lực và điều phối các nhà thầu đã được thực hiện tốt chưa? Và trong câu chuyện dự án bị đình trệ cũng cần đề cập tới năng lực của ban quản lý dự án. Cần làm rõ trách nhiệm của Ban quản lý dự án cũ.

Câu hỏi bao giờ tiền đầu tư của Nhà nước mới phát huy hiệu quả tại Trung tâm Triển lãm và quy hoạch TP. HCM?

Dự tính hạ tuần tháng 7, Đoàn giám sát của Quốc hội “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021” sẽ làm việc với lãnh đạo TP. HCM về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đó đặc biệt quan tâm tới lãng phí nguồn đầu tư công, dự án công.

Hôm 22/7, đoàn giám sát đã làm việc với tỉnh Bình Dương. Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm VP Quốc hội, Phó Trưởng đoàn giát sát của Quốc hội đã đề nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương chỉ đạo thực hiện một số nội dung kiến nghị về quản lý, thực hiện dự án công và nguồn đầu tư công. Đặc biệt, cập nhật, bổ sung thông tin, số liệu, tài liệu theo đề xuất của Tổ công tác.

Trong báo cáo cần làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan, quy rõ trách nhiệm, ai, cấp nào nhất là người đứng đầu, cũng như những giải pháp khắc phục cụ thể những dự án đầu tư công lãng phí. Kết quả giám sát tại các địa phương sẽ cung cấp thông tin xác thực nhất về kết quả chống lãng phí.

Các đề xuất, kiến nghị, chỉ rõ trách nhiệm của tỉnh, TP sẽ là cơ sở quan trọng để Đoàn giám sát nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện, khách quan đề xuất với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ tiếp tục ban hành các cơ chế, chính sách nâng cao hiệu quả công tác thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thời gian tới.

Cùng chuyên mục
Tin khác