Thị trường

Trung thu nhớ về thương hiệu Kinh Đô - 'linh hồn đã mất'

(VNF) – Thương hiệu Kinh Đô giờ đã thuộc sở hữu nước ngoài. Ngôi vương mùa trung thu cũng theo đó mà không còn thuộc về thương hiệu Việt.

Trung thu nhớ về thương hiệu Kinh Đô - 'linh hồn đã mất'

Quầy bánh trung thu Kinh Đô

Từ bỏ ngôi vương mùa trung thu

Cứ mỗi độ tháng 8 âm lịch hàng năm, đường phố lại vàng rực màu của các quầy bánh trung thu Kinh Đô. Năm nay vẫn vậy, nhưng thương hiệu quen thuộc ấy giờ đã hoàn toàn không còn là của người Việt Nam.

Năm ngoái, CTCP Kinh Đô đã chính thức đổi tên thành CTCP Tập đoàn KIDO. Logo biểu trưng cho vương miện gắn 2 chữ "KINH DO" cũng đã bị thay thế. Và cũng chỉ 10 ngày trước đây thôi, Tập đoàn KIDO thông báo đã bán nốt 20% mảng bánh kẹo còn lại cho đối tác ngoại sau khi đã bán 80% trong năm 2015.

Từ bỏ ngôi vương ngành bánh kẹo, từ bỏ ngôi vương mùa trung thu là quyết định rất táo bạo của 2 anh em ông Trần Kim Thành – Trần Lệ Nguyên, thậm chí có thể coi là quyết định táo bạo nhất trong thương trường Việt năm 2015. Càng táo bạo hơn khi lãnh đạo Kinh Đô (nay là KIDO) đã quyết chí xóa bỏ hoàn toàn tên và thương hiệu cũ đã gắn bó với người tiêu dùng suốt bao nhiêu năm để tạo dựng thương hiệu mới và bản sắc mới.

Mùi vị của chiếc bánh trung thu Kinh Đô vẫn thế nhưng cảm giác cầm trên tay hộp bánh trung thu Kinh Đô đã có phần xa lạ hơn xưa bởi trong lòng đã bất giác gợn lên chuyện thương hiệu Kinh Đô giờ đã là của nước ngoài.

Quyết chí thiết lập ngôi vương mới

Trong 3 trụ cột kinh doanh của KIDO gồm kem, mì gói và dầu ăn thì KIDO hoàn toàn có thể thống lĩnh thị trường kem và thị trường dầu ăn. Thực tế thì KIDO đang đẩy mạnh quá trình đi đến thống trị này.

Theo thống kê thì 6 tháng đầu năm 2016, doanh thu thuần của KIDO đạt mức 981 tỷ đồng. Đáng chú ý là 75% tổng doanh thu là đến từ mảng kinh doanh kem. Dù mức doanh thu hiện tại của KIDO còn khá khiêm tốn so với thời còn mảng bánh kẹo nhưng biên lợi nhuận gộp của KIDO đã tăng khá rõ rệt trong nửa đầu năm 2016 khi so sánh với thời trước khi bán mảng bánh kẹo.

Xét trong giai đoạn 2011 – 6 tháng 2016 thì rất rõ ràng có thể nhận thấy, biên lợi nhuận gộp và doanh thu thuần các năm 2012, 2013 và 2014 biến động khá nhỏ, điều này hàm ý rằng thị trường bánh kẹo đã bão hòa và khó có thể là động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho Kinh Đô. Đây cũng là lý do vì sao lãnh đạo Kinh Đô (nay là KIDO) bán mảng kinh doanh này.

Năm 2015 có thể nói là năm quá độ của KIDO khi doanh nghiệp này bán 80% cổ phần mảng bánh kẹo cho đối tác ngoại. Hệ quả là doanh thu và biên lợi nhuận gộp của KIDO đều giảm đáng kể so với thời chưa bán mảng bánh kẹo.

6 tháng đầu năm 2016, dù doanh thu của KIDO đã khiêm tốn hơn xưa rất nhiều nhưng có một tín hiệu đáng mừng là biên lợi nhuận gộp của tập đoàn này đã tăng vọt lên 50,9%, chủ yếu do biên lợi nhuận của mảng kinh doanh kem lớn hơn mảng bánh kẹo.

Quý III tới đây, KIDO sẽ khánh thành nhà máy mới tại Bắc Ninh và kỳ vọng sẽ tăng mạnh độ phủ cũng như tốc độ phục vụ thị trường, đồng thời giảm chi phí hậu cần.

Tuy nhiên đối với KIDO thì ở thời điểm hiện tại, xác lập ngôi vương tại thị trường kem sẽ lâu hơn việc xác lập ngôi vương tại thị trường dầu ăn.

Hiện KIDO đang sở hữu 24% cổ phần tại Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex), qua đó gián tiếp sở hữu 27% cổ phần tại CTCP Dầu thực vật Tường An, 49% Công ty Dầu ăn Golden Hope Nhà Bè và 24% cổ phần tại Công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân. Sắp tới, KIDO sẽ hoàn tất việc mua 65% cổ phần của Tường An, qua đó nâng sở hữu tại công ty này lên mức 92% và có thể tiến hành hợp nhất tài chính.

Thương trường luôn biến đổi và việc ra đi của một thương hiệu Việt quen thuộc cũng không còn là điều gì quá mới mẻ. KIDO vẫn đang tiếp tục bước trên con đường mới và thành công hay không còn nằm ở thì tương lai. Tuy nhiên, mùa trung thu này, vẫn có chút gì đó hụt hẫng khi cầm trên tay chiếc bánh trung thu mang thương hiệu Kinh Đô.

Tin mới lên