TS. Bùi Trinh: 'Còn lao vào tăng trưởng GDP đất nước sẽ ngày càng nợ nần'

Thu Phương - 09/11/2017 08:58 (GMT+7)

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, tăng trưởng GDP cao hay thấp không có ý nghĩa gì nhiều đối với nền kinh tế Việt Nam. GDP tăng trưởng càng cao thì càng gây bất ổn kinh tế vĩ mô.

VNF
Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh.

Tuần qua, tại Quốc hội, các đại biểu đã thảo luận rất nhiều về con số tăng trưởng GDP kỷ lục 7,4% trong quý III/2017 do Tổng cục Thống kê công bố. Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh nêu quan điểm:

"Hiện nay, câu hỏi về phương pháp tính GDP tại Việt Nam vẫn đang còn nhiều tranh luận rất lớn. GDP mà Tổng cục Thống kê công bố là GDP tính từ phía cung, bằng tổng giá trị gia tăng theo giá cơ bản + thuế sản phẩm.

Trong khi đó, bản chất của GDP là tính từ phía cầu. Ý niệm gốc mà nhà kinh tế Keynes đưa ra là GDP bằng tổng cầu cuối cùng, bao gồm tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình (C), chi tiêu dùng cuối cùng của Chính phủ ( G), đầu tư/ tích lũy gộp tài sản (I) và chênh lệch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ (E – M).

Bảng so sánh GDP tính từ phía cung và GDP tính từ phía cầu.

Từ số liệu của Tổng cục Thống kê, làm một phép tính rất đơn giản cho thấy GDP từ phía cầu của quý I/2017 chỉ tăng trưởng 3,88%, quí II tăng 3,21%, quí III tăng 4,67% và 9 tháng đầu năm 2017 chỉ tăng trưởng 3,93%.

Con số này hoàn toàn khác so với GDP từ phía cung do Tổng cục Thống kê đưa ra trước đó. Trong khi đó, về nguyên tắc, tất cả các phép tính GDP phải ra cùng một kết quả.

Vậy câu hỏi đặt ra là con số tăng trưởng nào là đúng và hợp lý? Tất nhiên, có thể coi rằng sự chênh lệch giữa hai phương pháp tính GDP từ phía cung và từ phía cầu là sai số. Tuy nhiên, cũng cần phải nói lại rằng sự sai số này là quá lớn và liên tục qua các quý".

Con số tăng trưởng GDP cao hay thấp có tác động cụ thể như thế nào đối với nền kinh tế, thưa ông?

Thực chất, dù con số tăng trưởng GDP cao hay thấp cũng không có ý nghĩa gì nhiều đối với nền kinh tế Việt Nam. Tôi cho rằng chúng ta không nên đặt mục tiêu tăng trưởng GDP nữa. Bởi GDP tăng trưởng càng cao thì càng gây bất ổn kinh tế vĩ mô.

Cách tính GDP dựa trên quản lý cầu là của Keynes đưa ra trong bối cảnh thế giới khủng hoảng thừa những năm 30 của thế kỷ trước. Quản lý cầu để người dân sử dụng các sản phẩm làm ra trong xã hội. Nếu không ai tiêu dùng thì Nhà nước bỏ tiền ra để kích cầu.

Tại sao người ta quản lý cầu là vì muốn kỳ vọng rằng khi kích cầu tăng 1 đồng thì sẽ kích cung tăng hơn 1 đồng.

Trong khi đó, thực tế tại Việt Nam hiện nay không giống như vậy, do đó, chúng ta cũng không thể áp dụng cách tính này. Nền kinh tế sản xuất của chúng ta còn yếu, chính vì vậy, việc Nhà nước quá chú trọng vào quản lý cầu là chưa thực sự hợp lý.

Bên cạnh đó, khi Keynes đặt vấn đề tăng trưởng GDP cũng chỉ đưa ra mục tiêu quản lý cầu trong ngắn hạn và nhất thời. Thực tế trên thế giới không nước nào quản lý cầu trên 10 năm cả. Còn ở Việt Nam, hiện chúng ta đã quản lý cầu quá lâu rồi.

Ông có thể phân tích rõ hơn về điều này?

- Quản lý cầu dẫn đến các chính sách tập trung can thiệp vào hai công cụ chính là tài khóa và tiền tệ khiến nền kinh tế rơi vào vòng tròn luẩn quẩn hết lạm phát lại đến suy trầm, kéo theo đó là nợ công, bội chi ngân sách…

Tất cả các ngành phải chi ngân sách mạnh hiện nay như quản lý ngân sách, quốc phòng, văn hóa, y tế, giáo dục… đều tăng trưởng trên 7,2% và năm sau cao hơn năm trước. Các ngành dịch vụ tăng trưởng cao như vậy làm GDP nhất thời tăng lên.

Một ví dụ điển hình như việc xây tượng đài. Chúng ta xây càng nhiều tượng đài thì GDP ngay trong năm đó càng tăng. Tuy nhiên, hoàn toàn không có ý nghĩa gì đối với nền kinh tế, về lâu về dài sẽ dẫn đến những tác động tiêu cực khôn lường.

Bên cạnh đó, việc quản lý tiền tệ bằng việc đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng lên quá cao như hiện nay đang khiến dòng tiền không chảy đúng hướng vào sản xuất, thúc đẩy kinh tế phát triển như mong muốn... dẫn đến những rủi ro về nợ xấu.

Do đó, tôi cho rằng, chúng ta vẫn còn lao vào tăng trưởng GDP thì đất nước sẽ ngày càng nợ nần, cùng với đó là bội chi không thể giảm, nợ công tăng cao...

Việc đầu tiên chúng ta cần làm hiện nay là minh bạch những con số vĩ mô để phản ánh thực sự nền kinh tế. Có như vậy, chúng ta mới biết rằng mình đang ở đâu, trong tình trạng như thế nào, từ đó đưa ra được giải pháp phù hợp cho mục tiêu tăng trưởng.

Theo TheLEADER
Cùng chuyên mục
Tin khác